Đằng sau sự 'nhảy múa' của giá vàng

Tuệ Minh - 10:21, 14/03/2022

TheLEADERViệc giá vàng trong nước tăng mạnh, bỏ quá xa giá vàng thế giới, cùng với giá cả “nhảy múa”, chênh lệch chiều mua bán khá cao đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.

Đằng sau sự 'nhảy múa' của giá vàng
Có nhiều yếu tố tác động lên giá vàng trong nước

Trong những ngày đầu tháng 3, câu chuyện về giá vàng làm thị trường tài chính trở nên nóng hơn bao giờ hết do nhiều nhà đầu tư lựa chọn kênh này làm nơi trú ẩn an toàn khi chiến sự Nga – Ukraine “leo thang” khiến áp lực lạm phát tăng cao.

Theo đó, giá vàng tại thị trường Việt Nam tăng mạnh, có thời điểm leo lên tới mức 74,2 triệu đồng/lượng , bỏ xa giá vàng quốc tế quy đổi tới gần 20 triệu đồng/lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là mức chênh lệch “khủng” nhất từ trước đến nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, dù giá vàng đã điều chỉnh về quanh ngưỡng 70 triệu đồng/lượng nhưng mức chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế vẫn ghi nhận ở mức gần 16 triệu đồng/lượng. Thêm vào đó mức chênh mua - bán tại thị trường trong nước cũng ở mức cao 3 triệu đồng/lượng cũng là một trong những yếu tố tạo nên “cơn điên” của giá vàng trong giai đoạn hiện nay.

Từ những diễn biến này, nhiều đã người đặt ra nghi vấn, có hay không chuyện thị trường vàng trong nước đang bị thao túng giá? Việc quyết định giá vàng tăng hay giảm hoàn toàn nằm trong tay của những doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn?

Bởi khi có lực mua nhiều thì họ sẽ tăng giá bán lên cao. Còn khi có nhiều người bán ra thì ngay lập tức giá vàng sẽ quay đầu giảm giá, thậm chí chênh lệch biên độ mua bán cũng do chính các doanh nghiệp tự quyết định, họ có thể kéo dãn hoặc thu hẹp biên độ mỗi khi có biến động lớn để tránh rủi ro.

Hơn nữa, thị trường vàng Việt Nam đang giao dịch phi tập trung, nên chưa có quy định nào về biên độ giá vàng, cơ quan quản lý không thể can thiệp, xử lý dù đang có sự loạn nhịp giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới.

Đưa ra nhận định về đà tăng của giá vàng, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn chiến lược tầu tư của Maybank Investment Bank cho biết, giá vàng đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như việc FED sẽ tăng dần lãi suất, tình hình chiến sự Nga – Ukraine một số quốc gia bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, dòng tiền đã rút dần ra khỏi các kênh đầu tư tiền số, chứng khoán chuyển sang các tài sản an toàn trong đó có vàng.

Cũng theo ông Khánh, giá vàng Việt Nam đã tăng quá đà và vượt đỉnh cũ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước còn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá ngoại tệ. Dù trong thời gian qua tỷ giá được duy trì khá ổn định nhưng vẫn có thể biến động nên phải tính hết mọi khả năng rủi ro. Có thể giá vàng thế giới trong năm nay sẽ quay trở lại mức 2.000 USD/ounce, nhưng nếu chênh lệch giá thu hẹp vì lý do nào đó như chính sách, tỷ giá, cung cầu... thì nhà đầu tư sẽ lỗ nặng.

Ngoài ra, sự chênh lệch của giá vàng còn làm tăng nguy cơ nhập lậu vàng qua biên giới. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu vàng, gần đây nhất là vụ buôn lậu 15kg vàng từ Campuchia về An Giang.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hằng Nga, Phó tổng giám đốc quỹ đầu tư Vietcombank (VCBF) cho biết, vàng là “hầm trú ẩn an toàn” nhưng để có thể trú ẩn được nhà đầu tư phải sở hữu từ trước khủng hoảng, nếu thấy giá vàng tăng lên rồi mới bắt đầu đi mua thì có khả năng cao nhà đầu tư sẽ bị “sụp hầm”.

Trước đó, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) từng đề xuất nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng. Đồng thời kiến nghị cho phép thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế.

Bên cạnh đó, NHNN xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại.