Đằng sau động thái đóng cửa loạt phòng giao dịch của VietinBank
Việt Hưng
Thứ năm, 22/05/2025 - 14:51
Nghe audio
0:00
Tới đây, VietinBank sẽ còn tiếp tục cắt giảm hàng trăm phòng giao dịch trên cả nước, chuẩn bị cho cuộc "thay da đổi thịt" trong nhóm ngân hàng Big4.
VietinBank sẽ đóng hàng trăm phòng giao dịch
Tháng 5 này, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank đã thông báo chấm dứt hoạt động hàng loạt phòng giao dịch trên cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam.
Chỉ trong một thời gian ngắn, 7 phòng giao dịch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh, Huế và Gia Lai đã chính thức ngừng hoạt động, tiếp nối thông báo đóng cửa 25 phòng giao dịch khác vào cuối tháng 3/2025.
Đóng cửa phòng giao dịch là một phần trong chiến lược tái cơ cấu mạng lưới giao dịch đã được ngân hàng hoạch định từ trước, với mục tiêu trọng tâm là dồn nguồn lực cho chuyển đổi số toàn diện.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra vào tháng 4, Chủ tịch Trần Minh Bình đã thẳng thắn tiết lộ về quyết tâm của VietinBank trong việc trở thành ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 thực hiện cắt giảm hàng loạt điểm giao dịch vật lý.
"Dự kiến sẽ có vài trăm điểm giao dịch bị cắt giảm, được thay thế bằng ứng dụng và các nền tảng số hiện đại hơn, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa vận hành", ông Bình nhấn mạnh.
Chiến lược tinh gọn này không chỉ hướng tới việc tăng cường hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí mà còn là một phần không thể thiếu trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của VietinBank.
Trong suốt hai năm qua, VietinBank đã âm thầm chuẩn bị cho cuộc "thay da đổi thịt" này. Theo chia sẻ của Chủ tịch Trần Minh Bình, ngân hàng hiện đang triển khai gần 108 dự án chuyển đổi số với sự tư vấn từ các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế, tập trung vào hai nhóm chính: nâng cấp hoạt động kinh doanh cốt lõi và thay đổi mô hình ngân hàng một cách căn bản.
Đáng chú ý, trong hai năm gần đây, VietinBank gần như không tuyển dụng cho các hoạt động kinh doanh truyền thống, mà thay vào đó là tìm kiếm và thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với kế hoạch tăng số lượng nhân sự mảng này từ 300 lên gần 1.000 người trong năm 2025.
VietinBank dự kiến sẽ đóng hàng trăm phòng giao dịch trên cả nước. Ảnh: Hoàng Anh
Thay da đổi thịt từ nỗ lực số hóa
Những nỗ lực trong hành trình chuyển đổi số đã bắt đầu mang lại hiệu quả cho VietinBank. Dấu ấn rõ nét nhất chính là sự tăng tốc triển khai hàng loạt sáng kiến chuyển đổi số toàn diện trong quý I/2025.
Tiếp nối 45 sáng kiến được triển khai từ năm 2024, VietinBank tiếp tục "kích hoạt" thêm 35 sáng kiến mới trong năm nay.
Một trong những thành tựu đáng chú ý là việc VietinBank chính thức ra mắt dịch vụ mở tài khoản thanh toán trực tuyến (eKYC) dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Đây được xem một bước tiến quan trọng, ứng dụng công nghệ hiện đại và bảo mật, giúp doanh nghiệp dễ dàng và nhanh chóng mở tài khoản trên nền tảng số, mà không còn vướng bận thủ tục giấy tờ phức tạp.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2025, những nỗ lực này đã góp phần vào kết quả kinh doanh ấn của VietinBank. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 2.470 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2024.
Dư nợ cho vay đạt 1.800 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6%, vượt trội so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành. Đặc biệt, nguồn vốn CASA của VietinBank đạt 395 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ.
Hiệu quả hoạt động và quản trị chi phí của VietinBank cũng được cải thiện đáng kể, với tỷ lệ CIR giảm xuống 27%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 14.900 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ và tiếp tục giữ vững vị trí cao trong ngành ngân hàng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tăng gần 10% so với quý I/2024. Chất lượng tài sản của VietinBank cũng được kiểm soát tốt, với tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,55%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra và tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì ở mức cao 136,8%.
Tầm nhìn trong kỷ nguyên số
Tại VietinBank, chiến lược chuyển đổi số không chỉ là một dự án đơn lẻ, mà đã trở thành kim chỉ nam, một chiến lược "sống còn" đối với nhà băng này trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt của ngành ngân hàng.
