Các sàn thương mại điện tử nội đang tìm cách trỗi dậy

Việt Hưng - 16:13, 24/01/2019

TheLEADERChỉ trong 6 tháng cuối năm, lượng truy cập website Tiki đã tăng đến hơn 80%. Tương tự, Sendo cũng tăng trưởng hơn 55%. Cùng với Thegioididong, 2 sàn thương mại điện tử này đã vinh dự góp mặt trong top 10 công ty TMĐT Đông Nam Á do iPrice thống kê.

Từ những thương vụ đầu tư khủng cho đến những cuộc soán ngôi ngoạn mục trên bảng xếp hạng về lượng truy cập website, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã trải qua rất nhiều biến động trong năm 2018. Thực tế này cộng với đà tăng trưởng đến 43% từ nay đến 2025 (theo nghiên cứu của Google và Temasek) cho thấy 2019 sẽ tiếp tục là một năm sôi động cho toàn ngành TMĐT Việt Nam.

Nền tảng so sánh giá iPrice mới đây đã đưa ra những xu thế mới sẽ gây ảnh hưởng lớn đến TMĐT Việt Nam trong năm 2019.

Sự trỗi dậy của các sàn thương mại điện tử nội

Theo các thống kê do iPrice thực hiện, các sàn TMĐT nội như Tiki, Thegioididong và Sendo đã liên tục có những bước tiến đáng khích lệ trong năm 2018.

Đáng chú ý nhất là Tiki khi lượng truy cập website của sàn này tăng đến hơn 80% chỉ sau 6 tháng cuối năm và hiện đã chính thức vươn lên vị trí thứ hai toàn quốc. Tương tự, Sendo cũng tăng trưởng đến hơn 55% về lượng truy cập website. Hai sàn này cùng Thegioididong mới đây cũng vinh dự góp mặt trong top 10 công ty thương mại điện tử Đông Nam Á do iPrice thống kê.

Những kết quả này đến ngay sau khi Tiki và Sendo công bố nhận được các khoản đầu tư lớn trong năm 2018.

Các sàn thương mại điện tử nội đang tìm cách trỗi dậy
Các sàn TMĐT nội như Tiki, Thegioididong và Sendo đã liên tục có những bước tiến đáng khích lệ trong năm 2018

Nhìn sang hai thị trường TMĐT phát triển nhất hiện nay của khu vực Đông Nam Á là Singapore và Indonesia, chúng ta cũng có thể thấy xu hướng tương tự. Tại Indonesia, hai công ty nội địa là Bukalapak và Tokopedia đang hoàn toàn chiếm thế thượng phong. Còn ở Singapore, Lazada và Shopee cũng xếp sau Qoo10 trên bảng xếp hạng của iPrice.

Giải thích về hiện tượng này, ông Jeremy Chew - chuyên viên về thị trường TMĐT Đông Nam Á của iPrice, cho biết rằng kiến thức về thị trường nội địa là rất quan trọng trong cuộc đua giành thị phần TMĐT. Các công ty TMĐT luôn phải hiểu rõ nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở từng quốc gia và đó chính là một lợi thế của các sàn nội địa như Tiki và Sendo.

Vì vậy, một khi các công ty Việt Nam tiếp cận được các nguồn tài chính tốt thì họ sẽ hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia ngoại như Lazada và Shopee.

Các kênh thanh toán online phát triển

Ngay trong tháng 1 đầu năm 2019, Ví MoMo - một trong những ứng dụng thanh toán và chuyển tiền trực tuyến phổ biến nhất Việt Nam, đã công bố gọi vốn vòng series C thành công với số tiền được dự đoán lên tới 50 triệu USD.

Trước đó, trong năm 2018, đối thủ của MoMo là Moca cũng đã có một bước tiến mạnh mẽ khi thành lập liên minh với GrabPay và bắt đầu mở rộng các dịch vụ thanh toán. Tương tự, những ứng dụng ví điện tử khác như ViettelPay và ZaloPay cũng đẩy mạnh hoạt động quảng bá ngay trong dịp Tết Nguyên Đán 2019.

Tất cả những biến chuyển này hứa hẹn sẽ mang thanh toán điện tử đến với nhiều người tiêu dùng hơn và góp phần thay đổi thói quen mua sắm trực tuyến của họ.

Từ trước đến nay, thanh toán vẫn luôn là một bài toán gây đau đầu cho các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam. Theo báo cáo của Google và Temasek, ở Việt Nam hiện chỉ có vỏn vẹn 25% số người tiêu dùng chọn thanh toán online khi mua hàng trực tuyến, còn lại 75% vẫn sử dụng hình thức CoD (trả bằng tiền mặt khi nhận hàng). Hình thức thanh toán bằng tiền mặt tuy mang lại cảm giác bảo đảm cho người mua nhưng lại tồn tại nhiều nguy cơ cho các doanh nghiệp TMĐT.

Các sàn thương mại điện tử nội đang tìm cách trỗi dậy 1
Khảo sát số người dùng thanh toán điện tử tại các nước Đông Nam Á - Nguồn: Google/Temasek

Nói về vấn đề này, ông Simon Wintels - chuyên viên của tập đoàn tư vấn McKinsey & Company, cho biết: “Các công nghệ thanh toán trực tuyến đã có sẵn. Vấn đề bây giờ là hướng dẫn và xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng”.

Vì vậy, việc các ví điện tử như MoMo, GrabPay, ZaloPay, v.v… ngày càng phổ biến và được chấp nhận rộng rãi hơn sẽ khiến người tiêu dùng hiểu hơn về thanh toán trực tuyến và sẽ giúp TMĐT Việt Nam giải được bài toán khó này.

Giải trí chứ không chỉ mua sắm

Sau những cuộc đua giảm giá trong các năm trước thì 2018 đánh dấu một sự chuyển hướng của các công ty TMĐT trong cách tiếp cận khách hàng tại Việt Nam: thiên về giải trí và gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Dẫn đầu cho xu hướng này phải kể đến Shopee. Thay vì chỉ tổ chức các chương trình giảm giá thông thường, sàn TMĐT này có thêm các trò chơi tương tác hấp dẫn như Chém Giá hay Lắc Siêu Xu cho các dịp lễ 9/9 và 11/11. Không dừng lại tại đó, Shopee còn tổ chức hẳn một chương trình truyền hình trực tiếp với các tiết mục giải trí kết hợp cùng trò chơi tương tác cho Ngày Độc Thân 11/11.

Lazada hay Tiki cũng không kém cạnh khi giới thiệu nhiều trò chơi sáng tạo để thu hút người tiêu dùng trong năm 2018. Hai công ty này cũng chú trọng áp dụng các ưu đãi dành riêng cho ứng dụng di động để tăng khả năng tương tác của người tiêu dùng.

Nói về các trò chơi này, ông Jing Yin – đồng chủ tịch Lazada Group đã giải thích như sau: “Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để chúng tôi có thể kết hợp tính giải trí của các trò chơi với các chương trình khuyến mãi phù hợp để thu hút khách hàng. Đây là một nỗ lực không ngừng nghỉ và sẽ vẫn còn được tiếp tục”.

Có thể thấy các công ty thương mại điện tử Việt Nam đang ngày càng ý thức được rằng chỉ có giảm giá đơn thuần là chưa đủ mà đểcạnh tranh và giữ chân khách hàng lâu dài thì họ còn cần phải thỏa mãn được nhu cầu giải trí của người tiêu dùng. Xu thế này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục xuất hiện rộng rãi trong năm 2019.