Chiến lược xuất ngoại của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Hứa Phương - 14:18, 19/04/2019

TheLEADERCanada, Australia và Trung Đông là những thị trường Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đang nhắm đến.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết đã khởi động chương trình chuyển đổi quy mô lớn với tên gọi "Nhân đôi lợi nhuận" và "Quốc tế hóa" nhằm đưa Hòa Bình từ công ty xây dựng hàng đầu trong nước thành một tập đoàn xây dựng toàn cầu. 

Chương trình được triển khai với sự trợ giúp của McKinsey & Company, tập đoàn tư vấn  quản trị hàng đầu thế giới. Sau ba tháng khảo sát, đánh giá và nghiên cứu, hai bên thống nhất đưa ra tám nhóm giải pháp trọng yếu mà Hoà Bình cần thực hiện trong hai năm tới để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch Lê Viết Hải nói về chiến lược xuất ngoại của Hòa Bình
Ông Lê Viết Hải tham vọng đưa Hòa Bình thành tập đoàn xây dựng quốc tế.

Ông Hải phân tích, trong vòng 13 năm, Hoà Bình đã tăng 137,5 lần doanh thu, từ 134 tỷ đồng lên 18.300 tỷ đồng năm 2018. Riêng thời kỳ 2014 - 2018, doanh thu năm lần. Tuy nhiên, Hòa Bình cần xuất ngoại để tìm dư địa tăng trưởng.

Trước đây, nhà thầu xây dựng trong nước thường lép vế trước các nhà thầu ngoại ở các công trình lớn và đòi hỏi chất lượng cao. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các nhà tư vấn nước ngoài đều đánh giá năng lực xây dựng của các nhà thầu Việt Nam nói chung và Hòa Bình nói riêng có sự tiến bộ vượt bậc. 

Ông Hải cho biết, Hoà Bình có tất cả phương tiện phục vụ ngành xây dựng hiện đại mà thế giới có, đã thực hiện nhiều công trình lớn, trong đó có những công trình chất lượng cao của các nhà đầu tư nước ngoài như khu phức hợp Saigon Centre 2 hay toà nhà văn phòng Deutsches Haus ở TP. HCM.

Cụ thể, Hòa Bình đang sở hữu công nghệ xây dựng, phần mềm quản lý nhà cao tầng mà các nước tiên tiến nhất đang có. Khả năng học hỏi, tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hệ thống quản lý mới của các công nhân, kỹ sư Việt Nam nói chung và Hòa Bình nói riêng rất nhanh.

Ông Hải nhấn mạnh, không có nhiều cơ hội xuất ngoại cho các công ty xây dựng trong nước. Sở dĩ Hoà Bình tự tin đem chuông đi đánh xứ người vì đã có cơ hội cọ sát với những nhà thầu hàng đầu thế giới đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Pháp, Đức... và có cơ hội tích hợp tinh hoa của tất cả những nhà thầu đã và đang cùng hợp tác.

Ông Hải chia sẻ, qua khảo sát thị trường nước ngoài như Canada, Hoa Kỳ, Australia, Châu Âu... thì thấy rằng, những công ty hàng đầu nước họ mỗi năm chỉ làm khoảng 10 tòa nhà cao tầng, trong khi hiện nay Hòa Bình đang cùng lúc xây hàng trăm tòa nhà.

Chủ tịch Lê Viết Hải nói về chiến lược xuất ngoại của Hòa Bình 1
Hòa Bình hiện được coi là "ông lớn" trong ngành xây dựng Việt Nam.

“Khi tôi giao một dự án 30 tầng cho một nhà thiết kế lớn nước ngoài, tiến độ họ làm rất chậm, mỗi lần họp hàng chục đơn vị tư vấn trao đổi với nhau nên rất mất thời gian. Trong khi ở Hòa Bình khi đưa ra một yêu cầu đến phòng kỹ thuật thì trong khoảng một tháng sẽ có giải pháp tối ưu. Điều này chứng tỏ Hòa Bình không thua kém bất cứ một công ty xây dựng nào trên thế giới, bản thân Hòa Bình có năng lực cạnh tranh rất lớn”, ông Hải nhấn mạnh.

Lãnh đạo của Hoà Bình khẳng định sẽ cạnh tranh sòng phẳng, từ thiết kế đến thi công, với những đơn vị xây dựng nước ngoài khác, không phải bằng khai thác chi phí nhân công giá rẻ mà là khai thác trình độ cao. 

Chiến lược của Hòa Bình khi mới xuất ngoại sẽ làm nhà đầu tư phát triển dự án, đồng thời sẽ đấu thầu bằng cách liên kết với một đơn vị xây dựng địa phương. Khi quen với thị trường thì sẽ làm độc lập. Sau đó từng bước Hòa Bình sẽ đi song song hai chân.

Hòa Bình đã tiến hành nghiên cứu sâu thị trường một số nước như Canada và Australia. Tại Canada, Hòa Bình đã có đối tác sẵn sàng liên kết để đầu tư. 

"Nhu cầu xây dựng ở Canada rất lớn, giá thành cao, thậm chí cao gấp ba đến bốn lần ở Việt Nam. Thị trường Canada đang thiếu nguồn lực xây dựng và Hòa Bình hoàn toàn đủ khả năng cung cấp được. Hòa Bình muốn đưa ra thị trường Canada những sản phẩm cao cấp, phù hợp với xu hướng, văn hóa nước sở tại, thiết kế độc đáo chứ không phải phân khúc giá rẻ", ông Hải chia sẻ.

Còn tại Australia, Hòa Bình đang chuẩn bị đầu tư dự án 5.000m2 và dự kiến cung cấp ra thị trường 500 căn hộ. Giá đất ở Australia thấp hơn TP. HCM nhưng giá bán sản phẩm cao hơn. 

Ông Hải khẳng định Hoà Bình sẽ xuất ngoại mạnh mẽ trong một hoặc hai năm tới, bất chấp khó khăn do sự khác biệt về địa lý, ngôn ngữ và văn hóa.

Doanh thu thuần năm 2018 của Hòa Bình đạt 18.203 tỷ đồng, hoàn thành 88% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 630 tỷ đồng. Năm 2019, Hòa Bình dự kiến đạt 18.600 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 720 tỷ đồng, tăng tương ứng 1,6% và 16% so với năm 2018. Tỷ lệ cổ tức chi trả 15%.