Cơ hội từ những đợt IPO mới trên thị trường chứng khoán

Trần Anh - 09:32, 07/02/2022

TheLEADERCông ty Chứng khoán Bản Việt dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt mốc 1.700 điểm vào cuối năm 2022, và có thể lên đến 1.900 điểm vào năm 2023

Trong báo cáo cập nhật triển vọng mới đây, Công ty Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ

Những yếu tố vĩ mô thuận lợi có thể nâng đỡ thị trường như đà phục hồi tính di động trên toàn cầu giúp tăng tốc phục hồi trong du lịch trong nước. Vốn FDI đăng ký mới là chất xúc tác chính cho quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Gói kích thích kinh tế năm 2022 - 2023 phù hợp với mục tiêu và tốc độ giải ngân nhanh và đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, đặc biệt nếu được thúc đẩy với vốn đầu tư nước ngoài. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác đã xác định, cơ sở hạ tầng là điểm nghẽn chính trong sự phát triển của Việt Nam. Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ góp phần tháo gỡ những nút thắt để phát triển kinh tế.

Việc tăng cường những giải pháp giúp tăng tốc khả năng nâng hạng lên phân loại thị trường mới nổi cũng là động lực tăng trưởng lớn của thị trường chứng khoán. Tuy các đánh giá của MSCI và FTSE Russell trong năm 2021 hầu như không thay đổi so với năm 2020, song khuôn khổ được cung cấp bởi luật đầu tư mới và hệ thống giao dịch mới (KRX) sắp triển khai cũng mang lại hy vọng về các tiến triển tích cực.

Bên cạnh đó, cơ hội đầu tư năm 2022 được kỳ vọng đến từ những đợt IPO quy mô đáng kể với mức giá hợp lý, cải thiện độ rộng và chiều sâu của thị trường. Hiện tại, cơ hội đầu tư cho các vị thế lớn trong các cổ phiếu đơn lẻ vẫn còn hạn chế đối với các nhà đầu tư toàn cầu lớn.

Báo cáo của VCSC dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt mốc 1.700 điểm vào cuối năm 2022, và có thể lên đến 1.900 điểm vào năm 2023. VCSC ước tính, P/E trượt theo chỉ số VN-Index mục tiêu năm 2022 là 15,9 lần, phù hợp với mức trung bình kể từ cuối năm 2014 là 15,7 lần và P/E dự phóng 12 tháng tương ứng thấp nhẹ so với mức trung bình là 14,2 lần.

Ở chiều ngược lại, những rủi ro của thị trường có thể đến từ cuộc khủng hoảng y tế kéo dài dẫn đến gián đoạn sản xuất, thương mại và FDI; lạm phát và lãi suất trong nước cao hơn dự kiến, gây áp lực lên định giá và sự tham gia của NĐT cá nhân và các điều kiện thắt chặt hơn trên thị trường toàn cầu làm hạn chế các lựa chọn tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài của các công ty Việt Nam.

Những căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam và các chính sách không thuận lợi như dự kiến cũng sẽ là yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Với các nhóm ngành triển vọng, VCSC nhận định các nhóm cổ phiếu ngân hàng và ngành tiêu dùng thiết yếu với những tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Cụ thể, các ngân hàng sẽ là một nhân tố quan trọng trong diễn biến của chỉ số chung. Mặc dù nhóm cổ phiếu ngân hàng (chiếm hơn 30% chỉ số) có diễn biến kém tích cực trong 6 tháng cuối năm 2021 do làn sóng dịch Covid-19 thứ tư làm gia tăng các bất ổn về chất lượng tài sản và lợi nhuận, song VCSC vẫn tin rằng các ngân hàng có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và xử lý các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19. Nhóm phân tích dự báo lợi nhuận của nhóm ngân hàng sẽ tăng trưởng 31% trong năm 2022, từ đó hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu.

Tương tự như ngân hàng, ngành tiêu dùng cũng có những diễn biến kém tích cực so với thị trường chung trong năm 2021 do tác động tiêu cực của thị trường lao động đến thu nhập hộ gia đình, qua đó đã làm giảm sức tiêu dùng. Tuy nhiên, VCSC cho rằng việc tái mở cửa và phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực đến thị trường lao động và thu nhập hộ gia đình, cải thiện triển vọng tiêu dùng giai đoạn 2022-2023.