Chiến lược giúp FPT Shop vẫn bán được điện thoại dù gần như ai cũng có di động

Trần Anh - 14:06, 13/08/2018

TheLEADERKhi thị trường di động được dự báo tới giai đoạn bão hòa và người tiêu dùng không còn nhu cầu mua mới, FPT Shop vẫn tìm ra cách để duy trì tăng trưởng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, FPT Retail, đơn vị quản lý chuỗi cửa hàng bán lẻ công nghệ FPT Shop và F.Store công bố doanh thu tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, doanh thu từ các chuỗi cửa hàng đạt 5.270 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng doanh thu và tăng trưởng 12% so với cùng kỳ. 

Đóng góp vào mức tăng trưởng này là doanh thu bình quân mỗi cửa hàng tiếp tục được cải thiện và hoạt động mở mới thêm điểm bán. Công ty cho biết đã mở 43 cửa hàng mới và đến cuối tháng 6 nâng tổng số cửa hàng lên 516 cửa hàng, tăng 19% so với cùng kỳ. 

Đây có thể xem là một kết quả khả quan khi 6 tháng đầu năm nay, thị trường điện thoại cả nước chỉ tăng trưởng khoảng 10%, kém xa so với con số 17% cùng kỳ năm 2017. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường di động trong nước hiện đã bão hòa và sức tăng trưởng chủ yếu nhờ nhu cầu đổi sang điện thoại đời mới hơn.

Chiến lược giúp FPT Shop vẫn bán được điện thoại dù gần như ai cũng có di động
Bên trong một cửa hàng FPT Shop

Cũng giống như những chuỗi bán lẻ hàng công nghệ khác, FPT Retail phải đối mặt với tình trạng doanh số tiêu thụ điện thoại tăng trưởng chậm và quá trình chuyển đổi từ điện thoại thường sang điện thoại thông minh của người dùng gần như kết thúc.

Dù vẫn nỗ lực mở mới thêm các điểm bán, song khi thị trường đi vào downtrend, việc chỉ mở mới thêm điểm bán không mang lại nhiều hiệu quả như giai đoạn trước đây. 

Để duy trì đà tăng trưởng, FPT Retail đã thực hiện chiến lược tập trung bán hàng đa kênh để người dùng có nhu cầu thay điện thoại mới càng dễ dàng càng tốt, kể cả với những sản phẩm giá trị cao. 

Trong chiến lược này, hai chương trình  F-Friend và Trợ giá nhà mạng (telco) dù mới ra mắt nhưng đóng góp trên 1.000 tỷ đồng doanh thu cho FPT Retail. Trong đó, chương trình F-Friend đóng góp khoảng 960 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ) vào doanh thu 6 tháng đầu năm của FPT Retail.

F-Friend về cơ bản là chương trình bán hàng nhóm gồm 3 bên: FRT, các doanh nghiệp ký thỏa thuận F-Friend và nhân viên của mình. Theo chương trình này, nhân viên của một doanh nghiệp đã ký thỏa thuận với FPT Retail có thể được mua các sản phẩm có giá trị cao tại FPT Shop. Nhân viên công ty sẽ được cho vay không lãi suất để mua hàng và trả góp hàng tháng bằng việc trích trực tiếp từ lương. 

Ban đầu,chương trình F-Friend được áp dụng cho các công ty con của FPT và nhân viên của các công ty này vào tháng 8/2016. Hiện nay chương trình đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp với hơn 20.000 nhân viên tham gia.

Chương trình trợ giá nhà mạng đóng góp khoảng 300 tỷ đồng. Bắt đầu từ cuối năm 2017, chương trình trợ giá nhà mạng có 4 bên: FPT Retail, nhà mạng (Vietnamobile và Mobifone), Samsung và các khách hàng của FPT Shop. Khách hàng của FPT Shop đăng ký sử dụng dịch vụ của Vietnamobile hoặc Mobifone ít nhất 12 tháng có thể mua các mẫu điện thoại nhất định của Samsung với giá chiết khấu.

Mặc dù hoạt động cho vay mua điện thoại có rủi ro mang lại nợ xấu cho FPT Retail, song ban lãnh đạo của công ty cho biết, tỷ lệ này luôn được giữ ở mức “kiểm soát”.

Mặt khác, một phần đáng kể doanh thu công ty đến từ bán hàng online. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 950 tỷ đồng, tương đương 13% tổng doanh thu (xấp xỉ năm 2017).

Các công ty phân tích đánh giá, với những thay đổi phù hợp với viễn cảnh của thị trường di động, FPT Retail vẫn sẽ duy trì tỷ suất lợi nhuận ở mức tốt trong vòng 2 - 3 năm tới mà chưa cần tới mảng kinh doanh mới là bán lẻ dược phẩm. 

Cuối năm ngoái, FPT Retail đã mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu và đang tái cơ cấu lại hệ thống này để tiến công sang thị trường bán lẻ dược phẩm. Trong tương lai xa, đây sẽ là mảng kinh doanh trọng yếu, quyết định thành bại của FPT Retail.