Công ty chứng khoán đua tăng vốn

Trần Anh - 17:04, 26/11/2023

TheLEADERViệc các công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn thời gian qua, bất chấp những khó khăn của kinh tế và thị trường phần nào phản ánh tiềm năng to lớn của ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Nếu được thông qua và thực hiện thành công, vốn điều lệ của SSI sẽ tăng từ 15.011 tỷ đồng lên 19.544 tỷ đồng. 

Số tiền thu từ đợt chào bán dự kiến sẽ được dùng bổ sung cho hoạt động đầu tư và cho vay ký quỹ. Đến cuối tháng 9, SSI đang cho vay ký quỹ gần 15.000 tỷ đồng, là một trong những công ty chứng khoán cho vay lớn nhất trên thị trường.

Trước đó, Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) dự kiến trình cổ đông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ gấp gần 16 lần, từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng.

Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán này dự kiến là 3.638 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho hoạt động đầu tư tự doanh; 200 tỷ đồng để mở rộng mạng lưới chi nhánh của công ty và 2.938 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và các dịch vụ kinh doanh chứng khoán khác.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) vừa nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là ngân hàng mẹ ACB.

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc ACBS chia sẻ, việc tăng vốn của ACBS lần này là một bước đi cần thiết để mở rộng quy mô và nâng cao vị thế của công ty trong ngành chứng khoán.

Việc ACBS được tăng vốn điều lệ lên sẽ giúp cho công ty tiếp cận được đa dạng các nguồn vốn đến từ các ngân hàng và đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài, ông Hoàn cho biết.

Cũng tăng vốn từ ngân hàng mẹ, trong quý 2/2023, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) đã hoàn tất chào bán 105 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 95.000 đồng/cổ phiếu cho Techcombank. 

Sau đợt chào bán, công ty thu về hơn 10.000 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ từ gần 1.127 tỷ đồng lên 2.177 tỷ đồng. Quy mô vốn chủ sở hữu của TCBS cũng tăng lên hơn 22.000 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Đầu tháng 10/2023, Công ty Chứng khoán HD (HDS) đã thông qua phương án chi tiết phát hành hơn 67,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đợt tăng vốn dự kiến hoàn tất trong quý 4/2023 và quý 1/2024, giúp nâng vốn điều lệ HDS từ 1.023 tỷ đồng lên gần 1.700 tỷ đồng.

Với mức giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu, công ty dự kiến thu về gần 1.000 tỷ đồng. Khoảng 80% số tiền được dành cho các hoạt động vay ký quỹ, ứng tiền và bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động tự doanh; phần còn lại dành cho đầu tư hạ tầng công nghệ.

Cùng thời điểm với HDS, Công ty Chứng khoán DSC cũng tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.048 tỷ đồng. DSC cũng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, là các công ty lớn, định chế tài chính lớn hoặc cá nhân trong nước và nước ngoài đảm bảo điều kiện đầu tư tại Việt Nam.

Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, việc các công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn phần nào phản ánh tiềm năng của ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Hiện tại, tỷ lệ nhà đầu tư trên toàn dân số ở Việt Nam chưa tới 7%, thấp hơn so với mức 7,5% ở Thái Lan và mức 12,5% tại Malaysia. Ngoài ra, thu nhập khả dụng của hộ gia đình tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, cho thấy nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm tài chính cũng như nguồn thu của các công ty môi giới.

Chính phủ Việt Nam cũng đang thực hiện các bước hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực chứng khoán (hệ thống giao dịch mới do KRX phát triển). Với tất cả những yếu tố này kết hợp lại, chúng tôi tin rằng triển vọng của lĩnh vực dịch vụ tài chính Việt Nam vẫn tồn tại nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác hết.

Mặt khác, sau giai đoạn thắt chặt tiền tệ, Chính phủ đã có những thay đổi trong chính sách tài khóa, với những dấu hiệu cho thấy hoạt động nới lỏng trở lại. Theo VNDirect, lĩnh vực chứng khoán sẽ là đại diện tốt nhất cho sự hồi sinh của thị trường.

Cụ thể, các công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng vốn quay lại thị trường. Mặt khác, với lãi suất huy động giảm, hoạt động cho vay ký quỹ nhộn nhịp hơn, các công ty dịch vụ tài chính có tiềm năng tăng trưởng cho vay ký quỹ. Cuối cùng, hiệu suất từ hoạt động tự doanh cũng sẽ tốt hơn cùng với đà phục hồi của thị trường.