Chung cư - văn hóa và đẳng cấp - Kỳ 2: “Có mày không tao”
Vi Khanh
Thứ tư, 19/07/2017 - 00:00
Dân Times City có lúc gọi mình là dân “làng Times” hoặc “làng Vũ Đại” (Times City dịch ra tiếng Việt là Thành phố Thời Đại). Không có ý gì đâu, chỉ là tự trào về cái tên. Quan sát cuộc thượng đài liên miên, đằng đằng sát khí ở nhiều chung cư Hà Nội, thấy khác nào những “làng Tà Pình và Động Hía” khét tiếng (mâu thuẫn, hằn thù) trong sách văn học đọc thuở bé.
Nói tiếp về các vụ "nổ" nổi tiếng
Thời điểm sốt chục năm trước, chung cư 93 Lò Đúc giá khoảng 60 triệu/m2 do lợi thế ở trung tâm. Dù dân “Hà Nội 1” vẫn kiêu ngạo coi đội “Hà Nội 2, Hà Nội 3” như Lò Đúc không mùi mẽ gì, xưa thuộc “bang cò ỉa”.
Tiếng lành đồn xa khi một số VIP chọn nơi này làm một trong các địa chỉ trú ngụ. Cứ tưởng thế nào, cho đến khoảng 4 năm trước, tôi theo lớp Yoga của chị tên Hà ở đây, dạy có tâm lắm, chỉ cho bao mẹo mực cải thiện sức khỏe, chứ nhiều người dạy Yoga như dạy uốn dẻo hoặc Aerobic vậy. Mỗi tội chị thích để đèn mờ mờ tỏ tỏ, cửa luôn đóng kín hoặc khép hờ chứ không chịu mở hẳn, khiến khó thở cực kỳ bởi thiết kế khu này lạc hậu lắm rồi chỉ sau chưa đầy chục năm sử dụng. Yoga mà không thở nổi, không khí âm u thì tập mấy cũng “về mo” thôi. Nên tập được ít tháng, tôi bỏ. Vào thang máy, rung rinh. Sao có thể gọi “cao cấp”, giá ngất ngư như dạo nào.
Đường Nguyễn Chí Thanh một dạo được vài báo tôn vinh “con đường đẹp nhất Việt Nam”. Tôi mới bảo, thế còn Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng của người ta là đường gì, đẹp bét à? (Chả là tôi ở gần đó, ngày nào cũng đi làm qua đó). Đường của người ta thẳng như thước, cây cối mướt mát. Dày lịch sử, văn hiến...
Một góc chung cư cao cấp đúng nghĩa của Hà Nội bây giờ (ảnh Vi Khanh/Tiền Phong)
Cũng như vậy, M5 Nguyễn Chí Thanh thời sốt đất giá gần 5 chục triệu/m2, được cái chọc trời chứ thiết kế và dịch vụ thì sao? Bà chị thân thiết sống ở đây 3 năm về trước kể: Tầng 2,3 cho thuê đám cưới còn tầng 1 cho doanh nghiệp thuê để làm bếp nấu cỗ cưới, tỏa mùi ngào ngạt đãi cư dân. Họ cũng có đường đi nhưng muốn đi tắt cho nhanh thì phải lượn qua khu vệ sinh chung rồi mới vào được thang máy lên nhà. Sảnh tầng 1 bé tí. M5 xây chưa quá lâu mà tầm nhìn và các qui chuẩn của nhà quản lý chả hơn Linh Đàm là bao. Lạc hậu quá nhanh và lại thờ ơ không buồn nâng cấp- đó là hiện tượng ở hầu khắp chung cư từng có chút danh của Hà Nội.
Đồi gió hú (chung cư Golden Westlake ở Thụy Khuê- Hoàng Hoa Thám) không hiểu dạo này có còn hú. (Xem kỳ 1, Tiền Phong 27/6). Cao cấp hơn như The Manor, Keangnam thì nghe một số người kể: Đêm đông, đi qua đoạn hở giữa các tòa nhà, cảm giác như bị ma đẩy đi, vì sức hút của gió. Hú hét, phần phật phần phật, ù ù. Chắc một dạng đồi, đỉnh gió hú nữa?
Nhà quá cao quá dày trong khi mật độ cây xanh thưa thớt cũng khiến những chung cư như Trung Hòa Nhân Chính bị một kiến trúc sư nước ngoài chỉ ra: những ngôi nhà thiếu sức sống, thiếu nhân văn.
