Chữa lành hai nỗi đau trong quản trị nhân sự

Kiều Mai - 09:18, 22/05/2021

TheLEADERNgười lãnh đạo muốn thành công cần hai điều, một là đủ yêu thương để tạo ra sự kết nối, hai là đủ tàn nhẫn để tạo ra khuôn khổ, kỷ luật, tránh tình trạng nhân viên ỉ vào mối quan hệ với sếp.

Hai nỗi đau của chủ doanh nghiệp

Từng là người điều hành chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh, chị Yến nhớ lại khoảng thời gian đầy khó khăn và cô độc khi công việc ập đến quá nhiều trong khi bản thân còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý nhân viên.

“Nhân viên của chị hôm thì rất vui, hôm lại trầm lắng hoặc có lúc cứ xì xào bàn tán chuyện gì đó. Tâm lý không ổn định khiến chị lúc thì cảm thấy rất vui vẻ, đi làm đầy nhiệt huyết nhưng không ít ngày chán nản, muốn từ bỏ công việc”, chị cho hay.

Quãng thời gian bơi lội trong vấn đề không quản trị tốt nhân viên, không có kỹ năng điều hành đẩy chị rơi vào căng thẳng kéo dài và thậm chí, ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân gia đình.

Chia sẻ cùng cảnh ngộ, anh Sơn – chủ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực spa, cho biết bản thân anh phải chịu áp lực rất lớn khi bắt đầu bước vào kinh doanh, không chỉ phải lo dòng tiền mà còn phải lo cho tâm trạng của nhân viên.

Với đặc thù là ngành dịch vụ, tâm trạng của nhân viên ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giao tiếp với khách cũng như đến kết quả của buổi chăm sóc nên ngày nào anh cũng phải tìm cách “sốc” tinh thần nhân viên.

“Chủ doanh nghiệp có rất nhiều nỗi đau. Liên quan đến quản lý nhân viên thì có hai nỗi đau nổi bật nhất là sự quá tải và đơn độc”, theo chị Vũ Hạnh Hoa, nhà sáng lập Joy Uni, học viện đào tạo về kinh doanh theo triết lý “Làm giàu phải vui”.

Từng làm quản lý cho công ty chứng khoán thuộc BIDV, đứng đầu doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, không ít lần chị rơi vào trạng thái quá tải khi phải lên kế hoạch cho mọi vấn đề.

“Cái gì cũng phải nghĩ bởi cảm thấy không yên tâm khi giao việc cho người khác. Không chỉ vậy, chị lúc nào cũng phải dõi theo quá trình mọi người làm việc vì nhiều lần giao mà kết quả không được như mong muốn. Có lẽ vì vậy, chị luôn rơi vào trạng thái bất an, không biết nhân viên có đang làm việc hiệu quả không”, chị chia sẻ.

Chữa lành hai nỗi đau trong quản trị nhân sự
Chị Vũ Hạnh Hoa, nhà sáng lập Joy Uni, học viện đào tạo về kinh doanh theo triết lý “Làm giàu phải vui”.

Có lẽ chính vì áp lực vô hình mà chị ít khi vui vẻ, trở thành con người khó tính trong mắt người đối diện, từ đó dẫn đến sự đơn độc. “Nhớ lại thời điểm đó, chị cảm thấy mình với mọi người như chia thành hai phe, nhân viên dường như không hiểu và chia sẻ với nỗi lo lắng của người đứng đầu, thậm chí nhân viên còn rất ngại ngồi gần sếp khi đi ăn hay thích đi chơi riêng và không có sếp”.

Đơn độc và quá tải là khi người đứng đầu không có khả năng gắn kết với đội ngũ, không làm cho nhân viên nghĩ và làm giống người đứng đầu, chị Hoa phân tích.

Đời thay đổi khi mình thay đổi

Chị Hoa cho biết mỗi lần có cuộc họp với các trưởng bộ phận là mỗi lần chị mất rất nhiều công sức, từ việc đề ra mục tiêu, nghĩ cách làm đến việc thuyết phục mọi người thực hiện.

Rất nhiều lần, kết quả không được như mong muốn khiến mối quan hệ giữa chị với cấp dưới càng trở nên căng thẳng, sự cô độc của người lãnh đạo lại càng lớn lên.

“Quá mệt mỏi, chị chọn cách tĩnh lặng để nhìn nhận vấn đề và nhớ lại những điều từng đọc trong cuốn sách có tên 7 thói quen thành đạt. Trong đó, thói quen lớn nhất là chủ động thì đội ngũ của chị không hề có”, chị nhớ lại.

Theo chị, những người nhân viên đang đi làm với tâm thế làm công ăn lương nên chỉ làm các công việc được giao, thiếu tinh thần chủ động phân tích nên khi gặp phải vấn đề không tự giải quyết mà quay trở lại phản ánh với cấp trên, khiến quy trình trao đổi tốn nhiều thời gian.

Nhân viên không tham gia vào quá trình hình thành mục tiêu nên có lý do phản biện mục tiêu, cách làm khi kết quả không thành công.

Bước đầu tiên trong quá trình thay đổi chính là sự cởi mở từ người sếp thông qua chia sẻ kinh nghiệm cũng như truyền cảm hứng tới đội ngũ nhân viên.

“Chị chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm đi làm thuê nhưng chủ động trong 12 năm tại hệ thống BIDV, những kết quả tích cực mà chị thu được từ việc tìm tòi cách giải quyết công việc đến tự nâng cao kiến thức cá nhân. Chị nhấn mạnh với các bạn rằng muốn thu nhập tăng, chức vụ tăng thì năng lực con người buộc phải tăng lên thông qua liên tục học hỏi, mày mò”.

Ngoài việc truyền cảm hứng, người sếp còn cần thay đổi cách giao tiếp, từ chỗ đưa lời khuyên nhiều, áp đặt mục tiêu cách làm sang hỏi ý kiến và tôn trọng ý kiến. Chị Hoa cho biết sự thay đổi đã giúp công ty chị chuyển biến sang trang mới khi nhân viên trở thành cộng sự, cùng nghĩ và cùng làm.

Tuy vậy, khi nhân viên đưa ra ý kiến, lựa chọn cách làm, người sếp cần phân tích, đồng hành, hướng dẫn và chỉnh sửa dựa trên những kinh nghiệm bản thân.

Điều quan trọng nhất là cần chấp nhận có những lúc kết quả sẽ không được như mong muốn. Khi đó, người đứng đầu cần đứng cùng phía với nhân viên thay vì căng thẳng, tiêu cực hay phán xét.

Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương

Với kinh nghiệm nhiều năm làm nhân sự, chị Hoa cho rằng người chủ doanh nghiệp muốn hết đơn độc thì phải biết kết bạn thông qua chia sẻ, biết nói chuyện với nhân viên những vấn đề ngoài công việc.

Người nhân viên sẽ mang tâm lý bị coi là một công cụ khi bất cứ cuộc gặp nào với lãnh đạo cũng bị hỏi về công việc nhưng mối quan hệ giữa con người với con người sẽ đến tự nhiên nếu câu chuyện xoay quanh các vấn đề khác.

Mối quan hệ gần gũi, thân thiết sẽ giúp người nhân viên dễ bộc bạch các vấn đề và đôi khi, mang lại cho người chủ những thông tin quý giá.

Để doanh nghiệp có thể phát triển tốt, người lãnh đạo không chỉ kết nối được với nhân viên mà còn kết nối được với gia đình nhân viên. Chị Hoa lưu ý rằng người đứng đầu cần xác định những nhân sự trụ cột, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, từ đó chăm sóc mối quan hệ sếp – nhân viên.

Một hoạt động khác có thể giúp kết nối các cấp trong doanh nghiệp là hoạt động chia sẻ kiến thức, giúp nhân viên nâng cao kỹ năng để họ tự tin hoàn thành công việc.

“Người lãnh đạo muốn thành công cần hai điều, một là đủ yêu thương để tạo ra sự kết nối, hai là đủ tàn nhẫn để tạo ra khuôn khổ, kỷ luật, tránh tình trạng nhân viên ỉ vào mối quan hệ với sếp”, chị Hoa nhấn mạnh.