Đại dịch không cản được bước tiến FDI vào Quảng Ninh

Chi Anh - 11:04, 18/12/2021

TheLEADERDù đại dịch Covid-19 khiến cho công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư gặp khó nhưng nhờ cách làm sáng tạo cùng sự đồng lòng và quyết tâm cao, Quảng Ninh vẫn hái được nhiều quả ngọt về thu hút đầu tư trong suốt hai năm qua.

Đại dịch không cản được bước tiến FDI vào Quảng Ninh
Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm và khảo sát một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Duy trì kết nối nhờ công nghệ

Chuẩn bị kết thúc năm 2021, không khí ở một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhộn nhịp hơn hẳn khi đón đoàn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản do ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội) làm trưởng đoàn đã tới thăm và khảo sát.

Đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài ở Việt Nam trong suốt hai năm qua đã khiến công tác thu hút, xúc tiến đầu tư của các địa phương gặp khó. Thế nhưng, với tư duy cởi mở và sự quyết tâm cao, Quảng Ninh vẫn đang ngày càng tiếp cận rộng khắp đến các nhà đầu tư quốc tế.

Ngày 17/12/2021, hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh năm 2021 đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu Hà Nội và Tokyo (Nhật Bản).

Ông Takeo Nakajima đánh giá, việc Quảng Ninh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã thể hiện nỗ lực của tỉnh trong kêu gọi đầu tư.

Trên thực tế, từ khi đại dịch mới diễn ra, Quảng Ninh đã nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến đầu tư khi các doanh nghiệp nước ngoài không thể trực tiếp đến Việt Nam suốt một thời gian dài.

Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp xúc tiến đầu tư linh hoạt, đúng trọng tâm trọng điểm. Thời gian qua, tỉnh này đã tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến; chủ động kết nối, mời gọi với các doanh nghiệp đầu tư FDI đã đầu tư thành công tại Việt Nam đến đầu tư tại địa phương.

Cách đây chỉ hơn một tháng, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư và Văn phòng Kinh tế - văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh với các nhà đầu tư Đài Loan dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tháng 9/2020, Quảng Ninh cùng với Vĩnh Phúc và Nghệ An đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và JETRO tổ chức hội thảo - giao thương trực tuyến giữa Việt Nam và Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp hai nước.

Vào cuối tháng 8/2020, Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2020 với chủ đề “Quảng Ninh 2002 – điểm đến đầu tư” với sự tham gia của 50 CEO tập đoàn lớn Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Đại dịch không cản được bước tiến FDI vào Quảng Ninh
Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản phát biểu ý kiến tại hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh năm 2021

Quảng Ninh vẫn là điểm đến ưu tiên trong bối cảnh đại dịch

Chỉ trong vòng sáu tháng, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định lựa chọn Quảng Ninh để đầu tư hai dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao tại khu công nghiệp Sông Khoai bao gồm dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD khởi động ngày 31/3/2021 và dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD được trao giấy chứng nhận đầu tư dự án ngày 19/9/2021.

Trên thực tế, Jinko Solar Việt Nam đã từng đắn đo điểm đặt nhà máy giữa Malaysia và Việt Nam. Sau khi xét thấy Quảng Ninh đảm bảo các điều kiện về điện, nước, cơ sở hạ tầng cũng như sự cam kết trước những yêu cầu rất khắt khe của nhà đầu tư, doanh nghiệp này đã quyết định lựa chọn Quảng Ninh.

Dù trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ghi nhận nhiều ca F0 với tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn đưa ra các biện pháp quyết liệt để khống chế dịch bệnh nhanh chóng, đồng thời, nỗ lực để đảm bảo các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh được diễn ra an toàn và thuận lợi. Quảng Ninh là một địa phương điển hình trong việc thực hiện thành công mục tiêu kép ở Việt Nam.

Chẳng phải vô cớ mà Quảng Ninh lại ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài đến vậy. Trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quảng Ninh đã tổ chức rất thành công việc đón các chuyến bay đưa các chuyên gia và kỹ sư nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp được ổn định trong tình hình dịch bệnh. Qua đó, càng làm sâu sắc và gắn bó mối quan hệ giữa Quảng Ninh và các đối tác.

Nhờ sở hữu một bộ máy chính quyền cầu thị, luôn lắng nghe và không ngừng đổi mới, tỉnh Quảng Ninh cũng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư khi thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược liên quan đến cải cách hành chính, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Giữa năm nay, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ra mắt Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư (Investor Care) do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng phụ trách công tác đầu tư; thành lập các tổ công tác riêng để hỗ trợ một số dự án đầu tư trọng điểm. Các tổ công tác chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các dự án sớm đi vào sản xuất kinh doanh.

Trong các bổi hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài không ngừng cũng bày tỏ ấn tượng với nỗ lực của chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến kêu gọi đầu tư trong thời gian qua.

Quảng Ninh là một địa phương không ngừng cải thiện trường môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển. Cũng nhờ vậy mà trong nhiều năm liền, tỉnh này luôn đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.

Đại dịch không cản được bước tiến FDI vào Quảng Ninh 1
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn khẳng định, Quảng Ninh còn nhiều dư địa để kêu gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên

Quảng Ninh cũng không ngừng tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Đáng chú ý, chỉ trong 5 năm gần đây, tỉnh này đã tạo nên những công trình hiện đại bậc nhất cả nước như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ba dự án trọng điểm gồm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và cầu Cửa Lục 1 cũng đang được triển khai quyết liệt, chạy nước rút để đưa vào hoạt động trong năm nay.

Bên cạnh đó, những chính sách của tỉnh Quảng Ninh trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng trong bối cảnh mới cũng là một yếu tố quan trọng giúp Quảng Ninh thu hút được các nhà đầu tư.

Số liệu cho thấy, năm 2020, tỉnh Quảng Ninh thực hiện cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, tổng mức đầu tư đăng ký 24.109 tỷ đồng, tăng 55,5% so với cùng kỳ.

Chuẩn bị kết thúc năm 2021, tổng vốn thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách của Quảng Ninh đạt trên 360 nghìn tỉ đồng. Trong đó, thu hút FDI thế hệ mới năm nay có bước đột phá, đạt trên 1 tỉ USD, gấp 2,67 lần so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn khẳng định, Quảng Ninh còn nhiều dư địa để kêu gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điện tử viễn thông, dược phẩm, phát triển khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật số, các nhóm ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên và Móng Cái.