Chuyển đổi số hay trở thành món 'ếch luộc'?

Việt Hưng - 16:33, 11/12/2019

TheLEADERChuyển đổi số không còn là xu hướng mà là vấn đề sống còn tại các doanh nghiệp, nhưng phần lớn doanh nghiệp chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bằng cách nào, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Ngộ nhận về chuyển đổi số

Chuyển đổi số (Digital Transformation) được hiểu là quá trình thay đổi mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối (Internet of Things), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI),… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Cũng như tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới và trải nghiệm khách hàng mới chưa từng có.

Theo DBT Center, trong 5-10 năm tới, 40% các doanh nghiệp sẽ bị đào thải nếu không có bất kỳ thay đổi, đột phá nào. Hệ quả của việc chậm chuyển đổi có thể được nhìn thấy qua rất nhiều cái tên lừng lẫy một thời như Kodak, Yahoo…nay đã chìm vào quên lãng.

Bài học từ cái chết của Kodak là một ví dụ điển hình. Ở nhiều thập niên trước, Kodak chiếm 80-90% thị trường phim ảnh nhờ mô hình bán máy ảnh rất rẻ nhưng bán phim và thuốc tráng phim, rửa ảnh rất đắt.

Từ năm 1975, một kỹ sư của Kodak đã phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số nhưng Kodak "xếp xó" vì sợ nếu tung ra máy ảnh kỹ thuật số sớm sẽ không bán được phim và thuốc rửa nữa, trong khi đây là nguồn lợi nhuận rất lớn.

Đến năm 1995, Kodak thấy sai lầm, nhảy vào lĩnh vực máy ảnh kỹ thuật số thì đã quá muộn, trình độ công nghệ của Kodak lúc này đã tụt hậu đến mức không thể theo kịp các đối thủ trên thị trường. iPhone ra đời năm 2007. Năm 2010, Instagram xuất hiện, mọi người chụp ảnh mà không cần phải tráng phim, rửa ảnh nữa. Từ đó, Kodak liên tục thua lỗ và đến đầu năm 2012 buộc phải tuyên bố phá sản.

Hay những thực tế khác gần hơn là chuyện taxi truyền thống bị cạnh tranh khốc liệt bởi Uber, Grab sử dụng công nghệ để kết nối hành khách với chủ xe, tối ưu việc vận chuyển, giá cước rẻ. Hoặc sự ra đời của Skype, Viber cũng khiến các công ty điện thoại bị tác động lớn vì sử dụng các ứng dụng này, người dùng có thể gọi điện thoại di động, nhất là gọi đường dài ra nước ngoài mà không phải mất tiền.

Chuyển đổi số hay trở thành món 'ếch luộc'?
Giáo sư Hồ Tú Bảo

Chuyển đổi số hay chuyện luộc ếch?

Theo một cuộc khảo sát về chuyển đổi số trong doanh nghiệp của CEO Forum năm ngoái, có đến 53% doanh nghiệp trả lời cực kỳ quan tâm nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu; 27% doanh nghiệp cho biết đang tìm cách áp dụng và gặp nhiều khó khăn; chỉ có 7% doanh nghiệp cho biết đã có ứng dụng và thấy hiệu quả rõ rệt; số còn lại thì có quan tâm nhưng thấy chưa cần thiết. Những con số này cho thấy, phần đông doanh nghiệp đã quan tâm đến chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu và nên đi theo hướng nào?

Giáo sư Hồ Tú Bảo, phụ trách Phòng Thí nghiệm khoa học dữ liệu Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM), Giám đốc Khoa học của Viện John von Neumann thuộc Trường Đại học Quốc gia TP. HCM cho rằng, chuyển đổi số hiệu quả phải được thực hiện từ cấp cao nhất và lan tỏa đến mọi cấp của hệ thống, mọi khía cạnh của doanh nghiệp.

"Thực sự doanh nghiệp chỉ có thể chuyển đổi số được nếu người đứng đầu nhận ra đó là chuyện sống còn của mình, sau đó là ở tất cả mọi cấp, vì chuyển đổi số ở doanh nghiệp là việc của tất cả nhân sự, nếu chỉ có lãnh đạo thôi mà bên dưới không thực hiện thì lãnh đạo có "hô" cũng không được. Đây là việc mọi người cùng nhận thức và làm", Giáo sư Hồ Tú Bảo nói.

Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT tập đoàn NextTech thì cho rằng: "Chuyển đổi số đôi khi là những việc mình đang làm hàng ngày, như ta dùng phần mềm quản lý giấy tờ, quản lý công việc, dùng Zalo để chat hoặc dùng một ứng dụng để giao việc - đó là chuyển đổi số".

Shark Bình ví von chuyển đổi số ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam như việc thả ếch vào một nồi nước lạnh. Ban đầu, nước còn lạnh thì ếch không hề có phản ứng gì. Càng về sau, nồi nước càng trở nên nóng hơn, và đến lúc nước sôi thì đã muộn. Ếch đã bị luộc chín trong nồi nước.

Chuyển đổi số hay trở thành món 'ếch luộc'? 1
Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT tập đoàn NextTech

"Nhiều chủ doanh nghiệp đã nhìn ra bài toán cần phải chuyển đổi số. Nhưng vì loay hoay, hoặc chủ quan, thời điểm hiện tại chưa thực sự quyết tâm, nên rất dễ rơi vào trường hợp chú ếch kia. Vì chỉ 5-10 năm nữa thôi, khi doanh nghiệp cảm thấy "nóng", thì đã trở thành món ếch luộc lúc này chẳng hay", Shark Bình chia sẻ.

Để chuyển đổi số không là "bài toán" khó

Theo ông Vũ Minh Trí - CEO VNG Cloud, thì tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới đều nên chuyển đổi số và tỷ lệ thất bại cao là bởi hầu hết doanh nghiệp Việt đều để bộ phận IT dẫn dắt dự án.

"Chuyển đổi số nên bắt đầu từ bộ phận kinh doanh, và người dẫn dắt dự án nên là lãnh đạo ở bộ phận kinh doanh chứ không phải IT. 80% doanh nghiệp chuyển đổi số được lãnh đạo bởi bộ phận IT đã thất bại. Nói chung, doanh nghiệp nhất định phải để bộ phận kinh doanh dẫn dắt dự án chuyển đổi số thay vì những bộ phận khác", ông Trí nhận xét.

Về phía Shark Nguyễn Hòa Bình đưa ra bốn lời khuyên. Thứ nhất, doanh nghiệp nên dùng nền tảng, dịch vụ, phần mềm online sẵn có; có thể là phần mềm điều hành, giao việc mà không phải dùng điện thoại hay giao bằng miệng nữa; lãnh đạo lúc này không còn sợ nhớ nhớ quên quên vì đã có ứng dụng nhắc nhở.

Thứ hai, doanh nghiệp nên tìm đối tác để chuyển đổi số, hoặc có thể tìm một đơn vị tư vấn. Shark Bình cũng lưu ý khâu này vì thực tế khó đạt được, vì rất dễ tìm sai chuyên gia; và điều này chỉ khả thi với những doanh nghiệp quy mô vốn lớn.

Thứ ba, doanh nghiệp có thể nghĩ đến chuyện "săn đón" giám đốc cao cấp về công nghệ. Lấy ví dụ chuyến tham dự APEC tại Mỹ cách đây vài năm, Shark Bình biết được thông tin tổng thống Obama cũng có tuyển cho mình giám đốc kĩ thuật, giám đốc công nghệ.

Thứ tư, đây cũng là bước cuối cùng khi doanh nghiệp không tìm được cách nào, thì nên tìm đến "tri kỉ" của chuyển đổi số. Shark Bình nhấn mạnh: "Tri kỉ là ai? Tri kỉ là những doanh nghiệp công nghệ, nhưng không chăm chăm vì tiền của doanh nghiệp, thay vào đó khi doanh nghiệp cắt giảm được chi phí hoặc tăng doanh thu thông qua phần mềm mới, thì phần giá trị gia tăng đấy hai bên chia đôi. Đấy mới gọi là tri kỉ".

Chia sẻ bên lề, Shark Bình cho hay, bản thân NextTech cũng như quỹ khởi nghiệp Next100 đang liên tục tìm tri kỉ, bằng cách hướng đến những doanh nghiệp đang khó khăn, nhưng có mô hình kinh doanh tốt.