Chứng khoán Việt Nam kỳ vọng tích cực nửa cuối 2020

Trần Anh - 14:21, 17/07/2020

TheLEADERNhiều công ty chứng khoán cho rằng, thị trường chứng khoán đã chịu tác động tiêu cực của dịch Covid 19 trong nửa đầu năm và sẽ dần phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2020 với kỳ vọng chỉ số VNIndex đạt ngưỡng 900 điểm.

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục mạnh mẽ kể từ vùng đáy cuối tháng 3 cho đến nay. Động lực tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn này chủ yếu đến từ việc Việt Nam cơ bản đã kiểm soát tốt được dịch bệnh, thời gian cách ly xã hội tương đối ngắn và mức độ tổn thương của nền kinh tế ít hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ nới lỏng được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam; hiệp định thương mại tự do EVFTA được thông qua, cùng với kỳ vọng vào khả năng thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI và kỳ vọng vào hiệu quả của các chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ bao gồm tăng đầu tư công, giảm thuế.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, các yếu tố hỗ trợ thị trường trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục được duy trì, và vùng giá kỳ vọng của VNIndex cuối năm 2020 quanh 900 điểm.

Báo cáo của KBSV đưa ra kịch bản cơ sở là làn sóng Covid-19 thứ hai sẽ không diễn ra tại Việt Nam, trong khi trên toàn cầu, khả năng bùng phát có thể trở lại tại một số nước nhưng tác động hạn chế hơn.

Dựa trên kịch bản cơ sở này, nhóm phân tích của KBSV lạc quan cho rằng vùng giá thấp nhất của thị trường đã rơi vào giai đoạn cuối tháng 3, giai đoạn đỉnh điểm của tình hình dịch trong nước.

Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, dòng tiền từ khối ngoại cũng như khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành hay các hiệp định thương mại có thể tạo "cú hích" trong nửa cuối năm.

VNDirect ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ giảm 5-6% cùng kỳ, VNIndex có thể duy trì ở mức định giá hiện tại và đạt khoảng 840-920 điểm vào cuối năm.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, thị trường đã chịu tác động tiêu cực của dịch Covid 19 trong nửa đầu năm và dần phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2020. Theo đó, ở kịch bản trung tính, mức cao nhất trong năm của VNIndex sẽ chỉ thấp hơn khoảng 10-15% so với mức cao nhất của năm 2019.

Tuy nhiên, khối lượng và giá trị giao dịch trung bình phiên được dự báo tiếp tục tích cực trong phần còn lại của 2020, với mức tăng chung cả năm khoảng 30%. Đặc biệt, khoảng dao động của VNIndex được kỳ vọng lớn hơn nhiều so với năm 2019, trong khoảng 250-300 điểm.

Trong khi đó, Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đưa ra đánh giá lạc quan hơn khi nhận định VNIndex có thể dao động trong khoảng 900-1.000 điểm. Báo cáo nhận định chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhờ lợi tức cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm.

Về khía cạnh vĩ mô, hai biến số không chắc chắn lớn nhất được các công ty chứng khoán đề cập vẫn là hoạt động xuất - nhập khẩu khi Covid-19 diễn biến phức tạp tại những thị trường lớn và ảnh hưởng của nhóm dịch vụ do thiếu hụt lượng khách quốc tế.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng năm nay có thể vẫn giữ tích cực nhờ vào việc thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm và các biện pháp như giảm lãi suất, tung ra các gói hỗ trợ tiếp theo.

Triển vọng ngành cuối năm, bộ phận phân tích của KBSV đánh giá "tích cực" với nhóm cổ phiếu bán lẻ, công nghệ thông tin và nhiệt điện. Những ngành hút dòng tiền gần đây như cảng biển, bất động sản hay ngân hàng được khuyến nghị ở mức trung lập, còn dầu khí bị đánh giá tiêu cực. Trong nhóm công nghệ thông tin, động lực chính sẽ nằm ở mảng xuất khẩu phần mềm.

Ngành bán lẻ được dự báo tích cực khi hoạt động mua bán hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại sau giai đoạn giãn cách. Còn nhiệt điện có thể hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng.

Với ngành bất động sản, KBSV cho rằng rủi ro dịch bệnh quay trở lại đã khiến tâm lý bên mua có phần mang tính "phòng thủ", ảnh hưởng đến tốc độ bán hàng và khả năng hấp thụ của thị trường.

Ngành ngân hàng cũng không quá tích cực do tăng trưởng tín dụng chậm, biên lợi nhuận bị ảnh hưởng từ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Còn VCBS đánh giá, các nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất là những ngành cần “traffic” – tức là yêu cầu tập trung khách hàng với mật độ cao, như hàng không, dịch vụ lưu trú, chuỗi cửa hàng phân phối hàng hóa không thiết yếu,…

Trong khi đó, tiến độ các dự án bất động sản có thể chịu ảnh hưởng nhưng không nhiều. Hoạt động tiêu thụ dù có chậm trong nửa đầu năm nhưng sẽ tăng tốc hơn trong nửa cuối năm do quý 1 thường là mùa thấp điểm cả về xây lắp và bán hàng.