Đề xuất thêm gói hỗ trợ 24.000 tỷ cho doanh nghiệp

Nhật Hạ - 20:03, 25/07/2021

TheLEADERGói hỗ trợ mới về thuế, phí cho doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19 được Bộ Tài chính đề xuất có quy mô khoảng 24.000 tỷ đồng.

Đề xuất thêm gói hỗ trợ 24.000 tỷ cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Ảnh: ILO

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ Covid-19 mới liên quan tới thuế, phí khoảng 24.000 tỷ đồng trước thực tế các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ dịch bệnh. 

Hiện bộ đang hoàn thiện và sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tại Quốc hội ngày 25/7.

Trước đó, vào tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế (VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân), tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức gặp khó khăn vì Covid-19 đến hết năm 2021. Tổng số tiền ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng. Như vậy, đây là lần thứ ba Chính phủ đưa ra chính sách này với việc ngày càng mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 hướng dẫn thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đến 1/1/2022 mới thi hành, thay vì 1/8/2021 như trước đó.

Để có thêm nguồn lực chống dịch, phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thực hiện chủ trương giảm 10% chi thường xuyên, giảm 50% chi hội họp, công tác phí, công tác nước ngoài... Đồng thời, nâng cao hiệu quả đầu tư công, kể cả các dự án ODA, cắt giảm các dự án không hiệu quả, quản lý tốt thị trường chứng khoán bảo hiểm, tiền tệ..., ông Phớc nói thêm.

"Chúng tôi rất mong các bộ, ngành, địa phương ủng hộ chủ trương này để dồn kinh phí cho chống dịch, còn nữa thì dành phát triển kinh tế", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ nhiệm Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu TP. Hà Nội cho rằng, thực trạng kinh tế đầu quý III đang xấu hơn nhiều do tác động tiêu cực từ đợt dịch thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh thành. Kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn gian nan nhất trong nhiều thập kỷ vì Covid-19.

Các biện pháp giãn cách xã hội tại địa phương để chống dịch, khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn. Doanh nghiệp đang chết dần, chết mòn, nhất là khu vực doanh nghiệp dịch vụ (trừ ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm). Thậm chí không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu không có biện pháp hỗ trợ bứt phá.

Những hỗ trợ vừa qua, chẳng hạn gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, hay miễn, giãn thuế cho doanh nghiệp, giảm lãi suất..., ông Lộc cho rằng, “đi vào cuộc sống không được bao nhiêu”.

Bên cạnh đó, việc chống dịch không thống nhất ở các địa phương cũng được các đại biểu Quốc hội nêu như một nguyên nhân khiến doanh nghiệp thêm khó.

Gỡ khó cho doanh nghiệp, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ bứt phá hơn để họ có thể gượng dậy, phát triển sau đại dịch, theo ông Lộc, cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác.

Do đó, Chủ nhiệm VCCI đề nghị chiến lược tiêm chủng vắc-xin cần đẩy nhanh hơn, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... để tránh đứt gãy kinh tế. Việt Nam cũng cần chuẩn bị điều kiện, lộ trình mở cửa lại nền kinh tế tương ứng với độ phủ tiêm chủng vắc-xin.

Doanh nghiệp khó khăn vì dịch, doanh thu sụt giảm thì hỗ trợ hiệu quả nhất lúc này là Nhà nước tăng chi cho đối tượng yếu thế. Như vậy, vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được vấn đề xã hội, một mũi tên trúng hai đích.

Với ngành dịch vụ, ngoài hỗ trợ tài chính, Chủ nhiệm VCCI cho biết, giải pháp căn cơ hơn là áp dụng hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến Việt Nam và với người Việt Nam khi đã đạt tỷ lệ dân tiêm đủ hai mũi vắc-xin, từ đó giúp nền kinh tế có thể quay trở lại phục hồi.