Ông Trần Đình Thiên: Nên tập trung cứu doanh nghiệp lớn

An Chi - 10:39, 16/05/2020

TheLEADERTheo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Chính phủ nên tập trung nguồn lực để cứu những doanh nghiệp lớn, làm trụ cột cho nền kinh tế vượt qua đại dịch. Đôi khi cần phải hy sinh những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vì cứu họ cũng không giải quyết vấn đề gì.

Ông Trần Đình Thiên: Nên tập trung cứu doanh nghiệp lớn
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên

Nhìn nhận về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, tại Tọa đàm “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch”, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, dịch bệnh này đang đặt ra những vấn đề mang tính thay đổi toàn diện cho nhân loại.

Dịch Covid-19 đã kích hoạt sự đứt gẫy và di chuyển các chuỗi sản xuất trên toàn cầu, thế giới đang trong quá trình thay đổi cấu trúc kinh tế. Sau dịch bệnh, sự đảo cấu trúc này có thể sẽ còn khốc liệt hơn khiến các quốc gia phải tạo ra chuỗi sản xuất mới, hoặc tạo ra một chuỗi giá trị khác chứ không thể nối lại các đứt gãy cũ.

Ông Thiên lấy ví dụ về ngành giáo dục, Covid-19 đã đặt ra yêu cầu cho các nhà trường “kiểu cũ” phải bỏ đi. Thay vào đó, ngành giáo dục phải tiếp cận một hệ thống đào tạo khác. Mạng internet, công nghệ số đã biến các trường học cũ với phấn trắng, bảng đen thành phế tích.

“Đáng lẽ lúc này, Việt Nam phải bàn tới một nhà trường kiểu mới nhờ ứng dụng khoa học công nghệ thì chúng ta lại đang trở lại mô hình dạy học cũ với cách thức giảng dạy cũ để kết thúc năm học”, ông Thiên nhìn nhận.

Bối cảnh mới của nền kinh tế sau đại dịch khiến vị chuyên gia này đặt câu hỏi: “Trạng thái bình thường mới là như thế nào? Trước Covid-19 là bình thường cũ hay là bất bình thường"?

Theo ông Thiên, đây là là khái niệm rất quan trọng, nếu không nhận diện tốt điều này, Việt Nam có thể sẽ đưa đất nước trở lại “bình thường cũ” chứ chưa hẳn là “bình thường mới” để phát triển, vượt qua khủng hoảng.

Dự báo về tương lai của kinh tế Việt Nam, ông Thiên cho rằng, để phục hồi kinh tế hậu Covid -19 cần dựa vào sức chống chịu của ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và người dân sau dịch. Trong khi đó, cả ba yếu tố này đều đang khó khăn khiến sức chống chịu của nền kinh tế hiện đang rất yếu.

Theo ông Thiên, vừa qua Việt Nam đã chống dịch rất hiệu quả với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Song vấn đề đặt ra là khi chống giặc xong thì sẽ như thế nào tiếp theo.

Sau chống dịch mà vẫn tinh thần "đóng cửa" như chống giặc thì nền kinh tế rất khó phục hồi và phát triển trong bối cảnh hội nhập thế giới, kinh tế toàn cầu đang vận động không ngừng. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế có thể đứng dậy để bay lên như Thánh Gióng sau dịch bệnh hay không, ông Thiên nhìn nhận. 

Có những doanh nghiệp nhỏ cần phải "hy sinh"

Để phục hồi nền kinh tế bình thường trở lại, ông Thiên cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp cứu trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp cứu doanh nghiệp như thế nào cũng là một bài toán khó trả lời.

Nguyên nhân là do hiện có đến 96 - 97% các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này sau dịch bệnh thường chỉ đóng cửa chứ chưa chắc đã "chết". 

"Khi có bão to, chỉ những cây lớn mới đổ, còn những loại cỏ moc dại ven đường thường không ảnh hưởng gì", ông Thiên ví von và lo ngại sau khủng hoảng, những doanh nghiệp lớn của nền kinh tế sẽ mất đi. 

Giả sử, nền kinh tế có 100 doanh nghiệp, Chính phủ với nguồn lực có hạn của mình chỉ nên cứu 50 doanh nghiệp lớn nhất để họ có thể đứng dậy được, làm trụ cột cho nền kinh tế phục hồi. Điều này sẽ có ý nghĩa hơn việc chia đều sự hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp để 100 doanh nghiệp đều sống nhưng không một doanh nghiệp nào có thể đứng dậy.

"Tôi cho rằng, nên cứu doanh nghiệp lớn để làm bệ đỡ cho nền kinh tế. Còn các doanh nghiệp nhỏ, đôi khi cần phải hy sinh vì cứu họ cũng không giải quyết vấn đề gì", ông Thiên nhấn mạnh.

Một vấn đề quan trọng khác theo ông Thiên là cấu trúc doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đã rất yếu ớt và rã rời. "Bây giờ, Chính phủ cứu sống lại hệ thống ấy để làm gì? Tại sao không tập trung tạo ra một hệ thống doanh nghiệp mới?”

Vì vậy, ông Thiên cho rằng, cần dành nguồn lực của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. "Thông điệp của tôi là tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới, chứ không phải phục hồi các doanh nghiệp cũ. Nếu tập trung cứu những doanh nghiệp cũ, sau dịch vẫn là những cái cũ thôi. Nhưng nếu cứu những doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ giúp đổi máu cho nền kinh tế, tạo ra một lực lượng mới. Khi đó, một thời đại doanh nghiệp mới sẽ xuất hiện”.

Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp này cần phát huy năng lực tự thích nghi để tự mình vượt qua khủng hoảng. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tập trung các giải pháp cởi trói cho doanh nghiệp, xoá bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài. Đây là điều các doanh nghiệp đang cần nhất hiện nay.