Đã hết thời bếp trên mây?

Việt Hưng - 11:33, 16/11/2022

TheLEADERQuyết định đóng cửa bếp trên mây - GrabKitchen gần đây đến từ việc mô hình này không đạt kỳ vọng của Grab, trong bối cảnh công ty này dành mọi sự tập trung cho mục tiêu lợi nhuận.

Grab đã tuyên bố về việc đóng cửa GrabKitchen - mô hình bếp trên mây tại Indonesia vào cuối năm nay. Bếp trên mây từng là một phần của kế hoạch mở rộng mảng giao đồ ăn của Grab, đồng thời đây cũng là công ty tiên phong mô hình này tại Đông Nam Á.

"Quyết định khó khăn này là nỗ lực đảm bảo tính liên tục cho những hoạt động kinh doanh khác của Grab, những hoạt động có tính bền vững đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi và tốc độ tăng trưởng kinh tế của cộng đồng", theo Mayang Schreiber - Giám đốc truyền thông của Grab tại Indonesia.

Việc đóng cửa mảng kinh doanh này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 20 nhân viên Grab và các đối tác bán hàng ở 40 địa điểm.

Quyết định đóng cửa bếp trên mây - GrabKitchen đến từ việc mô hình này không đạt kỳ vọng của Grab, trong bối cảnh công ty này dành mọi sự tập trung cho mục tiêu lợi nhuận.

"Qua thời gian, nguồn cung và nhu cầu đã thay đổi. Vì thế, cùng việc chúng tôi chuyển sang mô hình kinh doanh không đòi hỏi nhiều tài sản, chúng tôi quyết định dừng hoạt động GrabKitchen ở Indonesia", phía Grab bình luận.

Đã hết thời bếp trên mây?
Grab tuyên bố về việc đóng cửa GrabKitchen

Trên thế giới, mô hình bếp trên mây còn được gọi là bếp ảo, hay "nhà hàng ma" đang phát triển rất mạnh. Mô hình này tối thiểu hoá sự hiện diện ở mặt vật lý, tối đa hiện diện qua kênh trực tuyến, tập trung vào phần giao hàng qua ứng dụng giao hàng bên thứ ba.

Về cơ bản, bếp trên được đánh giá là mô hình có chi phí đầu tư hiệu quả, do không cần địa điểm đẹp và đầu tư không gian. Vì thế, đây từng được kỳ vọng là một thay thế chi phí thấp đối với mô hình nhà hàng truyền thống.

Bếp trên mây hiện được triển khai rộng khắp ở Mỹ, Châu Âu, Châu Á và hiện tại mô hình này nổi lên như một xu hướng trong ngành F&B. Tại Việt Nam, mô hình bếp trên mây còn khá mới mẻ với sự hiện diện từ GrabKitchen của Grab là tên tuổi lớn duy nhất.

Thời gian qua, trong khi các nhà hàng truyền thống vắng khách vì nhu cầu ăn hàng của người dân không thực hiện được, thì số lượng các căn bếp đám mây chỉ nấu đồ ăn phục vụ giao hàng đã liên tiếp được gia tăng.

Just Kitchen của Đài Loan dự kiến ra mắt bếp trên mây tại Philippines và Malaysia và sau đó là tại Thái Lan. Lộ trình này được vạch ra sau khi công ty mở được 2 cơ sở ở Singapore vào tháng 4 năm nay, nâng tổng số cơ sở ở đây lên 8 căn bếp đám mây.

Đã hết thời bếp trên mây? 1
Just Kitchen của Đài Loan tin tưởng vào mô hình bếp trên mây

Tham vọng của JustKitchen là hướng đến phục vụ 650 triệu người dân Đông Nam Á, nơi các ứng dụng di động cung cấp nhiều loại dịch vụ đang trở thành xu hướng chủ đạo.

Jason Chen - CEO của JustKitchen cho biết: "Khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực giao đồ ăn trên toàn cầu thực sự là Đông Nam Á. Tôi đã tìm kiếm và nghiên cứu mô hình bếp từ năm 2014. Dịch vụ này đang tăng trưởng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái".

CloudEats - một công ty bếp trên mây có trụ sở tại Philippines đã gọi vốn thành công 7 triệu USD để mở rộng quy mô. Hangry - một công ty bếp trên mây ở Indonesia cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng gấp hơn 3 lần trong năm 2021.

"Với ít vấn đề hơn phải giải quyết, khác với Grab khi có quá nhiều dịch vụ, việc tập trung duy nhất vào bếp trên mây sẽ mang lại các kết quả tốt cho các công ty", Roshan Raj Behera - chuyên gia tại Redseer Strategy Consultants chia sẻ.

Hiện Châu Á Thái Bình Dương được kỳ vọng là thị trường bếp trên mây lớn nhất thế giới vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng lên tới 14,4% mỗi năm.