Chứng khoán ngày 9/5: Nhóm ngân hàng cùng VIC ép VN-Index giảm điểm

Ngọc Chi - 20:26, 09/05/2018

TheLEADERNhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm giá vào hôm nay, tạo gánh nặng lớn lên chỉ số VN-Index.

HOSE - Nhóm ngân hàng đồng lòng giảm giá

Sau 5 phút khớp lệnh liên tục đầu phiên sáng, chỉ số VN-Index nhanh chóng tụt xuống mức thấp nhất trong ngày tại 1.051,79 điểm (-0,82%).

Diễn biến chủ yếu của VN-Index trong sáng nay là giằng co và đảo chiều liên tục quanh mốc tham chiếu. Đến khi còn 30 phút cuối, chỉ số chính mới ổn định hơn tại sắc xanh và tạm dừng tại mức 1.064,34 điểm (+0,37%) so với giá tham chiếu.

Chúng tôi xin điểm qua một số mã lớn tăng khá vào cuối phiên sáng, đã tạo trụ nâng đỡ đáng kể cho VN-Index như GAS tăng 3,3%, VJC tăng 4,04%, SAB tăng 1,32%, BID tăng 0,99%, VPB tăng 0,37%, STB tăng 0,37%, CTG tăng 0,49%.

Phía ngược lại, có VIC giảm 0,73%, VNM giảm 0,05%, BVH giảm 0,93%, PLX giảm 0,44%, VCB giảm 0,98%, MBB giảm 0,16%, HDB giảm 0,69%, TPB giảm 0,66%.

Chứng khoán ngày 9/5: Nhóm ngân hàng cùng VIC đồng lòng ép VN-Index giảm điểm

Ngay khi quay lại giao dịch vào buổi chiều, chỉ số VN-Index đã lập tức leo đỉnh cao nhất trong ngày tại 1.069,8 điểm (+0,88%).

Tuy nhiên, lực cung tăng mạnh hơn sau 14h khiến chỉ số chính liên tục sụt giảm và rớt mất mốc tham chiếu, đóng cửa tại mức 1.056,97 điểm, giảm 3,48 điểm (-0,33%).

Khối lượng giao dịch giảm nhẹ 5% so với hôm qua, đạt 161,3 triệu đơn vị, tương ứng với 5 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 124 mã tăng giá, 147 mã giảm giá và 59 mã đứng giá. Trong đó, có 17 mã tăng trần, 7 mã giảm sàn.

Trong top 10 mã chứng khoán có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ có 4 mã tăng giá gồm GAS (+4,37%), VJC (+3,91%), ROS (+1,43%), MWG (+0,28%). Hai cổ phiếu tạo trụ nâng đỡ mạnh nhất cho VN-Index hôm nay là GASVJC khi góp lần lượt 3,17 điểm và 1,2 điểm ảnh hưởng.

Ở phía giảm, 2 cổ phiếu kìm hãm mạnh nhất chỉ số chính là VCB (-2,46%), VIC (-0,81%) khi tạo gánh nặng lần lượt 2 điểm và 0,97 điểm ảnh hưởng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng theo VCB giảm giá còn có BID giảm 1,41%, CTG giảm 1,32%, VPB giảm 2,57%, MBB giảm 0,95%, HDB giảm 0,69%, STB giảm 1,1%.

Về khối lượng giao dịch, mã ASM (-1,75%) với 5,45 triệu đơn vị dẫn đầu sàn HOSE. Tiếp theo là IDI (+0,36%) với 4,34 triệu đơn vị và HHS (-3,11%) đạt hơn 4,27 triệu đơn vị.

VCB dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 7,65 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là VPB, SSI, HPG.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất là VCB với 8,7 triệu đơn vị. Theo sau là VPB, SSI, HSG.

Trong phiên giao dịch hôm nay, có 5 mã có khối lượng giao dịch đột biến tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày trước đó.

Cụ thể, ATG (CTCP An Trường An) tăng 13,9 lần; POM (CTCP Thép Pomina) tăng 7,3 lần; TNI (Tập đoàn Thành Nam) tiếp tục nằm trong danh sách này khi tăng 7,3 lần; VHG (CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam) tăng 5,9 lần; AMD (CTCP Đầu tư và Khoáng sản AMD Group) tăng 4,3 lần.

HNX - Mất dần trụ

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, sáng nay, HNX-Index đỏ từ sớm và liên tục dao động với biên độ khá nhỏ dưới giá tham chiếu cho đến trưa, tạm dừng ở 124,99 điểm (-0,27%).

Hai cổ phiếu lớn tăng trong sáng nay gồm SHB tăng 0,91%; PVS tăng 3,89%. Trong khi đó, một số mã lớn giảm giá như ACB giảm 0,44%; VGC giảm 0,82%; VCS giảm 0,81%.

Đến chiều, diễn biến của HNX-Index tệ hơn so với phiên sáng khi tiếp tục đào sâu trên biểu đồ kỹ thuật. Một số mã lớn chịu áp lực bán ra tăng cao như ACB, PVS khiến chỉ số chính tụt mạnh và đóng cửa tại mức 123,86 điểm, giảm 1,47 điểm (-1,17%) so với tham chiếu.

Chứng khoán ngày 9/5: Nhóm ngân hàng cùng VIC đồng lòng ép VN-Index giảm điểm 1

Khối lượng giao dịch giảm 16% so với phiên trước, đạt gần 43,6 triệu đơn vị, tương ứng gần 0,6 nghìn tỷ đồng giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 99 mã tăng giá, 77 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.

ACB (-2,2%) là mã chứng khoáng tạo gánh nặng lớn nhất cho HNX-Index hôm nay với -0,6 điểm ảnh hưởng.

Cả phiên có 23 mã tăng giá kịch trần, 7 mã chạm sàn.

Về khối lượng giao dịch, SHB (-0,91%) dẫn đầu sàn khi đạt hơn 5,27 triệu đơn vị. DST (tăng trần) theo sau với 4,74 triệu đơn vị, PVS (+3,89%) đạt gần 4,37 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, APS là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 155,4 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là VGC với 1,65 triệu đơn vị.