Đâu là bí kíp để ngành gỗ Việt Nam hoàn thành giấc mơ á quân thế giới?

Quỳnh Như - 12:31, 26/01/2019

TheLEADERNhiều chuyên gia nhìn nhận, mục tiêu trong 6 năm nữa sẽ chiếm ngôi á quân thế giới với doanh thu xuất khẩu 20 tỷ USD của ngành gỗ nội thất Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được.

Có thể nói, năm 2018 là một năm tỏa sáng của ngành gỗ - nội thất của Việt Nam không chỉ bởi hơn 9 tỷ USD mà nó mang lại qua xuất khẩu mà còn bởi lần đầu nó nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cấp Chính phủ.

Chính ngành gỗ đã tự chọn mình làm mũi nhọn và đã đạt được những kết quả vượt bậc”, lời phát biểu này của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khi tham dự Hội thảo “Cơ hội từ thương mại Mỹ - Trung giữa hai làn hiệp định EVFTA/CPTPP và sự hình thành Trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam” do HAWA tổ chức vào tháng 12/2018, đã khái quát đầy đủ tiến trình và phát triển của ngành gỗ - nội thất Việt Nam cho đến thời điểm này.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 ước đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Như vậy, ngành gỗ - nội thất chính thức vượt qua thủy sản (xuất khẩu đạt 9 tỷ USD), trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt tới 7 tỷ USD, đứng đầu các ngành kinh tế xuất khẩu của Việt Nam.

Trong một báo cáo tháng 8/2018 cho thấy, Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, thứ hai châu Á sau Trung Quốc, chiếm 6% thị phần thế giới. Theo nhiệm vụ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt hàng ngành gỗ - nội thất Việt Nam đến năm 2025, mang về cho đất nước doanh thu xuất khẩu 20 tỷ USD, chiếm ngôi vị á quân thế giới.

Mục tiêu giành vị thế vị trí thứ 2 thế giới trong 6 năm nữa của ngành gỗ nội thất Việt có thực thế?
Công nhân đang sản xuất đồ gỗ nội thất tại nhà máy công ty Scansia Pacific.

Tuy nhiên, ngành gỗ - nội thất của Việt Nam không phải toàn màu hồng, chúng ta vẫn chủ yếu gia công xuất khẩu cho các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, chỉ có duy nhất công ty AA là có thể tự xuất khẩu đồ gỗ - nội thất mang thương hiệu riêng của Việt Nam ra nước ngoài, để làm nội thất cho các khách sạn – resort sang trọng trên khắp thế giới.

Hầu hết công nghệ - thứ cốt lõi của ngành sản xuất đều nhập từ bên ngoài. Tay nghề của các thợ thủ công của Việt Nam đã khá tốt nhưng vẫn chưa thể sánh bằng nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Nền công nghệ phụ trợ cho ngành gỗ - nội thất cũng chưa phát triển tốt.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, Việt Nam mới chỉ làm tốt khâu sản xuất – sử dụng công nghệ - phát triển bền vững mà chưa mạnh về mặt thiết kế, phân phối thương mại, thương hiệu nên chỉ mới thu tiền ở thị trường sản xuất trị giá 140 tỷ USD, chưa khai thác tốt vào chuỗi giá trị hàng hóa tiêu dùng 450 tỷ USD.

Sản phẩm của một doanh nghiệp Việt gia công cho các thương hiệu lớn nước ngoài chỉ có giá 5.000 đồng nhưng nếu doanh nghiệp Việt đó tự thiết kế, phân phối bán ra thị trường sẽ thu về 15.000 đồng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà – một người làm lâu năm trong ngành gỗ tại Đà Lạt, thì những con số về xuất khẩu gỗ - nội thất của Việt Nam cần xem lại, trong thời gian gần đây, nhiều người quen của bà do lớn tuổi đã cho thuê lại các cơ sở chế biến gỗ và trong một đợt khảo sát nhỏ của bà, có gần 50% cơ sở chế biến gỗ đã được người Trung Quốc thuê lại.

Thế nên, có thể nói, mục tiêu đứng thứ 2 thế giới và xuất khẩu 20 tỷ USD trong 6 năm nữa vô cùng thách thức. Chưa nói, nếu không cẩn thận, sẽ như lo lắng của bà Hà, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ có 50% ruột Việt Nam và 50% ruột Trung Quốc.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Tiến – Ủy viên thường vụ của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), về những thuận lợi, thách thức của ngành gỗ - nội thất trong năm 2019 và những định hướng của ngành này để đạt được mục tiêu đứng top 2 thế giới.

