Cát cứ thông tin cản trở hiệu quả chuyển đổi số quốc gia

Phạm Sơn - 20:00, 06/11/2020

TheLEADERThông tin được chia sẻ rộng rãi, minh bạch giữa các cơ quan chính phủ và giữa cộng đồng doanh nghiệp sẽ tạo ra thuận lợi lớn cho quá trình chuyển đổi số bao trùm và bền vững.

Cát cứ thông tin cản trở hiệu quả chuyển đổi số quốc gia
Chuyển đổi số có thể đem lại 162 tỷ USD cho GDP trong khoảng 20 năm tới.

TS. Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và truyền thông đánh giá, Việt Nam đang có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá, với cơ sở hạ tầng khá tốt. Cụ thể, năm 2015, quy mô nền kinh tế số ở Việt Nam là 3 tỷ USD, tăng lên 9 tỷ USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025.

Các số liệu nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chuyển đổi số có thể đem lại 162 tỷ USD cho GDP trong khoảng 20 năm tới.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng dựa trên nền tảng công nghệ cao, tháng 6 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 với 3 trụ cột, bao gồm chính phủ số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số.

TS. Nguyễn Đức Hoàng, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, thời gian qua chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số.

Về phía Bộ Khoa học và công nghệ, từ năm 2017 đã bắt đầu triển khai nghiên cứu phát triển phục vụ cách mạng 4.0, xây dựng danh mục khuyến khích đầu tư chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong suốt thời gian qua được các chuyên gia đến từ Liên minh châu Âu (EU) đánh giá cao. TS. Carsten Schittek, Tham tán thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam nhận định, chiến lược xây dựng chính phủ số của Việt Nam sẽ là nền tảng tạo ra sự thuận lợi và cởi mở về hình thức cũng như tư duy ứng dụng khoa học công nghệ.

Đồng quan điểm với ông Schittek, ông Alexandre Sompheng, đại diện Ủy ban kinh tế số, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận xét, chính phủ số là một bước tiến quan trọng, góp phần đảm bảo tính dễ dự đoán của thị trường, tạo điều kiện hoạt động đầu tư và thương mại diễn ra thuận lợi.

Cùng với sự nhanh nhạy và năng động của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia EU bày tỏ niềm tin về một tương lai Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong khu vực cũng như trên thế giới, không chỉ là tốc độ tăng trưởng mà còn là khả năng chuyển đổi số bao trùm và bền vững.

Rào cản về tính minh bạch thông tin

TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FPT nhận định, chuyển đổi số là câu chuyện tất yếu xảy ra, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam còn đang gặp phải không ít  khó khăn, thách thức. Theo ông Bình, khó khăn, thách thức lớn nhất đặt ra lúc này là tình trạng cát cứ về thông tin.

“Vấn đề cát cứ thông tin không phải chỉ ở mỗi cộng đồng doanh nghiệp, mà còn ở cấp quản lý. Hiện tại đang có tình trạng bộ này không biết thông tin của bộ kia, trung ương cũng không biết được thông tin ở địa phương”, lãnh đạo tập đoàn FPT cho biết.

Hiện trạng này đặt ra cản trở rất lớn cho quá trình ứng dụng kỹ thuật số vào nền kinh tế, bởi theo các chuyên gia, dữ liệu và thông tin là tài nguyên quan trọng nhất trong thời đại công nghệ 4.0.

Hơn nữa, việc cát cứ thông tin cũng tạo điều kiện cho rủi ro sai lệch hay thậm chí là bị làm giả vì những mục đích xấu, gây ra hậu quả khó có thể lường trước được.

Cát cứ thông tin cản trở hiệu quả chuyển đổi số quốc gia
Các đại diện chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU thảo luận về chuyển đổi số tại Hội thảo bàn tròn Kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam và hiệp định EVFTA.

Ông Alexandre Sompheng, đại diện Ủy ban kinh tế số, Hiệp hội doanh nghiệp EU tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, chuyển đổi số không phải cứ sử dụng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất mà quan trọng là làm sao để phi vật chất hóa thông tin, công cụ, giúp nâng cao hiệu quả và giảm tải chi phí.

Chuyển đổi số không phải cứ sử dụng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, mà quan trọng là làm sao để phi vật chất hóa thông tin và công cụ hiện có, nhằm nâng cao hiệu quả và giảm tải chi phí.
Ông Alexandre Sompheng, đại diện Ủy ban kinh tế số, Hiệp hội doanh nghiệp EU tại Việt Nam

Như vậy, các công cụ như chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, định danh cá nhân… cần phải được phổ biến, được triển khai không chỉ trong nội bộ quốc gia mà còn phải đồng bộ với toàn cầu.

Để làm được điều này, tính minh bạch và vẹn toàn của dữ liệu cần phải luôn được đảm bảo, tuân theo các tiêu chuẩn theo quy định quốc tế.

Minh bạch hóa, tránh cát cứ thông tin, không làm đẹp số liệu để lấy thành tích cũng là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác xây dựng chính phủ số, một trong 3 trọng tâm của chiến lược chuyển đổi số quốc gia 2025.