Đi tìm động lực tăng trưởng mới hậu Covid-19

Phương Anh - 20:33, 30/07/2020

TheLEADERMặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế 2020 của Việt Nam đứng hàng đầu thế giới, Việt Nam vẫn cần tìm và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế sau khủng hoảng Covid-19.

Dự báo tăng trưởng kinh tế đứng thứ năm thế giới

Tại buổi công bố báo cáo Điểm lại mới đây của World Bank (Ngân hàng thế giới), quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Stefanie Stallmeister đánh giá Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới vẫn có khả năng bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 trong điều kiện chưa có vắc xin để bảo vệ loài người.

Đợt lây nhiễm cộng đồng mới bùng phát gần đây tại Đà Nẵng, giống như ở Bắc Kinh hoặc Melbourne trước đó, một lần nữa nhắc nhở về sự mong manh và rủi ro về khả năng tiếp diễn những đợt sóng Covid-19 mới.

Tuy nhiên, bà tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất trên thế giới.

Dù chịu ảnh hưởng từ Covid-19 trong nửa đầu năm, kinh tế Việt Nam được nhận định vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,7% trong năm 2021, báo cáo cho hay.

“Kết quả dự báo trên cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ năm trên thế giới trong năm 2020. Hơn nữa, nhờ thoát được quỹ đạo dịch bệnh trong quản lý khủng hoảng Covid-19, chúng tôi cũng tin tưởng rằng Việt Nam có cơ hội đặc biệt nhằm nâng tầm dấu ấn của mình trong nền kinh tế toàn cầu cả về thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy nghị trình cải cách trong nước, bao gồm chuyển đổi số và quản lý tài nguyên bền vững”, bà Stefanie Stallmeister cho biết.

Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Tìm kiếm động lực mới thúc đẩy quá trình phục hồi

Thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia như sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài.

Covid-19 cũng làm gia tăng bất bình đẳng vì đại dịch lần này tác động đến doanh nghiệp và người dân theo nhiều mức độ khác nhau, chẳng hạn người lao động ở các ngành dịch vụ bị giảm thu nhập hơn nhiều so với nông dân.

Đi tìm động lực tăng trưởng mới giúp củng cố hồi phục hậu Covid-19
Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,7% trong năm 2021.

Theo bà Stefanie Stallmeister, để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng.

Để đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế trước mắt sau khủng hoảng Covid-19, Chính phủ cần bắt tay vào ba hướng hành động, Ngân hàng thế giới khuyến nghị.

Hướng hành động thứ nhất là cân nhắc gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, bắt đầu với các quốc gia an toàn với Covid-19 với mục tiêu là nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch hiện đóng góp khoảng 10% cho GDP của Việt Nam. Đó cũng là hướng hành động quan trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và chuyên gia kỹ thuật.

Tuy nhiên, hướng hành động này đòi hỏi phải theo dõi thận trọng vì mở cửa nền kinh tế phải được thực hiện sao cho không gây nguy hại cho những thành quả y tế đạt được đến thời điểm này.

Hướng hành động thứ hai là đẩy nhanh việc triển khai chương trình đầu tư công. Mặc dù chi tiêu nhanh hơn và tốt hơn là phương thức hiệu quả để thúc đẩy phục hồi thông qua tác động số nhân đến việc làm và hoạt động kinh tế, yêu cầu được đặt ra là phải cải thiện đáng kể về quản lý tài chính.

Trọng tâm nên nhằm vào các dự án hiệu quả và cả các chương trình hạ tầng công cộng được phân cấp cho địa phương được cho là hiệu quả nhằm tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho những người dễ bị tổn thương ở các vùng bị ảnh hưởng.

Hướng hành động thứ ba là hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tạm thời bị ảnh hưởng do khủng hoảng.

Tuy nhiên, hướng này cần được thực hiện thận trọng vì không phải doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng như nhau. Nhu cầu đặt ra là phải lựa chọn đối tượng là những doanh nghiệp hoặc ngành bị ảnh hưởng nhất để tránh lãng phí nguồn lực công.

Ngoài ra, trợ giúp các doanh nghiệp ít có khả năng sống sót sau khủng hoảng Covid-19 cũng không có ý nghĩa nhiều do cơ cấu sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế sẽ thay đổi. Trong trường hợp đó, Việt Nam nên hỗ trợ để các doanh nhân hoặc người lao động chuyển đổi sang các hoạt động hiệu quả hơn.