Đâu là điều khiến ngành gỗ - nội thất nói riêng và ngành lâm nghiệp Việt Nam có được thành công khác biệt so với những ngành khác?

Ông Trần Việt Tiến: Nếu phải nói ngắn gọn, tôi cho rằng đó chính là chuỗi giá trị. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, ngành gỗ - nội thất của đã xây dựng được chuỗi giá trị gần như hoàn thiện với sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ trồng rừng – khai thác – chế biến – sản xuất – thiết kế – thi công - thương mại.

Bây giờ, diện tích trồng rừng mỗi năm ở Việt Nam đã hơn diện tích phá rừng, rừng đã bao phủ hơn 40% diện tích. Ngày xưa trồng rừng không bán được, bây giờ, trồng rừng có thể làm giàu.

Tháng 6 vừa rồi, tôi ra Huế tham dự lễ ra mắt Hợp tác xã về lâm nghiệp bền vững đầu tiên ở xã Phú Lộc, một trong những xã nghèo nhất của Thừa Thiên Huế lúc trước nhưng bây giờ nhiều đại diện đến họp đi bằng xe hơi. Bây giờ, trồng rừng có chứng chỉ bền vững sẽ bán giá cao hơn từ 10% đến 19% so với những rừng bình thường, nhờ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhờ có được chuỗi giá trị bền vững, ngành gỗ chưa bao giờ phải đi “giải cứu” doanh nghiệp/sản phẩm của mình như một số ngành khác.

Nhờ thế, ngành gỗ đã phát triển 20 năm rồi và vẫn sẽ tiếp tục phát triển, tăng trưởng thấp nhất là 8% vào năm 2008, khi thế giới khủng hoảng kinh tế, còn những năm gần đây đều tăng trưởng 2 con số. Gỗ - nội thất là ngành tạo ra giá trị cao nhất trong mảng nông – lâm – ngư – nghiệp, doanh thu sản xuất trung bình trên đầu người của ngành gỗ năm 2017 khoảng 23.000 USD/năm, trong khi nhiều ngành khác chỉ ở mức 5.000 – 7.000 USD/năm. Có thể, ngành điện – điện tử tạo giá trị cao hơn nhưng ngành này bị thống trị bởi các doanh nghiệp FDI chứ không phải quốc nội.

Nếu để phát triển tự phát như trước kia, có thể ngành gỗ - nội thất vẫn sẽ phát triển tốt, nhưng nếu có thêm sự hỗ trợ của Chính phủ ở tầm vĩ mô, đó sẽ là một cú hích để ngành này đi nhanh và xa hơn nữa.

Theo ông, đâu là những thuận lợi cho ngành gỗ - nội thất trong năm 2019?

Ông Trần Việt Tiến: Trong năm 2019, sẽ có 2 thuận lợi rất lớn cho ngành gỗ - nội thất Việt Nam. Đầu tiên là việc chúng ta đã ký Hiệp định VPA/FLEGT với châu Âu, cam kết hoàn toàn sử dụng gỗ hợp pháp từ rừng trồng khi xuất khẩu đồ gỗ - nội thất sang thị trường này. Thứ hai là những dịch chuyển sản xuất của các công ty gỗ - nội thất từ Trung Quốc sang Việt Nam do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng như các Hiệp định CPTPP, EVFTA sắp có hiệu lực.

Trong những năm qua tỷ trọng xuất khẩu đồ gỗ - nội thất của Việt Nam sang châu Âu thấp, do trước đây doanh nghiệp Việt Nam bán nhiều về hàng ngoại thất thị trường này, nhưng sau khủng hoảng kinh tế họ bớt mua đồ ngoài trời và hàng trong nhà ưu tiên hơn. Người dân Châu Âu nhận thức vấn đề môi trường rất cao, vướng nhiều thủ tục do chưa ký Hiệp định VPA/FLEGT, các nhà mua hàng ngại các thủ tục khai báo gỗ hợp pháp, chi phí ở châu Âu đắt đỏ ít nhiều đó là rào cản.

Thế nhưng, khi doanh nghiệp Việt tự khai thì sẽ thuận tiện hơn cho khách hàng, bản thân ngành gỗ - nội thất Việt bây giờ đã có công nghệ, mẫu mã và dòng hàng sản xuất phù hợp hơn cho thị trường châu Âu, việc triển khai VPA/FLEGT là cú hích cho ngành gỗ Việt Nam tiến mạnh vào thị trường châu Âu trong những năm tới.

Theo tôi, trong năm 2019, sự dịch chuyển sản xuất, thương mại từ các công ty FDI của ngành gỗ - nội thất đặc biệt là Trung Quốc đến Việt Nam sẽ diễn ra nhiều hơn năm 2018, do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như việc các Hiệp định CPTPP, EVFTA sắp có hiệu lực. Khi các hiệp định trên chính thức có hiệu lực sẽ chính thức mở ra các thị trường mới mà lâu nay mức thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru… và hàng Việt Nam sẽ vào thị trường Mỹ tốt hơn nữa.

Mục tiêu giành vị thế vị trí thứ 2 thế giới trong 6 năm nữa của ngành gỗ nội thất Việt có thực thế? 1
Ông Trần Việt Tiến – Ủy viên thường vụ của HAWA

Vậy ngành gỗ - nội thất Việt Nam sẽ phải làm gì để cải thiện phần thiết kế, thương hiệu, hai yếu tố bị đánh giá là yếu hơn những đối thủ cạnh tranh khác trên thế giới như Ý, Trung Quốc?

Ông Trần Việt Tiến: Trong kinh doanh thường có 4 giá trị cơ bản là sản xuất – thiết kế - thương mại – thương hiệu, chỉ những doanh nghiệp thật mạnh mới có thể tạo ra cùng lúc 4 giá trị. Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp trong ngành gỗ - nội thất Việt Nam đang có thế mạnh về sản xuất.

Về thiết kế, lực lượng thiết kế của Việt Nam hiện nay chưa đủ lực. Hầu hết các trường đại học tại TP. HCM có đào tạo về thiết kế là có khoa nội thất, lượng sinh viên chọn theo ngành thiết kế nội thất – thủ công mỹ nghệ trong ngành tạo dáng công nghiệp rất cao… song chúng ta mới chỉ có lượng, chưa đủ chất. Điều này thể hiện rõ qua cuộc thi thiết kế Hoa Mai mà HAWA tổ chức mỗi năm.

Ngoài ra, quả thật việc làm thiết kế hay thương hiệu cho đồ nội thất không dễ. Tôi biết một anh bạn trong ngành, sau khi thấy hàng tồn kho của mình bày bán ở một Hội chợ khá đắt hàng, thì vội tính đến chuyện thuê người thiết kế, tự sản xuất – bán hàng. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm anh phải dẹp dự án vì không bán được hàng. Nguyên do bởi kiểu dáng sản phẩm của công ty anh không hợp thị hiếu của thị trường, cho dù người mà anh mời về là trưởng phòng kỹ thuật ở một công ty Nhật, nhưng dù sao người đó vẫn chỉ là kỹ thuật chứ không phải thiết kế, những trải nghiệm của bạn ấy chưa đủ sức để ra sản phẩm chinh phục được thị trường.

Để giải quyết những vấn đề kể trên, HAWA cũng đã có chia sẻ những giải pháp. Ví dụ, nếu không giỏi về thiết kế - thương hiệu, chúng ta có thể thuê ngoài.

Tôi biết một doanh nghiệp tại Đồng Nai có tới 2.500 nhân công, nhưng ngoài bộ phận theo dõi sản xuất, họ không có nhân viên kinh doanh hay thiết kế. Công ty này thuê nhân viên kinh doanh tự do đi bán hàng khắp thế giới, sau đó thuê thêm các nhà thiết kế có thương hiệu để thiết kế sản phẩm. Công ty này tất nhiên sẽ trả tiền lương căn bản cộng hoa hồng bán hàng và chi phí bản quyền cho nhà thiết kế, nhưng bù lại sản phẩm của họ bán được rất nhiều – giá bán tốt hơn, nhà máy làm không kịp hàng để bán.

Bài học ở đây là, khi không đủ nguồn lực thì chúng ta nên đi thuê và vẫn thu được tất cả giá trị, vươn lên kiếm tiền ở thị trường 450 tỷ USD. Tuy nhiên, chuyện gì cũng có mặt trái, để thuê ngoài, các doanh nghiệp phải đi theo người được thuê thật kỹ, vì những nhà bán hàng– thiết kế tự do cũng luôn muốn tìm những đối tác mang lại lợi ích lớn nhất cho họ.

Nhưng, dù có đột ngột mất người thì doanh nghiệp cũng không sợ, vì dù sao họ cũng đã kinh nghiệm tương đối trong 2 mảng này, có thể tự tin xây dựng đội ngũ nhân sự cho riêng mình. Bất cứ cái gì cũng nên làm từng bước, phát triển công việc thiết kế và làm thương hiệu cũng thế.

HAWA cũng vừa đề nghị với các ban ngành có liên quan nên sớm thành lập một Viện thiết kế, để kết nối lực lượng thiết kế bên ngoài với công việc kinh doanh bên trong của các doanh nghiệp gỗ - nội thất. Đáng lẽ, việc kết nối giữa các doanh nghiệp và lực lượng thiết kế là của các trường đại học có thể làm – như ở các nước phát triển, nhưng ởViệt Nam các trường đại học chưa thể làm được điều đó.

Thế nên, HAWA muốn đề xuất giải pháp phù hợp với nguồn lực của quốc gia,tạo động lực chonhững nhà thiết kế sản phẩm và nội thất giỏi ở Việt Nam nhập cuộc cùng các doanh nghiệp trong ngành gỗ - nội thất, để tạo ra những giá trị thiết thực hơn.

Ngoài ra, HAWA cũng đề xuất từ nhiều năm có một trung tâm triển lãm đủ lớn xứng tầm với vị thế của ngành gỗ - nội thất Việt Nam trên thế giới, để tiện cả việc làm thương hiệu. Cả Việt Nam đang không có lấy một trung tâm triển lãm đẳng cấp quốc tế, mỗi đợt triển lãm VIFA Expo tại Trung tâm triển lãm tại trung tâm SECC – Quận 7, hội chợ đều phải sử dụng không gian che bạt thêm ở ngoài trời. 

Ông có thể cho biết những hoạt động và định hướng của HAWA năm 2019?

Ông Trần Việt Tiến: Năm 2019 sẽ là một năm nhiều cơ hội được mở ra cho cộng đồng đồ gỗ - nội thất Việt Nam khi sự căng thẳng thương Mỹ - Trung vẫn còn dai dẳng, các hiệp định EVFTA, CPTPP, đơn hàng sẽ tốt hơn, khách hàng tìm đến nhiều và đồng nghĩa sự dịch chuyển sản xuất của các nước vào Việt Nam sẽ tăng, tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp đồ gỗ - nội thất trong nước phải cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành và ngành khác.

Trong đó, thị trường lao động sẽ là vấn đề lớn vì bản thân không chỉ ngành gỗ mà may mặc, da giày, điện tử… nhóm doanh nghiệp này cũng cần lao động ở diện lớn, kéo theo đó là tiền lương sẽ tăng và lao động có những xáo trộn.

Đứng trước thách thức này, doanh nghiệp phải có những bước chủ động ứng phó, trong đó ưu tiên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầu tư vào công nghệ để giảm lệ thuộc vào lao động; đồng thời, cũng nên đồng bộ các khâu như thiết kế - khả năng R&D để nâng tầm khả năng, thiết kế phải phù hợp cho sản xuất máy móc để có giá thành sản xuất là tốt nhất, mẫu mã đẹp và phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và xu hướng chung của thị trường.

Đội ngũ kinh doanh phải chủ động khai thác thị trường, không chờ khách tới, từ bỏ tư tưởng “hữu xạ tự nhiên hương”, phải cầu thị tìm đến khách hàng, nâng cao dịch vụ chăm sóc, đặc biệt là sử dụng công cụ số hóa như marketing và kinh doanh online sẽ tạo lối đi mới tiếp cận thị trường bằng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, công tác đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu mới là điều rất nóng, rất quan trọng vì muốn nâng tầm thì con người cần phải thay đổi kiến thức và nhận thức. Các thiết bị hiện đại cũng cần đội ngũ lao động đủ trình độ để khai thác tối đa và biết bảo dưỡng thiết bị công nghệ đó.

