Đánh thuế tiền gửi sẽ trút gánh nặng lên vai ngân hàng

Thạch Miên - 09:21, 23/10/2017

TheLEADERCác ngân hàng có thể phải chấp nhận trả thuế thay cho khách hàng để huy động được tiền gửi.

Mấy ngày vừa qua dư luận xôn xao với đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Một bên cho rằng thuế là phải công bằng, nên mọi nguồn thu nhập phải đánh thuế. Tuy nhiên một luồng ý kiến cho rằng, đánh thuế vào tiền gửi tiết kiệm là tận thu và chưa phù hợp.

Từng bị phản bác

Năm 2013 ông Lê Hoàng Châu chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã đề xuất đánh thuế lãi từ tiền gửi tiết kiệm 500 triệu đồng trở lên. Ông Châu cho rằng những người mang cả trăm tỷ đồng đi gửi ngân hàng mỗi năm họ thu về 10-15 tỷ đồng tiền lãi nhưng hoàn toàn không phải đóng một đồng thuế nào từ khoản lợi tức đầu tư này là vô lý. 

Đáng lưu ý là lượng tiền gửi vào các ngân hàng đa số đến từ nhóm này chiếm tỉ lệ cao. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để đảm bảo bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, tức mọi thu nhập đều phải chịu thuế.

Chúng ta có chắc rằng khi có quy định thu thuế thì 1 tỷ ấy sẽ được chia thành 2-3 sổ tiết kiệm không? Vì không ai cấm một người được quyền có nhiều sổ tiết kiệm và gửi ở nhiều NH khác nhau.

Tiến sĩ Huỳnh Minh Trung

Tuy nhiên đề xuất này chịu sự phản ứng mạnh của dư luận. Mới đây việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm lại được dấy lên. Hầu hết các chuyên gia tài chính cho rằng việc đánh thuế tiền gửi là phù hợp với thông lệ thế giới. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, thừa nhận việc đóng thuế tạo công bằng cho các hoạt động kinh doanh, việc đánh thuế lãi tiền gửi cũng là nguồn bổ sung cho ngân sách đang bội chi và tạo động lực cho các ngân hàng có thể làm ăn tốt hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, đề xuất đánh thuế này nếu áp dụng có thể làm giảm vốn huy động tại ngân hàng vì người gửi sẽ chuyển hướng sang đầu tư các lĩnh vực khác có tỷ lệ lợi suất cao hơn.

Sẽ biến tướng

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính phân tích ở các nước phát triển bất luận cứ có thu nhập là có đánh thuế, kể cả thu nhập tiền gửi. Vì thuế phí ở nước ngoài rất rõ ràng, đi kèm việc đóng thuế người dân cũng được hưởng những quyền lợi, phúc lợi rất cụ thể. Bởi vậy ý thức người dân vào việc đóng thuế họ cho đó là nghĩa vụ phải làm. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều người vẫn tìm mọi cách để tránh, né thuế.

“Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc thu thuế tiền gửi là chưa phù hợp. Cho dù chỉ 5% tiền thuế tính trên lãi khách hàng được hưởng là con số nhỏ”, ông Minh nói.

Theo tiến sĩ Minh, nhiều người cho rằng, chỉ đánh thuế tiền gửi với khoản tiết kiệm từ 1 tỷ đồng trở lên. Nhưng chúng ta có chắc rằng khi có quy định thu thuế thì 1 tỷ ấy sẽ được chia thành 2-3 sổ tiết kiệm không? Vì không ai cấm một người được quyền có nhiều sổ tiết kiệm và gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau. 

Chưa kể đối với những khách hàng có lượng tiền gửi lớn, bao giờ họ cũng sẽ được nhiều ưu đãi. Họ không chỉ được hưởng các dịch vụ chăm sóc khách hàng VIP mà còn được ưu đãi về lãi suất cao hơn. 

Để giữ được khách hàng, nhiều khi các ngân hàng phải đưa ra mức lãi suất gửi tiền cạnh tranh. Trong các trường hợp như vậy, không khéo 5% tiền bị đánh thuế trên cuối cùng ngân hàng lại phải chịu thay cho khách hàng. 

"Nói chung dù dưới hình thức nào thì việc đánh thuế hiện nay chưa phù hợp và không tránh khỏi biến tướng”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang dựa chính vào hệ thống ngân hàng. Chúng ta đang muốn huy động nguồn lực rất lớn trong dân, từ vàng, USD… vào trong ngân hàng để dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế. Vậy không tránh khỏi khả năng lượng tiền gửi sẽ ít đi nếu chúng ta áp dụng biện pháp đánh thuế.

“Với những người có lượng tiền gửi trên 1 tỷ đồng, nhiều khi họ sẽ tính toán tiền mua bất động sản rồi cho cho thuê có lời hơn tiền gửi tiết kiệm hay không? Không khéo lượng tiền lớn thay vì chúng ta huy động được lại chảy vào lĩnh vực khác”, ông Minh băn khoăn.