Các hãng hàng không huy động vốn để cầm cự giữa mùa Covid-19

Hoài An - 07:37, 11/04/2020

TheLEADERNhiều hãng hàng không lớn đang giải quyết khó khăn thanh khoản bằng cách huy động vốn thông qua trái phiếu, bán cổ phiếu mới hay vay các khoản vay ngân hàng.

Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết hãng hàng không Lufthansa của Đức đang khởi động kế hoạch huy động tiền từ thị trường nợ và thị trường vốn nhằm giúp hãng này có thể vượt qua dịch Covid-19.

Theo đó, Lufthansa có thể sẽ huy động thông qua chuyển đổi trái phiếu kết hợp với bán cổ phiếu mới. Các cổ đông hiện tại cũng có thể mua thêm cổ phiếu với giá chiết khấu.

Khoảng 90% đội bay của Lufthansa hiện đang tạm dừng hoạt động kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hãng này đã tiến hành đàm phán với chính phủ Đức nhằm hỗ trợ việc thanh khoản thông qua các khoản vay đặc biệt từ ngân hàng phát triển quốc gia nhưng chi tiết khoản hỗ trợ vẫn chưa được quyết định.

Hãng hàng không lớn nhất khu vực Trung Đông là Emirates cũng đang trong quá trình đàm phán nhằm vay thêm hàng tỷ USD trong bối cảnh các chuyến bay tạm dừng vì Covid-19, theo thông tin từ Bloomberg. Hãng này đang liên hệ với các ngân hàng trong nước và quốc tế về các khoản vay bổ sung vào số tiền viện trợ tài chính cung cấp bởi chính phủ.

Một trong những lựa chọn đang được Emirates bàn luận là các khoản vay nợ từ đối tác ngân hàng với lãi suất thấp và khả năng đạt được thỏa thuận nhanh chóng.

Dù vậy, hiện vẫn chưa có khoản vay nào được thống nhất và do đó, cũng chưa có hoạt động giải ngân nào được thực hiện cho đến nay.

Emirates đã tạm dừng dịch vụ vận chuyển hành khách kể từ ngày 25/3 tới và sẽ khôi phục khi tình hình cho phép. Quyết định này được đưa ra khi Emirates gặp phải tình huống không thể vận chuyển hành khách do các quốc gia đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19 bùng phát.

Tại Đông Nam Á, Singapore Airlines cuối tháng trước cho biết sẽ gia tăng vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư và gọi vốn thông qua trái phiếu chuyển đổi 10 năm với tổng giá trị có thể lên tới 15 tỷ USD Singapore, tương đương khoảng 10,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, hãng này cũng sắp xếp một khoản vay trị giá hơn 2,8 tỷ USD với ngân hàng DBS nhằm hỗ trợ cho nhu cầu thanh khoản ngắn hạn.

Chủ tịch Singapore Airlines Peter Seah cho biết đây là thời điểm đặc biệt đối với tập đoàn. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu hàng khách đã sụt giảm nhanh chóng giữa bối cảnh đóng cửa biên giới chưa từng có trên thế giới. Singapore Airlines đã cắt giảm công suất cũng như thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí.

Gói gọi vốn mới được đánh giá sẽ giúp hãng hàng không này có đủ nguồn lực để vượt qua những thách thức hiện tại với vấn đề thanh khoản tài chính ngắn hạn và phát triển, củng cố vị trí trong ngành.

Tại Việt Nam, ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lượng tiền dự trữ của Vietnam Airlines khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.

Tuy nhiên, dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp này tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Trước những áp lực về tài chính nêu trên, Vietnam Airlines cho biết nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho doanh nghiệp và các công ty con vay, ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng.

"Để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020”, báo cáo nêu kiến nghị.