Ông Lê Việt Đức - Giám đốc khối bán lẻ VietinBank cho rằng, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc với hầu hết doanh nghiệp để tồn tại và phát triển.
Để hiện thực hóa chiến lược này một cách toàn diện, VietinBank đã triển khai hàng loạt các sáng kiến nền tảng về công nghệ thông tin, đầu tư mạnh mẽ vào hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, dữ liệu và quản trị rủi ro.
Tuy nhiên, nhà băng cũng nhận thức rõ rằng, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện công nghệ mà còn là sự thay đổi toàn diện về tư duy và văn hóa. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank đã chia sẻ kinh nghiệm đắt giá này, xuất phát từ chính những vướng mắc mà ngân hàng trải qua trong nhiều năm qua.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ thông tin, Giám đốc khối dữ liệu và trí tuệ nhân tạo VietinBank. Ảnh: DN
Dù đã tiên phong hiện đại hóa hệ thống Core Banking từ năm 2017 và đầu tư đáng kể vào số hóa, nhưng những nỗ lực ban đầu vẫn còn rời rạc và chưa tạo ra sự thay đổi văn hóa toàn diện trong toàn hệ thống.
Từ đây, VietinBank đã triển khai đề án chuyển đổi số toàn diện Project X01 từ năm 2023, với mục tiêu thay đổi tư duy, mô hình kinh doanh và phương thức làm việc thông qua ứng dụng công nghệ và dữ liệu.
Trong đó, Chủ tịch Trần Minh Bình trực tiếp tham gia chỉ đạo 108 sáng kiến của Project X01, đồng thời thành lập Văn phòng chuyển đổi số và Nhà máy số, đầu tư xây dựng các Trung tâm tài năng về Data Analytics, Agile, DevOps và API.
Nhờ sự thay đổi về tư duy, văn hóa và phương thức làm việc, cùng với nền tảng công nghệ và dữ liệu sẵn có, VietinBank đã đạt được những thành quả ấn tượng.
Ứng dụng ngân hàng số của VietinBank hiện có hơn 9 triệu khách hàng thường xuyên sử dụng, xử lý hơn 2 tỷ giao dịch trong năm 2024. VietinBank cũng tiên phong trong việc giải ngân khoản vay trực tuyến chỉ trong vòng vài phút, với doanh số giải ngân qua mạng đạt trên 45.000 tỷ đồng từ đầu năm 2025.
Tỷ lệ giao dịch qua kênh điện tử của VietinBank đã đạt mức kỷ lục 99%, cho phép ngân hàng cơ cấu lại mạng lưới phòng giao dịch, giảm bớt ở đô thị và tăng cường ở vùng sâu, vùng xa.
Trải qua 37 năm phát triển, VietinBank đã góp phần tích cực, quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trước bối cảnh chuyển đổi số và thách thức toàn cầu, VietinBank tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, kiến tạo tương lai bền vững và phát triển mạnh mẽ.
Tập đoàn KCN Việt Nam vừa ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với VietinBank, tiến tới hoàn thiện hệ sinh thái, hỗ trợ đa dạng cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong khu công nghiệp.
Thách thức cuối cùng trong hành trình tái cơ cấu của Sacombank nằm ở việc xử lý hơn 600 triệu cổ phiếu STB thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người liên quan.
542m2 đất xen cài do nhà nước quản lý tại số 428-430 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM, chính là "nút thắt" khiến dự án Lancaster Lincoln của Trung Thủy Lancaster bất động nhiều năm qua.
VinFast EC Van, tân binh mới nhất của VinFast vừa ra mắt, đang trở thành tâm điểm của thị trường với thiết kế ghi điểm, trang bị vượt xa xe xăng cùng khả năng “đem tiền về” cho những người chuyên vận chuyển hàng hóa hay kinh doanh dịch vụ.
Với việc bán rẻ hơn 15 - 17% đối thủ cho cùng loại sản phẩm, Nhựa Tiền Phong đã tạo ra doanh thu kỷ lục. Mặc dù vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp lại tăng trưởng chậm hơn nhiều.
Với định hướng Cửa Lò trở thành đô thị du lịch biển trọng điểm vùng Bắc Trung Bộ, một sản phẩm vừa có lợi thế vị trí gần biển, vừa đảm bảo yếu tố pháp lý, thiết kế hiện đại và hệ tiện ích đồng bộ như Pearl Residence đang trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư.