Chuyên gia Trần Sĩ Chương: R&D là con đường để doanh nghiệp bước ra thế giới

Kim Yến - 13:54, 29/05/2019

TheLEADERTập đoàn Xây dựng Hoà Bình là doanh nghiệp trong nước đầu tiên trong ngành xây dựng thành lập riêng một học viện chuyên về nghiên cứu và phát triển (R&D).

Lãnh đạo Học viện Hoà Bình là một gương mặt quen thuộc – ông Trần Sĩ Chương, người vừa là nhà đầu tư trực tiếp, vừa là nhà cố vấn cho chiến lược phát triển các công ty trong lĩnh vực tài chính, xây dựng, bất động sản, giáo dục, y tế, tin học.

Chuyên gia Trần Sĩ Chương: R&D là con đường để doanh nghiệp bước ra thế giới
Ông Trần Sĩ Chương (ngoài cùng bên trái) cùng các lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Với tư cách là Viện trưởng Học viện Hoà Bình, ông Chương chia sẻ những mong muốn về mô hình R&D trong mỗi doanh nghiệp, để xây dựng một môi trường kinh doanh bài bản, bền vững.

Ông có thể cho biết lý do ra đời của Học viện Hoà Bình?

Ông Trần Sĩ Chương: Hoà Bình là tập đoàn đầu ngành xây dựng, hoạt động kinh doanh đã đến tầm quy mô lớn cần phải có một bộ phận nghiên cứu phát triển riêng mà nước ngoài thường gọi là R&D để liên tục học hỏi, tìm cách hợp chuẩn quốc tế, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Học viện Hòa Bình được ra đời từ nhu cầu và ý thức đó. Tôi mới chấm dứt nhiệm kỳ 5 năm là thành viên độc lập của HĐQT Tập đoàn Hoà Bình và đây là một cơ hội quý báu cho tôi để được tiếp tục đóng góp tại một tổ chức mà tôi quý mến, với một sứ mệnh mà tôi chia sẻ.

Làm ăn trong bất cứ lãnh vực nào cũng cần phải có một bộ phận tập trung suy nghĩ làm sao sản phẩm, dịch vụ của mình ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay. Ngày hôm nay nấu tô phở thế này, ngày mai có cách nào nấu tô phở ngon hơn không? Làm thế nào để cải tiến từ cách nấu, từ bánh phở, từ nguyên liệu, từ hương vị… để có một tô phở ngon hơn. Nếu các ông bà chủ doanh nghiệp có tư duy đó, và với cái tâm đặt trọn vào những gì mình làm, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ cạnh tranh rất tốt.

Để trở thành doanh nghiệp dẫn đầu, phải luôn cạnh tranh với chính mình, luôn đặt câu hỏi cho mình, không bao giờ thoả mãn. Phải nghiên cứu có cách nào làm hay hơn, tốt hơn, và làm như thế nào? Những công ty thành công nhất thế giới như Apple, Samsung đều ưu tiên R&D, đầu tư vào R&D chiếm đến 20-30% ngân sách của họ. Ngành mỹ phẩm, nước hoa chi phí nghiên cứu và tiếp thị còn cao hơn nữa, có thể chiếm đến cả 70-80%.

Đối chiếu lại doanh nghiệp trong nước, phần lớn không có tổ chức R&D, đơn giản chỉ là ông chủ đi nước ngoài thấy cái này hay về phổ biến cho anh em làm, hoặc hợp tác với ai đó, chứ không có phương án tìm tòi, sàng lọc các giải pháp tối ưu, thích hợp cho riêng mình.

Gần đây, một số công ty lớn trong nước cũng thành lập học viện nghiên cứu riêng như Vingroup đã mời GS Vũ Hà Văn về, TTC mời GS Võ Tòng Xuân. Riêng với Học viện Hoà Bình, trong bức tranh chung màu xám của ngành xây dựng, chiến lược cụ thể của ông là gì để có thể thúc đẩy sự phát triển chung của ngành so với thế giới?

Ông Trần Sĩ Chương: Học viện có ba sứ mệnh đó là nghiên cứu ứng dụng, tham mưu cho lãnh đạo và đào tạo. Học viện không có ý nghĩa là viện hàn lâm, mà có ý nghĩa thực tiễn là học để làm lợi ích cho công ty, giúp công ty luôn có hướng phát triển mới.

Ngành xây dựng là ngành thay đổi chậm nói chung trên thế giới, sản phẩm không có hàm lượng công nghệ cao. Lịch sử ngành xây dựng năng suất tăng không nhiều, phần lớn là vì tỷ lệ lợi nhuận tương đối thấp cho nên rất ít công ty chịu đầu tư vào lĩnh vực R&D. Ngành xây dựng Việt Nam phát triển tương đối nhanh trên mọi mặt trong vòng 20 năm qua từ một điểm xuất phát thấp. Nhưng đến nay vài công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Hoà Bình đã bắt kịp các đàn anh trong khu vực từ kỹ thuật đến giá thành, giữ vị trí tuyệt đối cạnh tranh trên sân nhà.

“To thuyền thì to sóng”, thách thức để tồn tại và để phát triển bền vững ngày càng lớn, những doanh nghiệp dẫn đầu không những phải nỗ lực hơn nữa mà phải nỗ lực một cách thông minh nhạy bén, muốn như vậy phải liên tục chủ động quan sát, học hỏi một cách có hệ thống, luôn tìm tòi, tái tạo không chỉ trong kỹ thuật, mà cả trong quản lý công trình, quản trị doanh nghiệp.

