Kiểu dáng công nghiệp đẹp chính là tài sản của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng giá trị thương mại của công ty và giá trị sản phẩm. Vậy doanh nghiệp cần phải làm gì để đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp?
Ở hầu hết các nước, doanh nghiệp phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp để được bảo hộ theo pháp luật kiểu dáng công nghiệp. Để đăng ký kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp phải nộp đơn đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp quốc gia (hoặc khu vực) của nước (hoặc khu vực) mà doanh nghiệp muốn nhận được sự bảo hộ.
Khi kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thông qua đăng ký, chủ sở hữu được cấp độc quyền chống lại việc sao chép và bắt chước trái phép của bên thứ ba. Quyền này bao gồm quyền ngăn cấm tất cả những người khác sản xuất, chào bán, nhập khẩu, xuất khẩu và bán hàng hóa bất kỳ chứa hoặc sử dụng kiểu dáng đã được đăng ký. Pháp luật và thực tiễn của mỗi quốc gia và khu vực sẽ xác định phạm vi bảo hộ thực tế của quyền đối với kiểu dáng đã được đăng ký.
Quy trình đăng ký
Để đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở phạm vi quốc gia, doanh nghiệp thường phải thực hiện một số bước sau:
Đầu tiên, doanh nghiệp cần phải điền vào tờ đơn đăng ký nhận được từ cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp quốc gia. Doanh nghiệp cũng sẽ được yêu cầu cung cấp những hình vẽ và/hoặc hình ảnh về kiểu dáng trong đơn đăng ký (các định dạng chuẩn thường được quy định).
Ở một số nước, doanh nghiệp cũng sẽ phải nộp một bản mô tả hoặc tuyên bố về tính mới của kiểu dáng công nghiệp. Thông thường, đó phải là bản mô tả về kiểu dáng công nghiệp chứ không phải bản mô tả về sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp. Đây phải là bản mô tả trình bày một cách chính xác và đầy đủ về sự khác biệt của kiểu dáng công nghiệp này so với mọi các kiểu dáng tương tự hoặc đã có trước đây. Đồng thời, bản mô tả phải chứa tất cả những đặc điểm mỹ thuật có khả năng phân biệt và phải mô tả được đâu là những đặc điểm nào quan trọng nhất của kiểu dáng.
Ở một số nước, thẩm định viên có thể yêu cầu doanh nghiệp nộp mẫu kiểu dáng để có thể có cảm nhận tốt hơn về hình dạng, chất liệu và kết cấu của kiểu dáng đó.Và cuối cùng doanh nghiệp đóng một khoản phí nộp đơn theo quy định.
Doanh nghiệp có thể thuê một đại diện sở hữu công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nộp đơn và theo đuổi đơn trong toàn bộ quá trình đăng ký. Nếu chọn cách này, doanh nghiệp cần phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp một tài liệu xác nhận doanh nghiệp đã ủy quyền cho đại diện sở hữu công nghiệp.
Một số cơ quan sẽ đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho doanh nghiệp ngay sau khi tiến hành thẩm định về thủ tục hành chính. Những cơ quan khác có thể sẽ thẩm định tính mới và/hoặc tính nguyên gốc của kiểu dáng trên cơ sở so sánh với các kiểu dáng đã có trong Sổ đăng bạ. Ngày càng có nhiều cơ quan bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp mà không thẩm định tính mới và/hoặc tính nguyên gốc.
Sau khi được đăng ký, kiểu dáng sẽ được ghi vào trong Sổ đăng bạ kiểu dáng công nghiệp quốc gia, được công bố trên công báo/tạp chí/bản tin về kiểu dáng công nghiệp chính thức và được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Ở một số quốc gia và khu vực, doanh nghiệp có thể yêu cầu hoãn công bố. Theo đó, kiểu dáng sẽ được giữ bí mật trong một thời hạn nhất định để phục vụ những lý do kinh doanh mang tính chiến lược của doanh nghiệp.
Mỗi quốc gia lại có thời hạn bảo hộ khác nhau đối với kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký, thường tối thiểu là 10 năm (ví dụ: ở Hoa Kỳ là 14 năm và ở Liên minh châu Âu là 25 năm). Ở một số quốc gia, chủ sở hữu được yêu cầu gia hạn bảo hộ kiểu dáng vài năm một lần.