Đoạn phố Lê Văn Lương kéo dài bây giờ, ai ít qua sẽ kinh ngạc bởi không đếm xuể các tòa chung cư. Tiếc rằng dù xây sau những tòa trên kia lâu như vậy nhưng cũng tiết kiệm màu xanh lắm. Bê tông cốt thép nhìn nhau là chính.
Mipec Riverside ở số 2 Long Biên được bên bán quảng cáo là “tổ hợp trung tâm thương mại và căn hộ hiện đại, sang trọng bậc nhất thủ đô”. Nhiều người chờ đợi ngày mà Hà Nội làm hầm ngầm xuyên từ phố Trần Hưng Đạo sang bên kia sông, thì Mipec cứ là hót hòn họt. Nhưng người quen mới nhập cư ở đây kể: Cả khu hầu như không có nổi một bóng cây to. Trước sảnh lẽ ra phải là vườn cây, khu vui chơi cho trẻ em và đi dạo cho người già thì chủ đầu tư tận thu bằng cách biến thành bãi đỗ xe. Ban quản lý (BQL) không chuyên nghiệp, hầu như không biết tiếng Anh.
“Nói quá”, “nổ” là căn bệnh dễ lây trong xây và bán chung cư. Người mua nhà có lúc cũng lây theo vì nhiều lý do, cho đến ngày tự định giá chính xác hơn, “trả lại tên cho em”, “gọi sự vật sự việc đúng tên”- ai cao cấp ai trung cấp thậm chí hạ cấp.
‘Ta thắng địch thua”
Ngày càng xuống cấp nhưng Pacific 33 Phan Bội Châu- 83 Lý Thường Kiệt vẫn được các yếu nhân chen chân kiếm một suất bởi vị trí đắc địa và lượng căn hộ có hạn, hơn 200 cả thảy. Một ngày kia nơi này cũng gặp chuyện: Tự dưng bên khu văn phòng mọc thêm 3 thang máy lù lù đập vào mắt, chặn “view” (tầm nhìn) của tất cả căn hộ góc 03 từ tầng 1 đến tầng 13. Quá đen cho các hộ này. Và biến dạng thiết kế cả tòa nhà.
Mấy năm rồi, thang máy không hoàn thiện nổi nhưng cũng chả bị đập dù dân cư hơn một lần biểu tình kịch liệt. Nó trơ gan cùng tuế nguyệt và như vết sẹo buồn trong quan hệ hai phía.
Thế còn khá. Chứ một cơ số rất đông chung cư Hà Nội bây giờ, tình hình rất chi là tình hình. Một người quen sống ở Mipec mở cho xem mạng xã hội nhóm kín của một số cư dân, đọc mới thấy, sống ở đây hóa ra chẳng dễ như húp tào phớ. Mọi người buộc phải chọn phe. Người trong cuộc kể, ban đại diện (nơi này chưa lập ban quản trị - mà mới chỉ có ban đại diện lâm thời) kêu gọi trong thời điểm “nóng”, đang đấu tranh chống chủ đầu tư thì không ai được lên mạng cười nói hớn hở, bàn chuyện vui chơi ăn uống mà chỉ có oánh nhau, tiêu diệt “chúng nó”, “yên trí đạn còn nhiều”.
Cuộc hiến chương của bà con chủ yếu xoay quanh chuyện: Chỉ đồng ý đóng phí mức 1,2 triệu/ô tô; 50.000đ/xe máy; phí dịch vụ 7.000đ/m2...Một hộ dân phân tích: “Mức phí dịch vụ 10.000đ/m2 đã có trong hợp đồng mua bán, giờ lại đòi hạ thì ai người ta chịu. Tòa nhà hiện chỉ đáp ứng được 2 phần 3 chỗ đỗ xe, cho nên chủ đầu tư nói ai không đồng ý mức 1,8 triệu/ô tô có thể gửi nơi khác nhường cho người có nhu cầu. Thế là phải chứ”.
Một số người tự nhận ôn hòa, phàn nàn: Các vị gọi là có tiếng nói trong tòa nhà mà lại chọn hành xử kiểu không thèm đối thoại (với chủ đầu tư và cả cư dân khác) mà chỉ có đối đầu! Toàn kiểu ta thắng địch thua, không cho chúng nó thoát bà con ơi. Ai đòi trưng lý do hợp lý mới biểu tình thì họ mắng là tay sai của chủ đầu tư, còn chủ đầu tư là lũ bán nước hại dân!”.
Hihi cứ tưởng sống trong tòa nhà do quân đội, công an làm chủ đầu tư thì có phần “dén” (e ngại).Té ra không hề. (chủ đầu tư Mipec là Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội. Còn C14 trên đường Tố Hữu thuộc Bộ Công an).
Chủ đầu tư của C14 thừa nhận công tác quản lý tòa nhà còn bất cập, vệ sinh có lúc chưa sạch, đội ngũ bảo vệ không chuẩn lắm, trang phục đôi khi lôi thôi lại không chịu giúp đỡ người già... Nhưng nhăn nhó kêu khổ với báo chí, ví dụ bị gần 200 trong số 650 hộ dân “quỵt” tiền phí dịch vụ hàng năm trời, tổng cộng gần 2 tỉ đồng, mà “đầu têu” việc này chính là Ban quản trị!
Ban quản trị của C14 liên tiếp ra tối hậu thư và “tống đạt thư”, đề nghị chuyển gấp 2% phí dịch vụ. Cho đến cuối tháng 6 này, phía chủ đầu tư vẫn bảo lưu quan điểm chưa thể đáp ứng do ban quản trị này chưa hội đủ điều kiện theo đúng qui định của pháp luật. “Họ thực thi nghĩa vụ (trả món nợ phí dịch vụ hàng năm nay) và tổ chức hội nghị dân cư đi đến thống nhất mọi điều khoản theo đúng qui định của pháp luật thì chúng tôi trao ngay 2% phí bảo trì chứ giam làm gì”- một đại diện chủ đầu tư nói.
Vài cư dân chỉ cho xem facebook của nhóm kín nhóm hở nơi đây, thấy cũng “thú vị” y như Mipec trên kia. chủ đầu tư và ban quản trị tòa nhà hiện lên như quái vật: “Vừa ăn cắp vừa la làng”, “cả lũ cả lỹ lấy thịt đè người”, “bất lương”, “thân lừa ưa nặng”... Lên mạng mà nhiều người chả ngán dọa cho người này người nọ “mất nghề”, kích động “đánh chết mẹ chúng nó đi”. Kêu gọi nhau hãy share (chia sẻ) sự chửi bới của mình lên các diễn đàn lớn như Beat, Otofun..., khiến chúng nó “hết cơ hội bán hàng ở những dự án khác”. Vân vân. Gọi “lũ sâu mọt phản dân hại nước”, y như bên Mipec!
Ồn lên một số chuyện tháng trước, ngoài phong trào biểu tình đòi quyền lợi (có nơi chính đáng, nơi không hẳn), là những tin tức kiểu: “Trưởng ban quản trị chung cư 165 Thái Hà bỏ trốn rồi, ôm theo 2 chục tỉ đồng!” chủ đầu tư giải thích với phóng viên Tiền Phong chuyên trách mảng đất đai Hà Nội: Chỉ là chơi nhau trên mạng thôi, tin thất thiệt do thành viên ban quản trị tung ra, chứ ông Trưởng ban quản trị chỉ đi về quê nghỉ ngơi do bị “xì trét” . Chuyện ban quản trị ẵm tiền phí bảo trì rồi “bùng” cũng có nhưng không phải vụ này!
Đằng đằng sát khí, thượng đài liên miên. Có mày không tao. Làm như hận nhau từ trong tủy hận ra, như thể dòng họ Montague và Capulet (Mông-tơ-ghiu và Ca-piu-let, trong bi kịch Roméo và Juliet). Như thể hai làng Tà Pình và Động Hía.
Trong khi đó, tôi thích triết lý này: Sống và để cho người khác sống. Và sẽ khai triển triết lý đó trong một phần của kỳ sau.
(còn nữa)
“Không biểu tình không phải chung cư” (chủ yếu ở phân khúc hạng trung, và có nơi chính đáng nơi không). Quan hệ cộng sinh lại biến thành thù hận, bất cộng đới thiên. Nguyên do một phần bởi, với sự càn lướt của mạng xã hội, mọi hỉ nộ ái ố được nhiều bà con bức xúc tung lên mạng. Đường lê mũi súng chuốt nhọn, gươm đao tuốt khỏi vỏ có vẻ chẳng tính đường lui nữa.
Thị trường bất động sản đang bùng nổ, với các cao ốc, khu đô thị mọc lên như nấm, nhưng quản lý thế nào để mang tránh được tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư, kiến tạo môi trường sống văn minh lại là thách thức không hề nhỏ.
Ngày nay, những căn hộ cao cấp ngày càng chú trọng trong việc mang đến cho cư dân những tiện nghi đa dạng và tiện lợi tương tự như tầm quan trọng vị trí đắc địa của dự án.
Thời điểm năm 2012, thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến một hiện tượng khách hàng tập trung thành nhóm để khiếu kiện những sai trái của chủ đầu tư, hay đòi lại vốn góp tại dự án (DA).
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.