Cake hâm nóng cuộc đua ngân hàng số

Việt Hưng - 14:37, 03/10/2023

TheLEADERVới việc đạt được hơn 3,8 triệu khách hàng, cũng như ra mắt dòng thẻ tín dụng mới ưu đãi hoàn tiền lên tới 20%, Cake by VPBank đang phả hơi nóng vào các ứng dụng ngân hàng số như: LioBank by OCB, Tnex by MSB, hay Timo by BVBank.

Nói với TheLEADER, ông Nguyễn Hữu Quang - CEO Cake by VPBank cho biết, ngân hàng số này hiện đã có trên 3,8 triệu khách hàng sau chưa đầy 3 năm đi vào hoạt động.

Tính riêng thị trường các ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam, Cake by VPBank có thể coi là đơn vị dẫn đầu về số lượng người sử dụng, vượt qua các đối thủ như: LioBank by OCB, Tnex by MSB, hay Timo by BVBank.

Theo CEO Nguyễn Hữu Quang, một trong những động lực thúc đẩy Cake by VPBank là sứ mệnh "thấu hiểu và phục vụ khách hàng tốt hơn nữa", thông qua chiến lược nghiên cứu sâu về hành vi người dùng.

"Cake mong muốn mang đến trải nghiệm tự do về tài chính dành cho các khách hàng của mình. Tham vọng của Cake là xóa bỏ mọi rào cản, để mọi người tận hưởng các dịch vụ tài chính số toàn diện một cách thoải mái và an tâm nhất", ông Quang nói.

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào đánh giá cao quyết tâm của đội ngũ Cake by VPBank, khi nghiên cứu của Visa trong năm ngoái cho thấy 90% người tiêu dùng Việt Nam thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với ngân hàng số.

Như một lời khẳng định về vị thế dẫn đần thị trường ứng dụng ngân hàng số, Cake by VPBank đã bắt tay cùng Visa đưa ra dòng thẻ tín dụng Cake Freedom.

Thẻ tín dụng Cake Freedom đặc biệt ưu đãi hoàn tiền 20% (lên tới 1 triệu đồng/tháng) cho top 5 ngành hàng phổ biến, tự động nâng hạn mức, cùng hàng loạt tính năng tối ưu chỉ có thể tìm thấy tại Cake.

Chẳng hạn, khách hàng chỉ tốn 2 phút trực tuyến cho toàn bộ quy trình mở thẻ tín dụng, chỉ cần CMND/CCCD mà không yêu cầu chứng minh thu nhập, rút tiền mặt mọi lúc mọi nơi tại bất kỳ cây ATM nào có logo Visa.

Cake hâm nóng cuộc đua ngân hàng số
Cake hâm nóng cuộc đua ngân hàng số

Với việc ra mắt dòng thẻ tín dụng Cake Freedom, Cake by VPBank thực sự đang hâm nóng cuộc đua ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam - vốn rất tiềm năng, nhưng cũng đầy tính cạnh tranh.

"Thị trường ngân hàng số Việt Nam đang ở giai đoạn rất cạnh tranh. Thực chất, sự cạnh tranh này có lợi cho người tiêu dùng, khi có thêm nhiều lựa chọn ngân hàng số, cũng như tiếp cận được các dịch vụ tài chính tiện ích với chi phí tốt nhất", ông Peter Murray - Trưởng bộ phận dịch vụ tài chính khu vực Đông Nam Á tại Amazon Web Services gợi ý.

Theo ông Peter Murray, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng số sẽ xoay quanh ba yếu tố chính. Yếu tố đầu tiên phải xác định rõ ràng tập khách hàng mục tiêu, là người nông dân hay người trẻ tuổi chưa có thẻ tín dụng, chưa có dịch vụ ngân hàng...

Yếu tố thứ hai là làm sao để đào tạo, giữ chân được các nhân tài trong công ty. Và yếu tố cuối cùng là hiệu suất làm việc, làm sao để tối ưu hóa các chi phí, đảm bảo hoạt động vận hành.

