Cài đặt văn hoá doanh nghiệp có chủ đích

Quỳnh Chi - 08:51, 19/05/2023

TheLEADERNhiều doanh nghiệp sao chép văn hoá doanh nghiệp khác về triển khai mà không xét đến sự phù hợp với môi trường, hoạt động kinh doanh và giá trị của doanh nghiệp

Cài đặt văn hoá doanh nghiệp có chủ đích
Xây dựng văn hoá doanh nghiệp có chủ đích là một yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng một tổ chức có tính cạnh tranh và phát triển bền vữn. Ảnh: ACEX

Văn hoá doanh nghiệp là khái niệm được sử dụng để mô tả các giá trị, quy tắc và tôn chỉ mang tính đồng nhất giữa bên trong và bên ngoài tổ chức mà một doanh nghiệp sử dụng để định hướng cho các hoạt động hàng ngày.

Bà Trần Thị Thu Hồng, CEO Học viện ACEX nhận định, cài đặt văn hoá doanh nghiệp có chủ đích giúp tạo nên sự đồng nhất và tính nhất quán trong cách làm việc của các thành viên trong tổ chức; thông qua đó, giúp tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Một kế hoạch cài đặt văn hoá doanh nghiệp có chủ đích được thiết lập để đảm bảo rằng việc xây dựng một văn hoá doanh nghiệp tích cực sẽ được thực hiện có hệ thống với các mục tiêu, chiến lược và hoạt động cụ thể. Kế hoạch này cũng giúp đảm bảo tính liên tục và bền vững của việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp thay vì chỉ là một nỗ lực ngắn hạn.

Việc có một kế hoạch cài đặt văn hoá doanh nghiệp có chủ đích còn giúp các doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc an toàn, tràn đầy năng lượng và khích lệ sự sáng tạo của nhân viên.

Văn hoá doanh nghiệp có chủ đích giúp nhân sự trong tổ chức làm việc với cùng một mục tiêu, phương pháp làm việc và giá trị, từ đó giúp tạo ra sự đồng thuận và thống nhất trong doanh nghiệp để có thể tập trung vào kết quả và đặt ra các mục tiêu phù hợp với mục tiêu chung.

Một văn hoá doanh nghiệp tốt giúp tạo ra môi trường làm việc thu hút và giữ chân được những nhân viên tốt nhất nhờ sự hài lòng cao đối với công việc, tăng cường tinh thần đồng đội và khích lệ phát triển nghề nghiệp.

Văn hoá doanh nghiệp có chủ đích giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với những biến động thị trường và môi trường kinh doanh, từ đó giúp tăng cường năng lực cạnh tranh.

Văn hoá doanh nghiệp có chủ đích giúp xây dựng một hình ảnh tích cực với khách hàng và đối tác, tăng độ tin cậy và tạo ra một vị thế thương hiệu tốt.

Văn hoá doanh nghiệp có chủ đích giúp nhân sự làm việc với đạo đức, tính trung thực và khách quan, từ đó giảm thiểu các rủi ro về đạo đức, pháp luật và tài chính.

Đừng chỉ 'copy - paste' 

Cài đặt văn hoá doanh nghiệp có chủ đích
Bà Trần Thị Thu Hồng, CEO Học viện ACEX

Mặc dù văn hoá doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên theo bà Hồng, hiện nay vẫn tồn tại một số sai lầm khi triển khai văn hóa doanh nghiệp có chủ đích.

Một là triển khai văn hóa doanh nghiệp theo kiểu “copy-paste” (sao chép). Văn hoá doanh nghiệp cần phải linh hoạt và có khả năng thích nghi với những thay đổi trong môi trường kinh doanh. 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại bê nguyên văn hoá doanh nghiệp khác về triển khai mà không xét đến sự phù hợp với môi trường, hoạt động kinh doanh và giá trị của doanh nghiệp.

Hai là không xác định rõ mục tiêu và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp nên khó đưa ra được các quy định và hành động trong văn hoá doanh nghiệp được phù hợp và cũng không thể giúp nhân viên hiểu về sứ mệnh và mục đích của tổ chức.

Ba là không đưa văn hoá doanh nghiệp vào thực tế mà chỉ dừng lại ở hình thức nên không thể tạo ra hiệu quả như mong đợi.

Bốn là không đồng bộ hóa giữa các bộ phận trong doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc mỗi bộ phận có một văn hoá riêng, không phù hợp với văn hoá chung của doanh nghiệp.

Năm là thiếu sự tham gia tích cực của toàn bộ nhân viên trong tổ chức. Việc triển khai văn hóa doanh nghiệp không chỉ là công việc của các nhà quản lý. Nếu thiếu sự tham gia của nhân viên các cấp, văn hóa doanh nghiệp sẽ không thực sự được áp dụng trong hoạt động kinh doanh.

Sáu là không đưa ra kế hoạch rõ ràng dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc và năng lượng của doanh nghiệp. Kế hoạch triển khai văn hóa doanh nghiệp cần phải bao gồm các giai đoạn, thời hạn. Ngoài ra, cũng cần phân công trách nhiệm cho các bộ phận, cá nhân trong tổ chức.

Để văn hoá doanh nghiệp thực sự bám rễ

Việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp có chủ đích là một yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng một tổ chức có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, bà Hồng lưu ý, đây là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự cam kết của toàn bộ nhân viên trong doanh nghiệp với năm yếu tố cụ thể.

Một là xác định rõ mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp để định hướng văn hoá cho phù hợp, đồng thời, giúp nhân viên hiểu rõ hơn về sứ mệnh và mục đích của tổ chức. Nếu các yếu tố trên không được xác định rõ ràng, văn hóa doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ hình thức hoặc phong trào.

Hai là thay đổi hành vi chủ chốt để cài đặt văn hoá. Các thay đổi này bao gồm đưa ra ví dụ đúng mực, tạo ra các quy trình và tiêu chuẩn rõ ràng, khuyến khích sự đóng góp của nhân viên, đánh giá và đảm bảo tuân thủ.

Ba là thiết lập các giá trị và quy tắc rõ ràng và đưa vào hoạt động hàng ngày thay vì chỉ nằm trên giấy nhằm giúp nhân viên hiểu và thực hiện những việc cần làm để đạt được mục tiêu và bám sát giá trị cốt lõi của tổ chức.

Bốn là tạo sự đồng thuận và tương tác trong tổ chức để văn hoá doanh nghiệp được truyền đạt và phát triển một cách tự nhiên. Việc này có thể được thực hiện thông qua các cuộc họp, giao lưu, thảo luận về các giá trị và quy tắc của văn hoá doanh nghiệp, nơi mà nhân viên cần được khuyến khích tham gia tích cực và đóng góp ý kiến.

Năm là tạo ra văn hoá linh hoạt và thích nghi với môi trường kinh doanh không ngừng biến động và thay đổi.