CII giảm lãi vì vay nợ hơn 17.000 tỷ đồng

Trần Anh - 15:39, 07/05/2021

TheLEADERTính đến cuối quý 1/2021, tổng dư nợ của CII vượt 17.000 tỷ đồng khiến chi phí tài chính tăng cao, 286 tỷ đồng và ăn mòn gần hết lợi nhuận của công ty.

Trong quý 1/2021, công ty đầu tư kỹ thuật hạ tầng TP HCM (CII) ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp đôi đạt 963 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 48 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận CII sụt giảm mạnh và mới chỉ đạt phần nhỏ kế hoạch năm của CII do các dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mở rộng xa lộ Hà Nội bắt đầu thu phí muộn hơn dự kiến. Dự án quan trọng là BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến bắt đầu thu phí từ quý 4/2021.

Là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, những năm gần đây hoạt động của CII gặp khó khăn khi các dự án BT, BOT ngày càng khó triển khai. Việc sử dụng đòn bẩy cao trong các dự án hạ tầng quy mô hàng chục ngàn tỷ đồng càng khiến tình hình tài chính của CII thêm khó khăn.

Trong quý 1, riêng chi phí tài chính của CII đã đạt 286 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, qua đó ăn mòn lợi nhuận của công ty.

Bên cạnh đó, CII cho biết lợi nhuận giảm chủ yếu do cùng kỳ năm trước phát sinh lãi từ chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính với giá trị lớn mà kỳ này không phát sinh. Trong quý 1/2020, CII ghi nhận 401 tỷ đồng lãi tài chính từ việc chuyển nhượng cổ phần trong các dự án/công ty con. Sang đến năm nay, công ty không còn khoản thoái vốn tài chính nào tương tự.

Năm 2021, CII lên kế hoạch doanh thu 6.700 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm ngoái; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 615 tỷ đồng, tăng 25%. Như vậy, sau quý 1, CII mới thực hiện được 14,3% kế hoạch doanh thu và 0,7% kế hoạch lợi nhuận.

Trong khi đó, quy mô nợ của CII ngày một phình to. tính đến cuối quý 1/2021, tổng dư nợ của CII đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 10%. Trong đó, vay ngắn hạn là 4.365 tỷ đồng và vay dài hạn 12.717 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của công ty lên tới 2,1 lần.

Để xử lý vấn đề vay nợ cao, tại Đại hội cổ đông mới diễn ra, ban lãnh đạo CII cho biết đang làm việc với các tổ chức tài chính lớn trong nước để nghiên cứu phát triển các sản phẩm đầu tư tài chính an toàn trên nền tảng fintech nhằm mục tiêu tái cấu trúc toàn diện dòng tiền tương lai của tất cả các tài sản hiện hữu của công ty.

Theo đó, CII muốn tạo ra một công cụ fintech để người dân có thể dùng tiền nhàn rỗi của mình đầu tư trực tiếp vào dự án BOT thông qua smartphone.

Thông qua sản phẩm này, CII sẽ có thể huy động được nguồn tiền nhàn rỗi rất lớn trong xã hội với chi phí vốn hợp lý hơn, qua đó cũng sẽ giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp đối với các khoản vay tín dụng trong nước.

Tổng số tiền mà CII kỳ vọng thu được từ các sản phẩm trái phiếu đang xây dựng (4 sản phẩm) là 11.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo dự tính nếu làm xong sản phẩm fintech nợ CII sẽ về 0.

“Sản phẩm fintech” mà ban lãnh đạo CII nhắc đến trong ĐHCĐ không có gì khác ngoài một công cụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thay vì phát hành trái phiếu theo cách truyền thống, CII kỳ vọng sẽ xây dựng một ứng dụng mà ở đó, người dân có thể dễ dàng mua bán trái phiếu của công ty.

Hiện CII đang làm việc với 4 ngân hàng có tên tuổi và 15 đơn vị khác gồm công ty chứng khoán, ví điện tử để thực hiện. Bản thân CII sẽ thành lập một công ty fintech, sản phẩm đầu tiên là trái phiếu cho xa lộ Hà Nội.

Ban lãnh đạo CII cũng không giấu tham vọng biến trái phiếu doanh nghiệp được phân phối qua ứng dụng thành một dạng sản phẩm đầu tư. Như vậy, trên báo cáo tài chính, công ty sẽ “sạch bóng” các khoản nợ và cho vay tài chính.