Chuyển đổi số bao trùm và bền vững: Câu chuyện thực tế từ Estonia

Phạm Sơn - 16:20, 02/10/2020

TheLEADERNâng cao năng suất lao động, tinh gọn dịch vụ công, đảm bảo sản xuất kinh doanh thông suốt trong trạng thái bình thường mới là những yêu cầu đặt ra cho Việt Nam có thể được đảm bảo thực hiện thông qua chiến lược chuyển đổi số cấp quốc gia.

Chuyển đổi số bao trùm và bền vững: Câu chuyện thực tế từ Estonia
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào nền kinh tế có thể trở thành phương án hiệu quả để cải thiện năng lực cạnh tranh và hiện thực hóa tiềm năng phát triển của Việt Nam trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: VTV.

Yêu cầu của thời đại

Kỷ nguyên bùng nổ kinh tế kéo dài suốt 30 năm của Việt Nam đã bị chững lại bởi những cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước tình hình thế giới đầy biến động, chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu kép cho nền kinh tế: vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả.

Đây cũng là nội dung chính được đưa ra đàm luận tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2020 do Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp tổ chức.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đến từ WB nhận định, cơn khủng hoảng Covid-19 gây ra thiệt hại nặng nề nhưng cũng chứa đựng không ít những cơ hội, trong đó có xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư và sự đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào nền kinh tế có thể trở thành phương án hiệu quả để cải thiện năng lực cạnh tranh và hiện thực hóa tiềm năng phát triển của Việt Nam trong trạng thái bình thường mới.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, chuyển đổi số đang là một trong những trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế “thời đại Covid-19” của chính phủ, được thể hiện thông qua Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chương trình quốc gia phát triển Kinh tế số, Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia và Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kinh nghiệm từ Estonia

Là một quốc gia nhỏ ở Bắc Âu, Cộng hòa Estonia trở thành ngôi sao về thành tựu chuyển đổi số nhờ vào chính sách nhanh nhạy, sáng suốt. Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2020, ông Toomas Hendrik Ilves, Nguyên tổng thống Estonia giai đoạn 2006 – 2016, người đề ra chính sách chuyển đổi số của Estonia chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho chính phủ Việt Nam.

Theo ông Ilves, khi thực hiện chiến lược số hóa nền kinh tế và quản trị, chính phủ Estonia luôn tâm niệm xuất phát điểm của các quốc gia đều như nhau, vì vậy các quyết sách cần đưa ra nhanh chóng, kịp thời, không cần phải e ngại về sự thiếu hụt nguồn lực hay cơ sở hạ tầng.

Estonia thực hiện chiến lược chuyển đổi số bước đầu trong lĩnh vực giáo dục thông qua đề án đưa máy tính vào giảng dạy phổ thông. Vấp phải nhiều sự phản đối nhưng nhờ tâm thế cương quyết của các nhà hoạch định, đến năm 1998, tất cả các trường học tại quốc gia này đều được trang bị máy tính có kết nối mạng.

Chuyển đổi số bao trùm và bền vững: Câu chuyện thực tế từ Estonia
Ông Toomas Hendrik Ilves, Nguyên tổng thống Estonia giai đoạn 2006 – 2016.

Nhận thấy nguồn lực từ đầu tư công là không đủ, chính phủ Estonia đưa ra những chương trình ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng “ngân hàng điện tử”, xây dựng những trung tâm máy tính ở thư viện thành phố hoặc các cơ quan chính quyền để người dân có thể sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, người nông dân, người cao tuổi cũng được hỗ trợ tập huấn về tin học cơ bản.

Phổ biến công nghệ thông tin cho toàn cộng đồng là bước nền tảng để thực hiện số hóa quản trị nhà nước. Ông Ilves nhận định, thách thức đến từ lòng tin của người dân là cản trở lớn nhất để thực hiện bước đi then chốt này.

Tuy nhiên, nhờ vào nền tảng công nghệ thông tin cộng đồng, chính phủ Estonia nhanh chóng tìm ra các nhóm giải pháp phù hợp, thông qua nghiên cứu về thái độ của người dân và xây dựng lòng tin trên cơ sở minh bạch hóa.

Đến nay, Estonia tự hào là quốc gia hàng đầu về quản trị nhà nước thông qua công nghệ số. Cụ thể, đa phần các thủ tục hành chính đều có thể được thực hiện trực tuyến, trừ một số thủ tục đặc biệt.

Bài học cho Việt Nam

Từ câu chuyện thực tế của Estonia, các chuyên gia tham dự Diễn đàn đã tổng kết lại một số bài học quý giá từ góc độ xây dựng chính sách có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi số một cách bao trùm và bền vững.

Đầu tiên, các chính sách cần nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao độ từ phía người dân. Theo ông Ilves, đây là công tác nền tảng và quan trọng bậc nhất nhưng cũng là cản trở lớn, đòi hỏi chính phủ không chỉ phổ biến mặt lợi của quá trình chuyển đổi số mà còn xóa đi những nỗi lo về việc bị kiểm soát thông tin cá nhân.

Thứ hai, chuyển đổi số cần được đặt làm ưu tiên của chính sách công, bởi lợi ích lan tỏa mạnh mẽ mà nền tảng số hóa có thể đem lại cho nền kinh tế.

Thứ ba, các phương án chuyển đổi số cần được đi theo hướng phục vụ nhu cầu toàn dân, ví dụ như khai thuế nhanh, dịch vụ y tế tiện lợi, đăng ký hành chính trực tuyến… để tiếp tục củng cố niềm tin và sự ủng hộ của người dân.

Thứ tư, thái độ e ngại từ phía các nhà hoạch định chính sách có thể là cản trở sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 với những tiến bộ về thành tựu có thể chỉ xảy ra trong chơp mắt.

Cuối cùng, chính phủ cần thể hiện rõ vai trò của nhà lãnh đạo, thông qua việc kiên quyết và duy trì quan điểm thông suốt, nhất quán suốt quá trình thực hiện.

Các chuyên gia nhận định, chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng nhưng cần phải có nỗ lực nhiều hơn nữa cùng sự ủng hộ, tham gia đóng góp của các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn thể nhân dân để có thể đạt được mục tiêu.

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, đại biểu tham gia chia sẻ ý kiến cùng cam kết sẽ xem xét, tổng hợp ý kiến để xây dựng chính sách trong thời gian tới.