Rồi những công tác về thương hiệu, tài chính, quản trị,… cũng phải thay đổi để thích nghi với sự thay đổi của hệ thống mới và sự biến đổi không ngừng của môi trường bên ngoài. Làm tốt các công việc này xem như doanh nghiệp đã chích một liều vắc xin nâng cao sức đề kháng, nhằm có thể chịu đựng sóng gió của thương trường. Áp lực cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp phải nâng tầm để thích nghi với nền thị trường thuần túy, phát triển bền vững dựa trên nội lực của mình.

Về dài hạn, cộng đồng ngành gỗ cần xây dựng chiến lược để vững bước – cần có tầm nhìn rõ và có ước mơ đủ lớn, hướng nhìn về chuỗi giá trị thị trường hàng hóa 450 tỷ USD thay vì 140 tỷ USD giá trị sản xuất.

Mục tiêu giành vị thế vị trí thứ 2 thế giới trong 6 năm nữa của ngành gỗ nội thất Việt có thực thế? 2
Một sản phẩm xuất khẩu khác của Công ty Minh Thành.

Tầm nhìn Việt Nam là Trung tâm đồ nội thất thế giới thì phải làm những công việc gì? Vai trò quan trọng của Nhà nước cần đảm bảo: tuân thủ gỗ hợp pháp, đào tạo nhân lực, xây dựng Viện thiết kế nội thất như là một đơn vị kinh tế độc lập, trung tâm triển lãm nội thất quốc tế, xây dựng thương hiệu Quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp, xây dựng các kênh phân phối thương mại, hay chính xác hơn là chợ đầu mối nguyên liệu và đồ nội thất, phát triển công nghệ, cơ khí và công nghiệp phụ trợ cho ngành gỗ.

Một thách thức nữa là cộng đồng gỗ Việt cam kết với cộng đồng quốc tế việc sử gỗ hợp pháp xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước. Ngành gỗ Việt Nam chọn thông điệp tiến bộ là phát triển gắn liền với môi trường, ngành gỗ quyết tâm xóa định kiến từ nhiều năm “phát triển - chế biến gỗ là phá rừng” bằng thông điệp “Gỗ là vật liệu thân thiện môi trường, phát triển ngành gỗ dựa trên nguồn gỗ hợp pháp là phương cách bảo vệ môi trường”.

Vào 2019, HAWA sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, giúp các doanh nghiệp nắm vững thông tin, kiến thức và kết nối các tổ chức nhằm nâng cao trình độ nhân lực để thích nghi với những thay đổi của thị trường. Đồng thời mảng xúc tiến thương mại cũng sẽ được mở rộng, tạo nhiều kênh để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tiếp cận các cơ hội của thị trường trong và ngoài nước.

Vị thế của ngành gỗ - nội thất Việt Nam trong 10 năm tới sẽ như thế nào thưa ông?

Ông Trần Việt Tiến: Theo tôi, trong 10 năm nữa, ngành gỗ Việt Nam cũng sẽ không có đối thủ cạnh tranh có lao động giá rẻ trong phân khúc sản xuất. Để phát triển ngành gỗ - nội thất không dễ, nó đòi hỏi về kỹ thuật, thẩm mỹ, truyền thống và nhiều yếu tố tổng hợp khác- đây thực sự là thế mạnh của con người Việt Nam. Ngành gỗ - nội thất không giống may mặc hay da giày, hai ngành này Myanmar, Lào, Campuchia, Bangladesh, Srilanka…đều có thể đầu tư phát triển được, nhưng nếu đụng tới ngành gỗ khả năng thất bại rất cao.

Ở khu vực nội địa, trong khi nhiều ngành hàng đặc biệt là ngành hàngtiêu dùng đã bị các đại gia nước ngoài vào xâm chiếm, cũng may ngành gỗ - nội thất vẫn chưa. Thế nên, nếu kịp chớp cơ hội, ngành gỗ - nội thất Việt Nam hoàn toàn có thể dẫn dắt cuộc chơi trong nước và sau đó tạo nội lực để phát triểnquốc tế. Hội chợ Không gian sống nội thất dành cho giới stylist, các nhà đầu tư,…hội chợ dành cho những người có gu mà HAWA sắp tổ chức vào tháng 5 sắp tới, chính là một trong những bước đi giúp ngành gỗ - nội thất Việt nắm thế chủ động trên sân nhà của mình.

Xin cám ơn ông!