Các quốc gia châu Á ‘tung phao’ cứu nền kinh tế vì dịch Corona

Thùy Trang - 09:06, 06/02/2020

TheLEADERTrong bối cảnh số ca nhiễm vi rút Corona tiếp tục gia tăng, nhiều quốc gia châu Á bắt đầu hướng tới các gói hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp trong nước.

Tác động kinh tế từ dịch Corona đã ngay lập tức nhìn thấy trong lĩnh vực du lịch và thị trường chứng khoán khu vực đang cho thấy tâm lý ảm đạm của các nhà đầu tư. Một số ý kiến phân tích cho rằng, việc đình chỉ nhà máy và hạn chế đi lại có thể đẩy cao áp lực lên chuỗi cung ứng của khu vực châu Á.

Trong cuộc họp đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết chính phủ nước này sẽ thiết lập một chương trình hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất khẩu, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn và tìm kiếm thị trường mới. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Seoul.

Đối với các khu vực công nghiệp phục vụ thị trường trong nước, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết có kế hoạch tạo thêm nguồn vốn và giúp cắt giảm chi phí hoạt động, Nikkei đưa tin.

Thông báo phát đi hồi đầu tháng này bởi Bộ Tài chính và Bộ Công thương Singapore cho biết, quốc gia này sẽ cung cấp các hỗ trợ cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng từ dịch Corona, trước hết là du lịch và vận tải.

“Ngành vận tải và du lịch đã cảm nhận mạnh mẽ nhất tác động kinh tế ban đầu từ sự bùng phát với việc suy giảm lưu lượng hàng không qua sân bay Changi và gia tăng lượng hủy phòng khách sạn. Chính phủ dự báo tác động dây chuyền có thể ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp và doanh nghiệp liên quan”, thông báo nêu rõ.

Singapore tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp và lao động trong trường hợp suy thoái trên diện rộng trong những tháng tới, bao gồm giúp doanh nghiệp giải quyết nhu cầu dòng tiền ngắn hạn và hỗ trợ một phần chi phí tiền lương cho lao động.

a
Nền kinh tế của nhiều quốc gia châu Á đứng trước nguy cơ ảnh hưởng lớn từ dịch Corona. Ảnh: CNN.

Ngân hàng trung ương Thái Lan trong động thái mới đây đã tiến hành giảm lãi suất về mức thấp kỷ lục trong bối cảnh dịch Corona đang gia tăng áp lực lên tăng trưởng kinh tế. Theo đó, lãi suất trong ngày được giảm về mức 1%, thấp nhất khu vực châu Á ngoài Nhật Bản và đây là lần cắt giảm thứ ba của quốc gia này trong vòng nửa năm qua.

Ngân hàng này cho rằng, "nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong năm 2020 và thấp hơn nhiều so với tiềm năng do sự bùng phát dịch corona", thông báo ghi rõ. Cùng với việc trì hoãn ban hành đạo luật liên quan đến chi ngân sách hàng năm và hạn hán, số lượng lớn doanh nghiệp và việc làm sẽ bị ảnh hưởng.

Một số biện pháp khác nhằm giữ đà tăng trưởng ổn định của ngành du lịch Thái Lan đã được nội các nước này đưa ra, bao gồm yêu cầu các ngân hàng quốc doanh cung cấp những khoản vay lãi suất thấp hơn và tạm dừng thanh toán lãi đối với người vay trong sáu tháng nhằm giúp các doanh nghiệp đối phó với vấn đề tài chính eo hẹp giữa bối cảnh dịch bệnh.

Bộ Tài chính nước này đang thúc đẩy biện pháp thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn đối với nhiên liệu máy bay trong các chuyến bay nội địa. Các nhà vận hành tour cũng có thể được dừng thanh toán thuế thu nhập trong sáu tháng.

Tại Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 được đánh giá là thách thức rất lớn, đặc biệt nếu dịch Corona kéo dài. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trước Chính phủ, dự kiến nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).

Trường hợp dịch Corona kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quý II là 5,81%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/2, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ quyết định miễn thuế với nguyên liệu sản xuất khẩu trang, thuốc sát trùng cũng như hoá chất phục vụ sản xuất các sản phẩm chống dịch.

Thông tin cụ thể hơn, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Tài chính cho biết mặt hàng khẩu trang, nước khử trùng đang khan hiếm so với nhu cầu thực tế. Ngày 4/2, Bộ trình Thủ tướng, đề xuất miễn thuế với khẩu trang y tế nhập khẩu phòng dịch cũng như miễn thuế nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất khẩu trang và miễn thuế nhập khẩu các loại nước khử trùng, phòng chống dịch.

"Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế cụ thể hoá các mã hàng sẽ được miễn thuế, sớm trình Thủ tướng quyết định", bà Mai cho biết thêm.

Bộ Công thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây, vốn có thời gian bảo quản rất ngắn.

Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay.