Chứng khoán giảm sâu sau khi về đỉnh trước dịch

Trần Anh - 15:45, 28/10/2020

TheLEADERTổng khối lượng giao dịch của thị trường đạt hơn 9.000 tỷ đồng trong ngày VN-Index giảm sâu nhất kể từ thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 2 vào giữa tháng 7.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/10, chỉ số VN-Index giảm 25 điểm xuống còn 921 điểm, tương ứng mất 2,69%.

Điểm nhấn của phiên giao dịch là khi nhà đầu tư bán tháo ồ ạt vào cuối phiên. Tổng khối lượng giao dịch của thị trường đạt hơn 9.000 tỷ đồng trong ngày VN-Index giảm sâu nhất kể từ thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 2 vào giữa tháng 7.

Các nhà đầu tư gần như đã “đứng nhìn” trong phiên ATC, khi chỉ có khoảng 1.000 tỷ đồng nhảy vào bắt đáy.

Các cổ phiếu trong VN-30 chìm ngập trong sắc đỏ khi có tới 28 mã giảm giá và chỉ có 2 mã tham chiếu, không có mã nào tăng giá. Giảm sâu nhất là các cổ phiếu HDB (6,2%), VRE (5,6%), VIC (5,3%), PNJ (4,9%),... Trên toàn thị trường, có 365 mã cổ phiếu giảm giá, 15 cổ phiếu sàn và chỉ có 66 mã cổ phiếu tăng giá.

Tình hình cũng không khả quan hơn trên 2 sàn HNX và UpCOM, khi cả 2 sàn này cũng chứng kiến đà bán tháo của nhà đầu tư. HNX giảm 2,25% còn UpCOM giảm 1,06%.

VN-Index bị bán tháo sau những diễn biến tiêu cực từ đầu tuần đến nay. Sau khi trở về ngưỡng ngang bằng với thời điểm trước khi đại dịch diễn ra vào cuối năm 2019, chỉ số này bắt đầu giằng co mạnh ở ngưỡng 950 điểm. Thị trường có nhiều thời điểm vẫn duy trì sắc xanh, song tâm lý thận trọng và áp lực xả hàng ngày càng rõ nét.

Những thông tin về kết quả kinh doanh quý 3 không mấy khả quan, đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu tăng cao khiến cổ phiếu ngân hàng – nhóm dẫn dắt thị trường sau giai đoạn bứt phá mạnh gần đây đã đảo chiều giảm sâu, thậm chí cổ phiếu TPB giảm hết biên độ.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 25 liên tiếp, với giá trị bán ròng khoảng 480 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Luỹ kế từ đầu năm, khối ngoại đã rút khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương 440 triệu USD) khỏi thị trường. Nếu loại trừ giao dịch thoả thuận cổ phiếu Vinhomes, lượng tiền rút ròng lên đến 1,3 tỷ USD. Các cổ phiếu bị xả hàng nhiều nhất đều thuộc rổ vốn hoá lớn như VIC, HPG, MSN, VNM...

Làn sóng bán ròng không chỉ kéo dài ở Việt Nam mà còn xuất hiện tại nhiều thị trường châu Á khi nhà đầu tư nhìn nhận rủi ro vẫn nhiều hơn cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo giới phân tích, khối ngoại rút tiền ra để tìm tới những thị trường hấp dẫn hơn. VN-Index tuần trước mới trở lại vùng giá cuối năm 2019 sau giai đoạn giảm sâu vì dịch bệnh thì S&P 500 Index đã tăng 4,4%, còn chỉ số liên quan đến yếu tố Trung Quốc là S&P/BNY China Select ADR tăng trên 27%. Thị trường chứng khoán Mỹ năm nay cũng có thêm nhiều "mặt hàng" hấp dẫn, thể hiện qua việc khoảng 30 công ty Trung Quốc dự kiến IPO tại đây.

Dự báo thị trường trong thời gian tới, các công ty chứng khoán cho rằng nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn và sẵn sàng chốt lời để hiện thực hoá lợi nhuận. Nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên quản lý rủi ro, hạn chế mở các vị thế mới để tránh rủi ro trong kịch bản thị trường điều chỉnh sâu hơn.