Có hay không lợi ích nhóm trong điều hành xuất khẩu gạo gần đây?

Nhật Hạ - 17:48, 22/04/2020

TheLEADERĐó là câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội nêu ra tại phiên họp thứ 44 của UBTV Quốc hội hôm nay, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ.

Có hay không lợi ích nhóm trong điều hành xuất khẩu gạo gần đây?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp hôm nay. Nguồn ảnh: Trang thông tin của Quốc hội.

Nhận xét về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ vào hôm nay, trong khuôn khổ phiên họp thứ 44, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng báo cáo này vẫn còn một số vấn đề cần nói đậm hơn như những bất thường xung quanh chuyện xuất khẩu gạo thời gian qua.

Cụ thể, “xuất khẩu gạo khó khăn quá, sự lúng túng trong điều hành, quyết định vội vàng gây lãng phí tiền bạc của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đặt câu hỏi, “Vậy vấn đề trách nhiệm ở đâu?”

Báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội nêu rõ, quá trình thực thi điều hành xuất khẩu gạo tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân.

Trước thực tế đó, cơ quan này kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.

Ủy ban kinh tế dẫn chứng việc Tổng cục hải quan mở tờ khai hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 mà không thông báo minh bạch khiến doanh nghiệp bức xúc. Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những hợp đồng đã ký nhưng không mở được tờ khai để xuất khẩu.

Số khác lại gặp tình huống đã có số tờ khai, phân vào luồng đỏ nhưng đến ngày 13/4 lại thấy ngày đăng ký tờ khai lùi về ngày 10/4. Đặc biệt, có hiện tượng doanh nghiệp "ghi danh giữ chỗ" khi chưa tập kết đủ hàng tại cảng dù đã có tờ khai.

Báo cáo nêu rõ, việc phân bổ hạn ngạch thông qua đăng ký hải quan trừ lùi chưa gắn với nghĩa vụ thu mua lúa gạo trong dân, cũng như quy mô, năng lực giao dịch hiệu quả của các doanh nghiệp. Với lượng hàng tồn kho do các hợp đồng đã ký kết, doanh nghiệp phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng, bao bì...

Uỷ ban kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại khi phải bồi thường hợp đồng hoặc tăng chi phí lãi vay, chi phí cho việc lưu kho, bãi do bị ảnh hưởng bởi việc dừng xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không và tuân thủ theo đúng Luật Quản lý ngoại thương hay chưa.

Theo quy định tại Điều 18 Luật Quản lý ngoại thương, việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan về số lượng, khối lượng, phương thức phân giao hạn ngạch xuất, nhập khẩu. Trường hợp tạm dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì cần có giải pháp tổng thể, tránh gây thiệt hại đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Vào hai ngày trước, Thủ tướng đã yêu cầu Thanh tra chính phủ nhập cuộc để làm rõ “Có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực” trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp ngày 20/4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Công thương và Bộ Tài chính "nghiêm túc rút kinh nghiệm" trong phối hợp điều hành xuất khẩu gạo. 

Trước mắt, Phó thủ tướng yêu cầu cho xuất khẩu gạo nếp trở lại và ứng trước 100.000 tấn từ hạn ngạch xuất khẩu tháng 5 để xuất số gạo tồn ở cảng của các doanh nghiệp chưa mở được tờ khai hải quan trong tháng 4.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng này lên tới 143.453 tấn.