Của để dành 16 nghìn tỷ của Thành Thành Công tại Tiền Giang

Nguyễn Cảnh - 08:51, 22/05/2021

TheLEADERSau nhiều năm chuẩn bị, hai dự án điện gió quy mô gần 16.000 tỷ đồng tại Tiền Giang do Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công thai nghén vẫn chưa thể thành hình.

Của để dành 16 nghìn tỷ của Thành Thành Công tại Tiền Giang
Kế hoạch đầu tư năng lượng của TTC Group tại Tiền Giang của doanh nhân Đặng Văn Thành vẫn gặp nhiều trở ngại. Ảnh minh họa.

Ít lâu sau khi Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công – TTC Group (thông qua Công ty CP Năng lượng điện gió Tiền Giang) lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và gửi tới cơ quan chức năng, Bộ Công thương đã có ý kiến về dự án điện gió Tân Thành (247MW) và Tân Điền (99MW).

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát danh mục các dự án điện gió, ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Công thương cho biết một số vấn đề xoay quanh 2 dự án này.

Theo hồ sơ, vị trí dự án điện gió Tân Điền (như đề xuất) bao trùm cửa sông Soài Rạp, sẽ ảnh hưởng đến luồng tàu ra giữa sông và biển. Do đó, UBND tỉnh Tiền Giang cần chịu trách nhiệm rà soát lựa chọn vị trí phát triển điện gió để phù hợp, không ảnh hưởng đến các ngành khác như giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, khu vực huyện Tân Phú Đông đã được Thủ tướng bổ sung quy hoạch dự án điện gió Tân Phú Đông, công suất 150MW đấu nối bằng đường dây mạch kép về trạm 110kV Gò Công. 

Theo tính toán, khu vực này có khả năng giải tỏa khoảng 200MW điện gió với cấu hình lưới điện 110kV hiện hữu.

Bộ Công thương cho rằng, có thể giải tỏa dự án điện gió Tân Thành 1 với quy mô 50MW đấu nối vào trạm 110kV điện gió Tân Phú Đông, các giai đoạn sau của dự án điện gió Tân Thành và Tân Điền (với tổng quy mô lên đến 346MW như nêu trên) cần được đấu nối ở cấp điện áp 220kV để đảm bảo giải tỏa công suất.

Trước đó, tỉnh Tiền Giang gửi văn bản tới Bộ Công thương với nội dung trình phê duyệt bổ sung hai dự án nêu trên (đều ở huyện Gò Công Đông) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. 

Cụ thể, nhà máy điện gió Tân Thành (tại xã Tân Thành) gồm các nhà máy Tân Thành 1,2,3 với công suất dự kiến 247MW, tổng mức đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng (trong đó vốn vay thương mại 70%). 

Nhà máy điện gió Tân Điền (99MW, dự kiến vận hành năm 2021) dự kiến xây dựng tại khu vực bờ biển với diện tích khảo sát khoảng 1.300ha, tổng mức đầu tư khoảng 4.600 tỷ đồng. 

Cả hai dự án đều do Công ty CP năng lượng điện gió Tiền Giang hợp đồng lập quy hoạch với Công ty TNHH Kỹ thuật ứng dụng Việt Nam.

Tháng 10/2018, Công ty CP Điện gió Mê Kông được tỉnh chấp thuận chủ trương lắp đặt các trụ đo gió tại xã Tân Thành và Tân Điền thuộc huyện Gò Công Đông, đồng thời nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh về quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn.

Chừng 7 tháng sau, TTC Group thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Năng lượng điện gió Tiền Giang để triển khai dự án. 

Công ty CP Điện gió Mê Kông và Công ty CP Năng lượng điện gió Tiền Giang đều là đơn vị trực thuộc TTC Group, thành lập ra để triển khai các dự án năng lượng.

Đồng thời, đề nghị của TTC về việc cho phép chuyển đổi pháp nhân lắp đặt 2 trụ đo gió (tại 2 xã Tân Điền và Tân Thành) từ Công ty CP Điện gió Mê Kông sang Công ty CP Năng lượng điện gió Tiền Giang (để có cơ sở lập hồ sơ, đề xuất UBND tỉnh xem xét, trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch dự án) đã được UBND tỉnh chấp thuận từ giữa 2019.

Trong một diễn biến liên quan, vài tháng trước, dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 và điện gió Tân Phú Đông 2 (tổng vốn đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng) đã được tỉnh Tiền Giang trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho TTC Group của doanh nhân Đặng Văn Thành.

Thành lập vào tháng 10/2018, Công ty CP Năng lượng điện gió Tiền Giang do ông Nguyễn Phong Phú làm Chủ tịch hội đồng quản trị. Công ty này vừa điều chỉnh giảm vốn điều lệ từ 890 tỷ đồng xuống còn 490 tỷ đồng.

Công ty CP Năng lượng điện gió Tiền Giang là thành viên của Công ty CP Điện Gia Lai (GEG) - công ty hạt nhân trong mảng năng lượng của TTC.

Trong năm 2021, GEG cho biết sẽ khởi động hàng loạt hoạt động liên quan đến phát triển và mở rộng danh mục điện gió. 

Tại GEG, doanh nhân Đặng Văn Thành và TTC Group đang là cổ đông lớn với hơn 20% tỷ lệ nắm giữ cổ phần.