Cán bộ phải dám nghĩ, dám làm để phục hồi đà tăng trưởng

Hoàng Đông - 10:17, 07/05/2023

TheLEADERTheo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung, cần có giải pháp để làm sao cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, từ đó vực dậy đà tăng trưởng cho các địa phương.

Cán bộ phải dám nghĩ, dám làm để phục hồi đà tăng trưởng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung tại họp báo thường kỳ Chính phủ 5/5. Ảnh: MPI

Quý I/2023, nền kinh tế bắt đầu bộc lộ rõ sự “ngấm đòn” từ những bất ổn toàn cầu. Bức tranh kinh tế ảm đạm khi sản xuất công nghiệp suy giảm, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cắt giảm sản xuất, lao động khiến tăng trưởng GDP chỉ đạt hơn 3,3%, trong đó ngành công nghiệp giảm đến 0,82% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, một số địa phương có nhiều tiềm lực kinh tế nhưng kết quả kinh tế cực kỳ “bết bát” trong 3 tháng đầu năm. Đầu tàu kinh tế TP.HCM tăng trưởng 0,7%, thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc trung ương. Tỉnh Bình Dương, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng chỉ đạt con số tăng trưởng 1,15% so với cùng kỳ.

Tại miền Bắc, tỉnh Bắc Ninh gây thất vọng với GRDP giảm 18,8%, là địa phương tăng trưởng thấp nhất cả nước. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng chứng kiến mức giảm lên đến 2,47%.

Nói về nguyên nhân các địa phương có quy mô sản xuất lớn, nhiều tiềm lực kinh tế nhưng lại có mức tăng trưởng đáng thất vọng, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhận định, những động lực tăng trưởng, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần suy giảm. Bên cạnh đó, các động lực khác như bán lẻ, xuất khẩu… cũng đang chững lại đáng kể.

Trước tình hình đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu nhiều giải pháp nhằm “đánh thức” các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như tìm kiếm thị trường, ổn định lao động…; tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực như tín dụng, bất động sản…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh những giải pháp chung cho toàn nền kinh tế, các địa phương có mức tăng trưởng rất thấp, tăng trưởng âm kể trên cần phải tìm kiếm những giải pháp riêng.

Trong đó, giải pháp tiên quyết là đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn tồn đọng để duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp. Để làm được điều này, Thứ trưởng nhấn mạnh, phải làm sao để “cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cần tận dụng tối đa những động lực tăng trưởng trước mắt, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Du lịch, dịch vụ cũng là giải pháp quan trọng cần được tập trung để tạo đà tăng trưởng, đặc biệt là vào quý II, quý III, nhu cầu du lịch thường tăng cao.

Trước đó, tại buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã thẳng thắn chỉ ra, tâm lý sợ trách nhiệm chính là một trong những lý do chính gây ra sự tụt dốc về đà tăng trưởng của TP.HCM.

Bộ trưởng dẫn chứng, riêng trong năm 2022, TP.HCM đã có gần 600 văn bản hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong đó chủ yếu là những vấn đề thuộc thẩm quyền thành phố. Sự vô lý này vừa làm gia tăng công việc của Bộ, vừa thể hiện thái độ đùn đẩy, sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.

Hệ quả, không chỉ tăng trưởng thấp, TP.HCM còn có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 xếp ngoài top 20 (27/63); chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2022 ở mức trung bình thấp. Tất cả đều là những con số đầy thất vọng so với những tiềm lực và điều kiện TP.HCM đang sở hữu.

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng, thừa nhận những thiếu sót về công tác cán bộ, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết sẵn sàng điều chuyển, cho nghỉ hoặc kỷ luật những cán bộ yếu kém, chậm trễ, có tâm lý tránh né, sợ sai phạm, thận trọng quá mức.