‘Không nên khuếch đại quá mức ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung’

Quỳnh Chi - 10:03, 18/01/2019

TheLEADERCác chuyên gia nhận định, nếu khoảng 5 đến 10 năm trước, Việt Nam nghiêm túc hơn trong cải thiện chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn của các nước khó tính nhất thì những hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc ngày hôm nay không thể làm khó các doanh nghiệp Việt. Bài học này vẫn có thể áp dụng được trong thời gian tới.

‘Không nên khuếch đại quá mức ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung’
Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lơi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã trải qua được sáu tháng kể từ lần đầu tiên Mỹ áp thuế lên Trung Quốc hồi tháng 7/2018. Sau sáu tháng với nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực và chưa thấy có sự ảnh hưởng nhiều. Theo các chuyên gia, sáu tháng là vẫn còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến nền kinh tế Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh thương mại này, Việt Nam đã từng được cảnh báo là có thể sẽ bị áp các hàng rào kỹ thuật từ cả phía Mỹ và Trung Quốc. Trên thực tế, thực trạng này đã xảy ra khi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước. Họ đã áp dụng những hàng rào kỹ thuật đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM), Việt Nam hiện phải đối mặt với hai thách thức, thứ nhất là làm sao gỡ khó và thách thức thứ hai quan trọng hơn là cải thiện hàng hoá. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng cần xem thách thức thứ hai là cơ hội của Việt Nam để tăng chất lượng khi xuất khẩu vào Trung Quốc.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cũng nhận định, với hai sáng kiến bao gồm “Indo-Pacific” của Mỹ và “vành đai con đường” của Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

‘Không nên khuếch đại quá mức ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung’
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung.

Ông Cung cũng cho rằng, không nên khuếch đại quá mức ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thay vào đó, hãy nói nhiều hơn đến việc làm thế nào để tận dụng được cuộc chiến tranh thương mại này.

“Đối với thế giới, nói đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là nói đến những điều tiêu cực nhưng với Việt Nam, đây có thể là một cơ hội mà chúng ta cần tận dụng”, ông Cung nhấn mạnh.

Trong đó, chiến lược Indo-pacific mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, đặc biệt trong phát triển hạ tầng vì một trong những trụ cột của chiến lược này là phát triển hạ tầng bằng vốn tư nhân, không phải bằng vốn chính phủ như ở Trung Quốc. Nghĩa là, nếu có hiệu quả họ sẽ làm. Do đó, Việt Nam cần tìm cách tháo bỏ rào cản để tận dụng cơ hội.

Bước sang 2019, các chuyên gia nhận định đồng nhân dân tệ sẽ không tiếp tục phá giá như trước. Khi có nhiều ý kiến lo ngại cuộc chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, từ đó, ảnh hưởng đến nguồn cầu xuất khẩu của Việt Nam, ông Cung cho rằng tình huống này chưa hẳn sẽ xảy ra vì vào thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009, xuất khẩu của Việt nam vẫn tăng trên 20%.

Trung Quốc giờ đây cũng không còn là một nền kinh tế giá rẻ, một thị trường dễ tính. Các chuyên gia khuyến cáo, điều Việt Nam cần lưu ý là nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đừng nghĩ Trung Quốc là thị trường giá rẻ để đẩy sang hàng kém chất lượng.

Mặc dù ở mặt tích cực, xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, trong khi nâng chuẩn nhập khẩu, chuẩn xuất khẩu của Trung Quốc có thể vẫn thấp. 

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nhìn nhận được điều đó để có sự chọn lựa trong tiếp nhận đầu tư, tránh đầu tư kém chất lượng ồ ạt tràn sang từ Trung Quốc.