Các kịch bản phục hồi kinh tế sau đại dịch

An Chi - 09:42, 06/05/2020

TheLEADERTheo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại 200 nước, nền kinh tế Việt Nam với độ mở rất cao nên chưa thể mở hoàn toàn như trước đây.

Các kịch bản phục hồi kinh tế sau đại dịch
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, ông Phương cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chủ động, phối hợp cùng với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những định hướng, giải pháp để phục hồi nền kinh tế,

Theo đó, bước thứ nhất là lúc Covid-19 đang diễn ra thì ưu tiên chống dịch là chủ yếu, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch gây ra. Khi điều hành nền kinh tế trong trung và dài hạn thì việc giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho phục hồi sau này nhanh và tốt hơn.

Bước thứ hai, sau khi nguy cơ và tác động của dịch Covid-19 giảm đi nhiều như hiện nay, nền kinh tế sẽ phục hồi dần dần. 

Bộ Kế hoạch và đầu tư đã báo cáo và tham mưu Chính phủ sẽ mở lại dần các hoạt động kinh tế. Đối với các mảng thị trường, trước tiên phục hồi trong nước trước. Còn đối với thị trường nước ngoài thì hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 ở Việt Nam có khả năng kết thúc sớm nhưng các nước trên thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. 

Do đó nền kinh tế chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế. Bộ Kế hoạch và đầu tư đang xây dựng các kịch bản cho trạng thái bình thường mới, các chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn tồn tại. Mỗi chính sách đề ra cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu là phòng chống dịch và phát triển kinh tế. 

Ông Phương lấy ví dụ như chính sách trong ngành vận tải hàng không, nếu như có chuyến bay quốc tế nào đến Việt Nam thì đây là vấn đề kinh tế, nhưng khi đến Việt Nam thì khách trên chuyến bay đó sẽ phải thực hiện cách ly cũng như kiểm soát dịch bệnh. Như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho Việt Nam, nhưng có hạn chế là không nhộn nhịp và đông khách như trước đây. 

Thứ hai là các giải pháp phòng chống ở trong nước, các quy định về giãn cách, cách ly cũng ảnh hưởng đến một số ngành, lĩnh vực mà có hoạt động tụ tập đông người hay phải tiếp xúc gần.

Sau này khi tình hình dịch bệnh có sự chuyển biến tốt thì sẽ có những quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm nới dần các quy định về phòng chống dịch, lúc đó các ngành sẽ mở lại hoạt động. 

Tuy nhiên, theo ông Phương, có một điểm hết sức lưu ý là khâu thị trường, nhất là ngành dịch vụ, du lịch, nếu không có khách thì dẫu mở lại cũng chưa hoạt động được ngay. Kéo theo đó là một số ngành khác như vận tải, lưu trú, ăn uống phụ thuộc hoàn toàn vào khách.

Trạng thái tương lai trong kịch bản của Bộ Kế hoạch đầu tư xây dựng là khi Covid-19 đã yên ổn trên thế giới. Đối với thế giới hiện nay thì nền kinh tế nào kết thúc dịch sớm nhất sẽ thành công. 

Do vậy, trong định hướng xây dựng kịch bản này bộ sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, tất nhiên sẽ đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này. 

Trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó, ông Phương nhấn mạnh.

Nói về quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất, sớm đưa nền kinh tế phát triển bình thường, dù có rất nhiều khó khăn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng: “Chúng ta phải có quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu, từ cải cách thế chế, đến thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động". 

Việt Nam phải sẵn sàng các điều kiện để đón các làn sóng đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch.

Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới, khi các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư, nhất là đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, trong đó có Việt Nam là điểm đến thuận lợi.

Với ngành du lịch, ông Dũng nhấn mạnh, các cơ quản quản lý nhà nước cần sớm xây dựng tổng thể các chính sách du lịch tạo điều kiện thông thoáng nhất cho khách quốc tế khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế. Có phương án phát triển du lịch trong nước, nhưng phải bảo đảm chống dịch.