Cần chiến lược tổng thể cho ngành bán dẫn Việt Nam

Việt Hưng - 13:38, 02/11/2023

TheLEADERNếu tham gia vào phần sản xuất và đóng gói, Việt Nam có thể kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua các chính sách như cung cấp đất đai, nhân lực, điện nước và một số các chế độ ưu đãi khác.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Thúy Chinh - đoàn Hà Giang đã đề nghị Quốc hội đưa vào nghị quyết kỳ họp nội dung giao Chính phủ sớm xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.

Bao gồm việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước qua chính sách thuế, phí, lãi suất và các Quỹ hỗ trợ nghiên cứu triển khai công nghệ mới để kích thích thu hút đầu tư tư nhân theo phương thức đối tác công tư và phát triển ngành.

Đề xuất của đại biểu Phạm Thúy Chinh đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn, khi các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bán dẫn thế giới đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung.

Ngoài các doanh nghiệp nước ngoài thì Việt Nam hiện mới chỉ có FPT và Viettel tham gia vào khâu nghiên cứu, thiết kế chip bán dẫn.

Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, kiêm Trưởng đại diện Việt Nam tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết, những tuần gần đây đã tổ chức các cuộc họp với khoảng 6 nhà sản xuất chip của Mỹ. Ông từ chối nêu tên các công ty này vì đàm phán vẫn đang trong vòng sơ bộ.

Hiện Việt Nam mới có nhà máy sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip được đầu tư bởi Intel, đặt tại Khu Công nghệ cao TP. HCM, với tổng mức đầu tư từ năm 2006 đến nay rơi vào khoảng 1,5 tỉ USD.

Cần chiến lược tổng thể cho ngành bán dẫn Việt Nam
Việt Nam hiện mới chỉ có FPT và Viettel tham gia vào khâu nghiên cứu, thiết kế chip bán dẫn

Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) cho biết, trong ngành chip bán dẫn có chuỗi 3 công đoạn: thiết kế, sản xuất và đóng gói dùng thử, và Việt Nam đều có khả năng phục vụ cả 3 công đoạn này.

Đặc biệt, nếu tham gia vào phần sản xuất và đóng gói, Việt Nam có thể kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua các chính sách như cung cấp đất đai, nhân lực, điện nước và một số các chế độ ưu đãi khác.

"Nếu có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào, Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ về ngành bán dẫn, các sản phẩm thiết kế tại Việt Nam có thể chuyển ngay sang các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất và đóng gói", ông Trần Đăng Hòa chia sẻ.

Hiện tại, chip do FPT Semiconductor thiết kế được mang sang Hàn Quốc để sản xuất và sang Đài Loan để đóng gói, sau đó sẽ xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Theo ông Hòa, Việt Nam nếu tham gia vào khâu sản xuất và đóng gói sẽ có quy mô đầu tư nhỏ hơn, công nghệ cũng đơn giản hơn, đào tạo nhanh hơn (3 - 6 tháng là có thể đào tạo được kỹ sư lành nghề).

"Trong khi đó, khâu cuối cùng của ngành bán dẫn là nhà máy sản xuất, tôi nghĩ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tiếp cận khâu này", Chủ tịch FPT Semiconductor nói.

Ông Robert Li - Phó Chủ tịch Synopsys - một công ty thiết kế chip hàng đầu của Mỹ cho biết, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.

Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh về trợ cấp với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD.

Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Bán dẫn Mỹ - ông John Neuffer cũng khuyến nghị Chính phủ nên tập trung vào lĩnh vực chip bán dẫn mà Việt Nam có thế mạnh, bắt đầu từ khâu lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm.

Cần chiến lược tổng thể cho ngành bán dẫn Việt Nam 1
Chip do FPT Semiconductor thiết kế được mang sang Hàn Quốc để sản xuất và sang Đài Loan để đóng gói, sau đó sẽ xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được khuyến nghị tập trung vào yếu tố nguồn nhân lực. Theo thông tin từ FPT, Tập đoàn này đã tiến hành hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn.

Cụ thể, các bên tham gia hợp tác sẽ cùng đóng góp nguồn lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến 2045 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc hợp tác thành lập trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng với ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á.

Việt Nam được đánh giá là có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT cho biết: "Theo dự đoán của các chuyên gia về nhân lực toàn cầu, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự, Việt Nam có cơ hội nắm bắt nhu cầu toàn cầu này để vươn lên trong bảng xếp hạng cả về chất lượng giáo dục lẫn cung ứng nhân sự chất lượng cao cho ngành".

Trong khuôn khổ hợp tác, FPT cam kết sẽ tài trợ chi phí cho các dự án vi mạch tiềm năng cũng như tài trợ cơ sở vật chất, máy chủ, cơ sở hạ tầng, khung chương trình đào tạo trực tuyến và các cố vấn, chuyên gia trợ giảng cho các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực bán dẫn mà Trung tâm tập trung thúc đẩy.