Chủ tịch Vinamit: Chúng ta đang hiểu sai về nông nghiệp công nghệ cao

Kim Yến - 12:19, 12/10/2017

TheLEADERĐề cập đến những nghịch lý, hiểu lầm nghiêm trọng về nông nghiệp công nghệ cao, ông Viên cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều vấn đề.

Chủ tịch Vinamit: Chúng ta đang hiểu sai về nông nghiệp công nghệ cao
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit. Ảnh Vietnammoi

LTS: Xu hướng kinh tế thế giới hiện nay đề cao sản phẩm chế biến từ tài nguyên bản địa nhưng phải công bố xuất xứ để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Để khai thác tài nguyên bản địa có hiệu quả cho doanh nghiệp và cho xã hội, đặc biệt là sản phẩm từ nông nghiệp, doanh nghiệp phải nỗ lực tìm nguồn nguyên liệu ổn định, giá rẻ, sản phẩm phải có cạnh tranh, mặt khác, quy trình sản xuất phải đươc chuẩn hóa, thân thiện với môi trường thì mới tạo ra chuỗi giá trị cho sản phẩm. Bàn tròn TheLEADER với chủ đề: Làm giàu từ tài nguyên bản địa do TheLEADER và BSA đồng tổ chức ngày 11/10 tại TP. HCM là một cuộc trao đổi kinh nghiệm sinh động của các doanh nhân đã tạo nên thương hiệu và làm giàu từ tài nguyên bản địa.

Ông Nguyễn Lâm Viên,Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit đã chỉ ra một hiểu lầm đáng tiếc nhất trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay.

Làm giàu bằng công thức địa chủ và tá điền

Là người cổ xúy cho canh tác hữu cơ một cách bền bỉ và đã từng phải trả giá không ít cho những nỗ lực của mình, để sản phẩm có thể xuất khẩu các nước, trở thành tên tuổi uy tín trong ngành chế biến nông phẩm sau thu hoạch, quan niệm của ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit là khai thác những thứ có sẵn của một đất nước có lịch sử nông nghiệp kéo dài suốt mấy ngàn năm, đó là công thức địa chủ và tá điền.

Ông Viên nhìn nhận: "Công thức này theo tôi là đúng. Người làm kinh doanh cũng chính là địa chủ, phải kiếm mảnh đất tốt, cải tạo nó rồi thuê tá điền cùng làm, cùng chia nhau lợi tức. Với cách đó tôi thấy tới hôm nay từng bước đã chuẩn hóa được canh tác hữu cơ".

Theo Chủ tịch Vinamit, các doanh nghiệp đã thành công trong tài nguyên nào đó của bản địa, nên chuẩn hóa công thức của mình. Chế biến những sản phẩm từ đậu nành nhiều người muốn làm lắm, nhưng trước tiên phải chuẩn hóa canh tác, chuẩn hóa cách chế biến, bảo quản sau thu hoạch… thì chưa ai làm.

Nhấn mạnh nhiệm vụ của người địa chủ là tích tụ đất, tìm kiếm thị trường, giữ giá đúng…, ông Viên chia sẻ, doanh nhân đừng trông chờ vào Nhà nước, vì chính sách hạn điền của chúng ta còn rất nhiều vấn đề. Tích tụ đất ở Việt Nam không được thì qua Lào, qua Campuchia tích tụ, rồi từ miếng đất của mình mới toàn tâm toàn ý để cải tạo đất, còn người tá điền ưu thế của họ là chỉ biết trồng đúng, chăm sóc đúng, yêu thương cái cây còn hơn mình nhiều lắm. 

Ngay bản thân ông Viên, đi lội đồng chỉ để coi kết quả có thực thi không thì đúng, còn nói mình phải đi lái máy cày, phải đi trồng cây là sai rồi. Các anh chị doanh nhân phải dành nhiều thời gian cho thị trường, chuẩn hóa thị trường. Người canh tác đâu có hiểu người xài và ngược lại, đó là chuyện của mấy ông địa chủ. Muốn gạo, muốn rau củ quả không hóa chất, phải có địa chủ tham gia vào kiểm soát canh tác, khi đi bán, ông địa chủ nói người tiêu dùng mới tin được, cũng chỉ có ông địa chủ mới giữ giá được… 

"Tích lũy bao nhiêu năm trời tôi mới thấy ra vấn đề như vậy. Doanh nhân canh tác không nổi đâu", ông Viên chia sẻ thêm.

Bàn về vấn nạn kéo dài suốt bao năm nay là nông dân cũng làm giá dữ lắm, ông Viên chia sẻ kinh nghiệm của mình: Người đang canh tác cho tôi cứ 1 kg mít được hưởng tiền công 4 ngàn đồng, trong khi cả trái mít mùa rộ bán ra cũng chỉ 4 ngàn đồng. Chỉ cần chăm sóc cái cây cho tốt thì nông dân được nhiều tiền, nông dân giàu trước rồi tôi giàu sau. Dù đến mùa rộ có rẻ hơn thì chúng ta vẫn phải nuôi tá điền. Khi Đồng Nai chuối chín rộ giá rẻ bèo cũng không ai mua, nhiều người nói tôi sao không giải cứu chuối cho bà con? Tôi đã có kế hoạch của tôi rồi, vả lại chuối của bà con không bảo đảm chất lượng làm sao mua được.

Đề cập đến những nghịch lý, hiểu lầm nghiêm trọng về nông nghiệp công nghệ cao, ông Viên cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Nông nghiệp có hai nông pháp rất rõ, một là nông pháp hóa học, hai là hữu cơ. Hữu cơ gốc của nó phải từ vi khuẩn, phát triển từ vi sinh vật lấy từ đất, từ môi trường, ánh sáng mặt trời, đó mới thực sự là công nghệ cao. Nhưng Chính phủ hiện nay đang định nghĩa sai về công nghệ cao.

"Tôi rất khổ khi truyền hình đến quay nông trường của tôi cứ nói “không thấy máy móc gì hiện đại cả”! Muốn thấy phải chui xuống đất, mới biết đất sinh sôi ra sao chứ, đòi hỏi dây chuyền, tưới nhỏ giọt làm sao có? Thậm chí tôi còn không cho xới đất bằng máy cày, mà làm tơi đất bằng trùn quế thôi, cỏ mọc cũng không cắt, để gầy dựng lại hệ sinh thái tự nhiên”, Chủ tịch Vinamit trải lòng.

Cũng theo ông Viên, trong công nghệ sinh học, việc mắc mùng chống bệnh tật là bình thường, vì mùa mưa côn trùng nhiều lắm, tấn công liền mấy cây xoài lá non. Nhưng có một nghịch lý, cứ ai làm công nghệ cao theo nông pháp hóa học, công nghệ chính xác là miễn thuế, miễn lợi tức luôn, một lô chuối xuất giảm ngay 200 triệu đồng, VAT cũng không đóng luôn. 

"Ghét cái họ là những công ty núp bóng từ Trung Quốc sang, phun hóa chất là số một luôn. Trong khi Vinamit một năm doanh thu 800 tỷ đồng, 10% thuế là 80 tỷ đồng rồi, có công bằng không? Như thế thì làm sao hiện thực hóa được chủ trương của nhà nước là phát triển 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp? Làm sao phát triển thị trường? Trong khi tôi xin đăng ký nông trường công nghệ cao thì không được! Chính phủ định nghĩa sai về công nghệ cao rồi. Nông pháp hữu cơ mới chính là công nghệ cao”, Chủ tịch Vinamit nhấn mạnh.

Nhận vào mình trách nhiệm của một doanh nghiệp tiên phong về nông nghiệp hữu cơ, theo ông Viên, công việc của Vinamit đang làm là mang công thức của thế giới về phổ biến cho anh em doanh nhân về nông nghiệp sạch là thế nào. Hy vọng chúng ta đừng giữ đó là bí quyết, nên bán bí quyết đó cho địa chủ vì nhiều địa chủ có tiền lắm nhưng không biết phải làm sao. 

