Cắt giảm lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng nhưng dấy lên nỗi lo tín dụng

Thiên Hương - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERViệc hạ mức lãi suất lần đầu tiên trong vòng ba năm có thể giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng điều này đồng thời cũng gây ra những rủi ro tín dụng, nhất là khi Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu nghiêm trọng.

Cắt giảm lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng nhưng dấy lên nỗi lo tín dụng
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014, NHNN mới lại có quyết định liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất điều hành. Ảnh: Internet

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm 25 điểm cơ bản (0,25%) đối với các lãi suất điều hành và giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên. Các quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2017.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và tiền tệ tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho biết: "Việc cắt giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn rẻ hơn, vì vậy sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu vay vốn và tiêu dùng. Các công ty Việt Nam đa số vẫn dựa vào các khoản vay từ ngân hàng. Chúng ta chỉ cần chú ý đến việc xem xét các khoản vay sẽ được sử dụng như thế nào để tránh tăng nợ xấu".

Chính sách nới lỏng diễn ra một ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết Ngân hàng trung ương nên giữ nguyên mức lãi suất, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng trưởng tín dụng nhanh. Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương do tốc độ cải cách ngành ngân hàng chậm, IMF cho biết.

Ngân hàng trung ương cho biết, động thái này nhằm giúp tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng mức tăng trưởng vẫn thấp hơn mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là 6,7%. Lạm phát hàng năm đã giảm đến 2,54% vào tháng 6, mức tăng chậm nhất trong gần một năm.

Giá cả bình ổn, lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm

Việt Nam đã có nhiều cải cách hệ thống ngân hàng kể từ năm 2012 sau khi cho vay và kiểm soát kém dẫn tới gia tăng nợ xấu. Ngân hàng trung ương năm 2013 đã thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để mua nợ xấu của các ngân hàng. Các khoản vay nợ xấu, ở mức 17% vào thời điểm đó, đã giảm xuống 2,6% vào tháng 3 và Chính phủ dự định giữ ở mức dưới 3%.

"Chính phủ đã nỗ lực để ổn định nền kinh tế và hiện tại, tình hình kinh tế vĩ mô đã được ổn định, thuận lợi cho việc tiến hành chính sách nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy sự phát triển", ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia kinh tế và Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN) cho biết.

"Tuy nhiên, cần thận trọng hơn với tăng trưởng cho vay nhanh để tránh bong bóng bất động sản và lạm phát mà kinh tế Việt Nam đã trải qua trong quá khứ", ông nói thêm.

Tháng trước, Chính phủ đưa ra các quy định nhằm loại bỏ nợ xấu từ hệ thống ngân hàng bằng cách cho phép các ngân hàng thương mại bán các khoản nợ xấu cùng tài sản liên quan với ít hạn chế hơn so với hiện nay nhằm tăng tốc quá trình xử lý.

Mục tiêu đầy thách thức

Thậm chí với việc giảm lãi suất, mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ vẫn khó có thể đạt được trong bối cảnh thương mại trên đà giảm tốc, Eugenia Victorino, một nhà kinh tế tại Australia & New Zealand Banking Group (Singapore) nhận định. ANZ vừa hạ dự báo tăng trưởng cho Việt Nam từ 6,4% xuống còn 6%.

Chỉ số VN-Index giảm 0,2% tính đến 09:59 trong phiên giao dịch sáng nay. Chỉ số này tăng khoảng 16% trong 2017, tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, theo số liệu của Bloomberg.