Việt Nam đang trở thành thị trường có tốc độ số hóa ngân hàng nhanh nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo McKinsey. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2021, tỷ lệ khách hàng cá nhân tích cực sử dụng ngân hàng số đã tăng 41%, đạt 82% ở năm 2021.

Song song với đó, mức thâm nhập dịch vụ fintech và ví điện tử của Việt Nam đạt 56% trong năm 2021, tăng 40% so với năm 2017. 73% khách hàng cá nhân Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau. Điều này có nghĩa là họ sử dụng kết hợp ngân hàng số và các chi nhánh vật lý.

Mặc cho sự thay đổi về hành vi khách hàng trong thời gian qua, McKinsey đánh giá rằng các ngân hàng vẫn chưa làm đủ tốt để nắm bắt doanh số qua kênh kỹ thuật số.

Thực tế, để bù đắp vào khoảng trống giữa ứng dụng ngân hàng và ví điện tử/ứng dụng fintech, nhiều mô hình "ngân hàng số" thế hệ mới đã được ra đời tại Việt Nam, dưới sự bảo chứng của các ngân hàng truyền thống.

Ông Nguyễn Hữu Quang - CEO Cake by VPBank từng chỉ ra sự khác biệt giữa ngân hàng số, ví điện tử, hay các ứng dụng ngân hàng.

Về cơ bản, chức năng và nhiệm vụ của ví điện tử chủ yếu xoay quanh hoạt động thanh toán, cụ thể là các khoản thanh toán nhỏ. Muốn có thêm các tính năng đa dạng, ví điện tử vẫn cần liên kết chặt chẽ với các ngân hàng, các tổ chức tài chính được cấp phép. Nên xét về mặt chức năng, ngân hàng số đa dạng và tự chủ hơn trong mặt vận hành.

Cake hâm nóng cuộc đua ngân hàng số 1
Ngân hàng số Cake by VPBank hiện đã có trên 3,8 triệu khách hàng

"Ngân hàng số và ứng dụng số của ngân hàng giống nhau về mặt dịch vụ, đó là có đầy đủ các dải sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân, từ đầu tư, tiết kiệm, cho đến vay tiêu dùng, hay mở thẻ tín dụng… Nhưng điểm khác biệt nằm ở mô hình kinh doanh", CEO Cake by VPBank chia sẻ.

Theo ông Quang, một số ứng dụng số của ngân hàng truyền thống tập trung chủ yếu vào các dịch vụ tài chính cơ bản, còn với các quy trình, dịch vụ nâng cao hơn vẫn phải ra chi nhánh ngân hàng để thực hiện. Trong khi với ngân hàng số Cake, trải nghiệm dịch vụ tài chính được liền mạch, hoàn toàn xử lý tự động trên môi trường số.

Boston Consulting Group vừa công bố báo cáo về thị trường fintech toàn cầu năm 2023, với doanh thu dự đoán sẽ tăng gấp 6 lần, từ 245 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD vào năm 2030.

Ông Deepak Goyal - Giám đốc điều hành Boston Consulting Group tin rằng, các fintech vẫn đang ở giai đoạn đầu của chu kì tăng trưởng và sẽ sớm trở thành một cuộc cách mạng với ngành tài chính toàn cầu trong tương lai.

Luận điểm của ông Deepak Goyal là trải nghiệm dịch vụ của các fintech hiện vẫn còn kém. Hơn một nửa dân số thế giới vẫn chưa có hoặc chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, và công nghệ tiếp sẽ tiếp tục là chìa khóa cho vấn đề này.

Theo báo cáo của Boston Consulting Group, Châu Á sẽ là tâm điểm trong cuộc cách mạng ngành fintech, khi thị trường này được dự báo có thể vượt cả Mỹ về tốc độ tăng trưởng lên tới 27% mỗi năm từ giai đoạn 2023 - 2030.

Đóng góp vào sự tăng trưởng này là các quốc gia hàng đầu trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Đây đều là những thị trường lớn, với phần đông dân số chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính tiên tiến.

Như tại Việt Nam, thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước chỉ ra, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu.