Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: 'Không thể cào bằng'

Phương Linh - 16:40, 16/06/2020

TheLEADERNhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ nên áp dụng đối với những doanh nghiệp thực sự bị sụt giảm về doanh thu.

Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: 'Không thể cào bằng'
Thực tế, không phải tất cả mọi doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 đều kinh doanh thua lỗ

Theo tờ trình dự thảo nghị quyết của Chính phủ, sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp (có tổng doanh thu 2020 không quá 50 tỷ đồng và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 100 người), hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Tính toán của Chính phủ cho thấy, việc giảm thuế lần này có thể khiến ngân sách Nhà nước giảm 15.840 tỷ đồng, nếu giảm cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa thì ngân sách sẽ hụt lớn hơn.  

Tại phiên thảo luận về dự thảo nghị quyết này của Quốc hội sáng 16/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội thế giới và trong nước. 

Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động, tác động không nhỏ đến nền kinh tế và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2020. 

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ là các đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế, Chính phủ trình Quốc hội về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Tuy nhiên, với nội dung đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 50 tỷ đồng và lao động không quá 100 người của dự thảo nghị định vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. 

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), tiêu chí giảm thuế dựa trên doanh thu dưới 50 tỷ đồng và sử dụng lao động dưới 100 người là "cào bằng". Tiêu chí này không phù với doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn được quy định là doanh thu khoảng 100 tỷ đồng.

Ông Tạo đề nghị, dự thảo nghị quyết cần đánh giá đầy đủ từng ngành hàng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xác định đối tượng thụ hưởng khoa học và hợp lý hơn. 

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến đại biểu cũng nêu rõ thực tế, không phải tất cả doanh nghiệp trong đại dịch đều kinh doanh thua lỗ. Dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp là thách thức nhưng với một số doanh nghiệp lại là cơ hội. 

Các đại biểu Quốc hội đề nghị nghị quyết cần phải quy định cụ thể việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp thực sự bị sụt giảm về doanh thu. 

Ngoài ra, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần thiết mở rộng đối tượng hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không chỉ các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Theo đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, cần phải xác định việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là hỗ trợ cho doanh nhân mà bản chất là hỗ trợ sinh kế của người lao động, khu vực mang lại nhiều việc làm cho người lao động nhất để lựa chọn phạm vi áp dụng.

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp theo quy mô, theo ông Lộc, nhà nước cũng cần quan tâm đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo lĩnh vực. Cụ thể là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng, lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế để giúp họ vượt qua khó khăn tạm thời. Sự phát triển của những doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực này có ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước. 

Do vậy, song song với việc ban hành nghị quyết, Chính phủ cần ban hành ngay phương án để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực trọng điểm và tiềm năng đang gặp khó khăn như hàng không, du lịch để giúp nền kinh tế phát triển ổn định, lâu dài.

Còn theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang), dự thảo nghị định cần cân nhắc bỏ điều kiện áp dụng tiêu chí về dưới 100 lao động để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong điều kiện dịch bệnh hết sức khó khăn như hiện nay, những doanh nghiệp đang cố gắng nỗ lực để giữ được việc làm cho người lao động là rất đáng trân quý.

Chia sẻ về tiêu chí tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng, lao động không quá 100 người mới được giảm thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu thực hiện giảm thuế cho cả đối tượng doanh nghiệp vừa, gần như toàn bộ doanh nghiệp sẽ được hưởng, có thể dẫn tới sự cạnh tranh không bình đẳng khi doanh nghiệp vừa có nhiều lợi thế về vốn, doanh thu, thị trường. Ngoài ra, tiêu chí trên cũng nhằm tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.

Bên cạnh đó, do giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng trong năm 2020, nên tiêu chí doanh thu, lao động cũng căn cứ theo số liệu năm 2020 là đúng đối tượng, phù hợp thực tiễn sản xuất, kinh doanh khi họ gặp khó khăn vì Covid-19.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách, ông Dũng cũng cho biết, ngành tài chính sẽ triển khai hiệu quả các luật thuế, cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; quyết liệt quản lý thu ngân sách, có giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.