"Vinamit luôn giữ đúng tiêu chuẩn và phải truyền thông cho mọi người hiểu điều đó. Tôi cũng đã bán công nghệ canh tác hữu cơ và chế biến mít cho cả trong và ngoài nước. Mỗi doanh nghiệp phải đi một ngách, làm đúng, toàn tâm, có bài bản sẽ thành công”, ông Viên khẳng định

Làm thế nào tạo ra hệ sinh thái, chuỗi liên kết, để doanh nghiệp chế biến đừng phải đi trồng lúa, trồng rau?

Saigon Food ngay từ khi thành lập đã xác định phát triển song song hai thị trường xuất khẩu và nội địa, trong đó câu chuyện nội địa lại có vấp phải nhiều khó khăn nhất. Khai thác tài nguyên bản địa với ba dòng sản phẩm lớn, trong đó hai dòng sử dụng nguyên liệu Việt Nam là dòng lẩu đông lạnh có nước dùng và cháo tươi. Cháo tươi từ sản xuất tính trên gói giờ thành tính trên tấn, hiện tổng doanh thu cháo tươi là chủ lực cao nhất của Saigon Food.

Chia sẻ về những khó khăn của một nhà chế biến thực phẩm khi phát triển dòng sản phẩm cháo tươi, bà Lê Thị Thanh Lâm, CEO Saigon Food cho biết có nhiều lý do. 

Lý do thứ nhất thị trường chưa có công nghệ này. Lúc đó thị trường chỉ có cháo đóng gói là cháo khô, cháo gạo sấy, giá bán mấy ngàn đồng, trong khi Saigon Food bán từ 15 dến trên 20 ngàn đồng/gói, ngay cả bộ phận kinh doanh ban đầu cũng không biết làm sao bán, vì giá thành quá cao. Thị trường khi đó có cháo Cây Thị, muốn bán trong ngày phải có chất bảo quản, trong khi đối tượng chính là trẻ em, làm sao vô cháo trong bao bì thời gian dài mà không bị hư? Đó là bài toán. Bao bì bằng nhôm thời điểm đó Việt Nam chưa có, kỹ thuật này cũng chưa được công ty Việt Nam nào tiếp cận. Saigon Food cứ từ từ mày mò, đến nay các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đều bán cháo tươi Saigon Food.

Về nguồn gạo nấu cháo cũng vấp phải khó khăn, thu mua gạo tới nay vô cùng khó. Gạo phải thuần chủng, phải có quy trình, sau thu hoạch công thức phải chuẩn, vì gạo trồng 3 tháng, 5 tháng, 10 tháng có công thức chế biến khác nhau, phải xác định độ nở chính xác theo từng loại để cháo không bị loãng, bị đặc quá. Nhưng rất khó khăn để nhà cung cấp chuẩn hóa gạo đúng thời gian, không ai chịu làm hết. Chẳng lẽ Saigon Food phải đi trồng lúa? Saigon Food đã đi trồng rau rồi!

Hiện doanh thu của Saigon Food từ chuỗi Seven Eleven mỗi ngày có 50 triệu đồng, nhưng họ nghĩ đầu tư cho Saigon Food từ 5 cửa hàng để tương lai có 1.000 cửa hàng, chuyên gia của họ vẫn sát cánh cùng công ty hàng ngày. 

"Họ nghĩ xa đến vậy, nhưng gói cháo bán cho trẻ em thấy có con mọt người tiêu dùng cứ nói có dòi! Cam kết không có mọt là điều cực kỳ khó”, bà Lâm cho biết.

Cũng theo bà Lâm, chi phí truyền thông cũng là gánh nặng với doanh nghiệp tiên phong trong sản phẩm cháo tươi này.

“Hồi trước doanh thu bằng chi phí truyền thông, vì người ta không tin cháo để được cả năm không hư nhờ công nghệ. Bao bì nhôm đó phải nhập từ nước ngoài. Tôi rất tiếc có nhà bao bì đi cùng Saigon Food, đã nhập nhôm về làm bao bì, nhưng khi họ còn loay hoay thì một thương hiệu Nhật cho bao tốt hơn, giá tốt hơn, đành phải mua của họ thôi. Làm thế nào để tạo ra một hệ sinh thái, chuỗi liên kết, nguồn nguyên liệu phải được chuẩn háo chât lượng để doanh nghiệp chế biến đừng phải đi trồng lúa, trồng rau”. Bà Lâm kết luận.