Nhìn chung, người sáng tạo kiểu dáng và người sử dụng lao động (trong trường hợp người lao động thực hiện công việc sáng tạo kiểu dáng theo hợp đồng) là những người có quyền nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Người nộp đơn có thể là thể nhân (ví dụ, người sáng tạo ra kiểu dáng) hoặc pháp nhân (ví dụ, công ty). Doanh nghiệp có thể nộp đơn trực tiếp hoặc thông qua đại diện sở hữu công nghiệp. Nếu doanh nghiệp nộp đơn đăng ký từ nước ngoài, doanh nghiệp có thể sẽ được yêu cầu sử dụng đại diện sở hữu công nghiệp ở nước mà doanh nghiệp muốn nộp đơn.
Kiểu dáng công nghiệp chưa đăng ký
Khi đăng ký kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến Liên minh châu Âu, vì gần đây pháp luật của khu vực này đã quy định rằng các kiểu dáng công nghiệp chưa đăng ký sẽ được bảo hộ giới hạn trong vòng 3 năm kể từ ngày kiểu dáng đó được công bố tại Liên minh châu Âu.
Để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ với mức độ cao hơn và lâu hơn thì doanh nghiệp cần đăng ký kiểu dáng đầy đủ. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chưa đăng ký tạo điều kiện cho các công ty kiểm tra những sản phẩm của họ trên thị trường trước khi tiêu tốn công sức và tiền bạc vào việc đăng ký những kiểu dáng rất có thể sẽ không thành công trên thị trường. Ngoài ra, một số kiểu dáng có thể sẽ chỉ được tiếp thị trên thị trường trong một thời gian rất ngắn và doanh nghiệp không có ý định đăng ký các kiểu dáng đó, đặc biệt là trong ngành công nghiệp thời trang.
Bảo hộ kiểu dáng thông qua quyền tác giả
Mỗi quốc gia lại có nhiều cách thức khác nhau để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Tùy thuộc vào pháp luật của từng quốc gia cụ thể và loại kiểu dáng, một trong số những cách thức bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là theo pháp luật về quyền tác giả.
Nhìn chung, quyền tác giả tạo ra độc quyền cho các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Do ở một số nước, kiểu dáng có thể được coi là tác phẩm nghệ thuật hoặc tác phẩm ứng dụng nên các kiểu dáng này có thể được bảo hộ theo quyền tác giả và đây là một sự lựa chọn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Bảo hộ kiểu dáng thông qua nhãn hiệu
Còn với một số quốc gia, nếu kiểu dáng công nghiệp có chức năng như một nhãn hiệu trên thị trường thì nó có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu ba chiều. Điều này có thể diễn ra nếu hình dáng hoặc bao bì của sản phẩm đã trở thành đặc điểm có tính phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này đối với sản phẩm của một doanh nghiệp khác.
Cạnh tranh không lành mạnh
Ở nhiều nước, kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo hộ theo pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh để chống lại những hành vi sao chép không có tính sáng tạo, những hành vi có thể gây nhầm lẫn và những hành vi bắt chước, sử dụng uy tín của bên thứ ba, v.v... Tuy nhiên, pháp luật chống cạnh tranh nhìn chung có mức độ bảo hộ yếu hơn và những hành vi xâm phạm cũng khó có thể chứng minh hơn.
Ngoài logo, hình dáng của chai Coca-Cola cũng góp một phần không nhỏ trong việc khiến người tiêu dùng nhớ đến thương hiệu này. Đây là một trong những ví dụ điển hình về kiểu dáng công nghiệp giúp nâng tầm thương hiệu của sản phẩm.
Ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam đã được đăng ký bảo hộ và được biết đến rộng rãi ở nước ngoài, nhưng cùng với đó là những bài học về việc mất các tài sản trí tuệ do chậm đăng ký, thủ tục rườm rà, nhiều hàng giả hàng nhái kiểu dáng tràn lan trên thị trường nước ngoài khiến sản phẩm Việt gặp rất nhiều khó khăn.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.