Mục tiêu của Học viện là giúp cho Hoà Bình nghiên cứu các thành quả của thế giới trong xây dựng, sử dụng cái gì mới nhất mà thế giới đang có. Chỉ cần học cách làm mới, hoặc từ quan sát cách người ta đang làm, áp dụng và cải tiến cái mình đang làm. Bởi tính cạnh tranh dựa trên hai điểm: làm cái mà thiên hạ đang làm nhưng làm tốt hơn, và làm cái mới chưa ai làm, muốn thế, phải nghiên cứu thế giới đang làm gì để chắt lọc ra cái thích hợp cho mình.

Để có thể vẽ ra bức tranh toàn cảnh của ngành xây dựng, trong nghiên cứu ứng dụng, chúng tôi tận dụng những gì thiên hạ đã có qua kết nối chiến lược với các cá nhân trong ngành hoặc ngành có liên quan, những đại học có bộ phận nghiên cứu liên quan ở các nước tiên tiến trên thế giới. Thậm chí thông qua các hiệp hội doanh nghiệp ở các nước tiên tiến, bởi họ là bộ phận tư vấn quan trọng nhất về kỹ thuật, phương pháp quản lý tiên tiến cho các hội viên của họ một cách chuyên nghiệp. Nghĩa là biến lực người khác thành thế mạnh của mình mà không cần đầu tư to lớn.

Từ những kiến thức đã sàng lọc này, chúng tôi sẽ xây dựng những giáo trình riêng, chắt lọc tinh hoa thế giới để đào tạo cho cán bộ công nhân viên của mình. Chính vì Học viện cũng là một bộ phận tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo, cho nhân viên cấp quản lý cho nên khi doanh nghiệp lúng túng với các nhu cầu cần đổi mới nhưng không biết phải làm sao thì Học viện sẽ là tai mắt thường xuyên của doanh nghiệp để tìm câu trả lời và giải pháp đúng đắn.

Được biết 20 năm trước, ông cũng giúp cho Việt Nam thành lập Học viện ngân hàng nhờ mối quan hệ quốc tế của mình?

Ông Trần Sĩ Chương: Lúc làm cuộc khảo sát thành phần kinh tế tư nhân vào năm 1996, với trên 100 doanh nghiệp trong nước, gồm cả các ngân hàng thương mại được thành lập chỉ trước đó vài năm, đoàn nghiên cứu chúng tôi nhận thấy có rất ít người có kinh nghiệm điều hành hoạt động ngân hàng theo chuẩn quốc tế. Cho nên trong báo cáo nghiên cứu của mình, chúng tôi đã đề xuất thành lập Học viện ngân hàng với sự tài trợ và hướng dẫn của World Bank/IFC. 

Các ngân hàng thành viên của Học viện đều được cử người đi học, nhờ đó ngân hàng Việt Nam đã xây dựng được những chuẩn mực quốc tế trong tổ chức quản trị và điều hành, từ thiết kế các bộ phận an ninh, cho tới việc đào tạo nhân viên giao dịch, tỉ mỉ chặt chẽ trong hệ thống từ cấp thấp đến cấp cao để đặt nền móng cho hoạt động ngân hàng chuẩn mực.

Có hai ngành kinh tế quan trọng nhất đòi hỏi quản trị phải rất chặt chẽ, đó là ngành hàng không và ngân hàng, nếu không đạt chuẩn, rủi ro sự cố sẽ rất lớn.

Mới đây trong một chuyến công tác qua Úc chúng tôi đã gặp và thảo luận với đại học RMIT ở Melbourne để kết nối những kết quả nghiên cứu của họ trong ngành xây dựng và quản lý dự án. Đổi lại, khi họ mở những khoá đào tạo về xây dựng ở Việt Nam, Hoà Bình sẽ hỗ trợ từ việc xây dựng giáo trình, tham gia giảng dạy một phần và tạo cơ hội để sinh viên được thực tập trong các công trình của Hoà Bình.

Hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học là một xu thế toàn cầu. Tại sao Google, Apples, Silicon Valley ở ngay các làng đại học, vì họ muốn tận dụng ngay những nghiên cứu của các đại học. Chính doanh nghiệp mới tạo giá trị cho các đại học, doanh nghiệp là nơi nói cho đại học biết doanh nghiệp và xã hội đang cần gì. Mối tương tác giữa đại học và doanh nghiệp là bắt buộc, tuy nhiên đó là sự thiếu hụt của Việt Nam hiện giờ. Nếu doanh nghiệp không mạnh dạn ủng hộ đại học thì đại học không đủ lực làm nghiên cứu.

Ngay Đại học Bách Khoa, nguồn cung lớn cho Hoà Bình về nguồn nhân lực nhưng Hoà Bình cũng chỉ mới hỗ trợ học bổng, phòng ốc, chứ cũng chưa có một đặt hàng nghiên cứu nào cụ thể cả. Thành thử qua mô hình học viện này, chúng tôi cũng muốn xây dựng mối tương tác với các đại học. Đầu tiên là kết nối với các đại học nước ngoài, sau đó mời gọi người tài của các đại học quốc tế về chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên Việt Nam, tham gia các hội thảo quốc tế, tận dụng nguồn kiến thức sẵn có của họ trong xây dựng, công nghệ, quản trị... để nâng cao vốn kiến thức cho đại học ở Việt Nam và đồng thời khẳng định thương hiệu quốc tế cho Hoà Bình.

R&D chính là con đường để doanh nghiệp bước ra thế giới. Các công ty trong nước đã mạnh dạn đầu tư vào R&D sẽ tiến xa và nhanh hơn nữa nhờ vào thế mạnh các viện nghiên cứu của họ, nơi tập hợp những nguồn lực tinh hoa trong và ngoài nước.