Chảy máu chất xám đang cản trở tăng trưởng tại Đông Nam Á

00:00, 19/07/2017

TheLEADERNhiều người lao động tay nghề cao đang theo đuổi các cơ hội tốt hơn bên ngoài khu vực.

Chảy máu chất xám đang cản trở tăng trưởng tại Đông Nam Á
Dù kinh tế bùng nổ, Đông Nam Á vẫn đang bị "chảy máu chất xám". Ảnh: Bloomberg

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, kể từ năm 2010-2011, số người có trình độ đại học ở Đông Nam Á rời nước mình đi làm việc ở các nước giàu hơn trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (34 nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới) đã tăng 66% lên 2,8 triệu người. 

Hơn một nửa trong số họ đến từ Philippines, với hàng trăm ngàn người khác làm việc ở các khu vực ngoài OECD như Trung Đông. 

Xu hướng này vẫn tiếp tục tồn tại, với số người Philippines đi làm ở nước ngoài tăng 27% trong khoảng từ năm 2011 đến năm 2015.

Lượng người nhập cư từ các nước Đông Nam Á ở OECD

Chảy máu chất xám nghĩa là sự mất mát của nguồn nhân lực, một thuật ngữ có nguồn gốc từ những năm 1960 khi các nhà khoa học và trí thức người Anh di cư sang Mỹ. Với mức lương thấp, các nước đang phát triển có nguy cơ mất đi nhiều tài năng của mình.

Gần 10% các công dân có học thức cao của Philippines, Singapore, và Việt Nam sống ở các nước OECD. Đối với Lào và Campuchia, tỷ lệ này là khoảng 15%. 

Hiện tượng này vẫn diễn ra ngay cả khi Đông Nam Á đã có những tiến bộ to lớn trong việc thúc đẩy giáo dục trong những thập kỷ gần đây. Hơn 50% người Philippines, Malaysia và Singapore ở các nước OECD có trình độ học vấn cao, so với mức trung bình 30%.

Những người đến từ Đông Nam Á thường có trình độ học vấn cao hơn hoặc có kinh nghiệm hơn nhiều so với yêu cầu của công việc. Khoảng 52% người lao động từ Thái Lan bị “thừa tiêu chuẩn” và con số này là 40% đối với người từ Philippines, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.

Mặc dù nền kinh tế đang bùng nổ, với các nước bao gồm Việt Nam, Philippines, Lào, Myanmar và Campuchia có mức tăng trưởng trên 6%, nhưng công dân có học vẫn có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. 

Lý do là họ bị hấp dẫn bởi “mức lương cao và điều kiện làm việc tốt hơn, triển vọng học tập và phát triển nghề nghiệp liên tục cũng như cơ hội làm việc với những nhân tài từ khắp nơi trên thế giới”, báo cáo cho biết.