Đi tìm hệ sinh thái cho xe, máy công nghiệp

Minh Nhật - 09:55, 31/01/2020

TheLEADERRa đời từ những nhọc nhằn, vất vả nhiều năm trời của người đứng đầu trong lĩnh vực xe, máy công nghệ, Hanoma không chỉ là nơi mua bán các sản phẩm mà còn là hệ sinh thái rộng mở cho cả những người mong muốn tìm kiếm việc làm.

Mặc dù giờ đây đã trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc CTCP Hainos, anh Phạm Quang Đức vẫn chẳng thể quên được những ngày đầu lăn lộn trong ngành xe, máy công nghiệp cách đây gần hai thập kỷ.

Năm 2001, chàng cử nhân Đại học Thương mại rời cổng trường, bước vào kinh doanh máy móc công nghiệp và mở công ty buôn bán vào năm 2005. Đơn vị của anh nhập khẩu máy móc trực tiếp, cả cũ cả mới từ các thị trường nước ngoài như Nhật, Úc hay châu Âu.

Đến năm 2012, anh Đức quyết định chuyển công việc về khu mỏ than Quảng Ninh khi đánh giá thị trường bốc xúc, vận chuyển cho mỏ than hấp dẫn. Sau 5 năm, anh quay trở lại Hà Nội, tiếp tục với những dự tính được ấp ủ.

Trong nhiều năm vừa là người đi buôn, vừa là người sử dụng máy móc, anh nhận ra thị trường này có giá trị rất lớn nhưng không có nơi nào người mua có thể tập trung xem xét thông tin.

“Có rất nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình anh đi bốc xúc ở mỏ. Mỗi lần đi mua máy hay vật tư, anh phải chạy lòng vòng tìm kiếm các nhà cung cấp. Anh thấy vất vả quá nên đã nói chuyện với các anh em học công nghệ và cùng tìm kiếm giải pháp”, anh Đức chia sẻ.

Đi tìm hệ sinh thái cho xe, máy công nghiệp
Chủ tịch kiêm giám đốc CTCP Hainos Phạm Quang Đức.

Nhiều mặt hàng khác đều được “điểm mặt chỉ tên” như ô tô, bất động sản nhưng xe, máy móc công nghiệp thì tuyệt nhiên chưa có nơi nào để giao dịch.

Chính suy nghĩ ấy đã thôi thúc anh Đức cùng đồng đội tạo ra Hanoma.vn – sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam về xe, máy công trình. Không chỉ dừng lại là một sàn giao dịch, Hanoma.vn còn được xây dựng thành hệ sinh thái chuyên về ngành máy móc, thiết bị xe tải khi bao gồm hợp phần về mua bán, cho thuê phụ tùng, vật tư cũng như là nơi những người chủ, công ty xây dựng có thể tuyển công nhân ở các vị trí như lái máy xúc, lái xe tải.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 8 tháng đầu 2019 đạt 23,98 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ, đứng thứ hai trong số các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam.

Năm 2018, nhóm mặt hàng này có trị giá nhập khẩu 33,73 tỷ USD, cho thấy giá trị giao dịch trên thị trường rất lớn mà thông tin về thị trường thì gần như không có.

Hợp phần thứ hai xuất phát từ chính kinh nghiệm không ít lần “hết hơi” đi tuyển nhân sự cho vị trí lái máy của anh Đức.

Anh cho biết mỗi lần có nhu cầu tuyển, anh thường phải đi nhờ hỏi thăm, giới thiệu mà chẳng thể tìm được nơi có thể đăng tuyển vì lái các phương tiện công nghiệp là vị trí hết sức đặc thù. Mặc dù hiện nay đã có mạng lưới tìm việc, nhưng mạng lưới này lại chủ yếu là các công việc văn phòng.

Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gần như phải chấp nhận mọi lái xe đến ứng tuyển vì không còn sự lựa chọn.

Giao dịch hàng hóa trực tuyến hiện vẫn khiến không ít người băn khoăn khi có quá nhiều nhà cung ứng trên mạng cùng với sự kiểm soát thiếu chặt chẽ đã dẫn đến việc khách hàng mua phải những sản phẩm kém chất lượng, từ đó ảnh hưởng tới uy tín của sàn giao dịch.

Điều này lại càng trở nên đáng chú ý và cần cẩn trọng hơn với những hàng hóa có giá trị cao như xe, máy công nghiệp.

Anh Đức cho biết Hanoma.vn trước hết kiểm soát thông tin người bán, xác định xem liệu người bán đó có thật hay không, tránh trường hợp đưa ra thông tin mà không có ai quản lý. Bên cạnh đó, đội ngũ của anh cũng sẽ quản lý về chất lượng sản phẩm, cả sản phẩm cũ lẫn sản phẩm mới, phải đến tận nơi bán để xác nhận.

“Máy móc không phải là mặt hàng bán online dễ dàng. Khách hàng truy cập tìm kiếm thông tin và khi mua vẫn phải trực tiếp đến xem. Đội ngũ của Hanoma sẽ kiểm soát khâu đầu tiên về thông tin, đi kiểm tra và đánh giá các nhà cung cấp xem họ có thực sự là đơn vị bán hàng không”.

Đi tìm hệ sinh thái cho xe, máy công nghiệp 1
Không chỉ kiểm soát thông tin người bán, Hanoma còn quản lý về chất lượng sản phẩm khi đến tận nơi kiểm tra.

Mặc dù chỉ mới vận hành từ tháng 3 năm ngoái cùng với 2 năm trước đó đi thu thập thông tin, khảo sát thị trường, Hanoma.vn hiện đã có chừng 1050 nhà cung cấp trong khoảng 15.000 nhà cung cấp ước tính trên thị trường.

Hầu như những người mua bán các máy móc công nghiệp chỉ hoạt động theo kiểu truyền thống, truyền miệng và giới thiệu. Cùng với đó, đặc trưng của ngành là cần xem trực tiếp mới có thể quyết định mua bán nên nhiều người hiểu sai rằng mặt hàng này không thể bán online được.

Mặc dù những năm gần đây, sự nở rộ của mạng xã hội giúp các nhà kinh doanh có thêm kênh đăng tải nhưng vẫn thiếu sự ý thức về kinh doanh bài bản trên Internet cũng như trên website riêng.

Bởi lý do đó, đội ngũ của Hanoma.vn đã đi xây dựng website cho những nhà cung cấp để người bán tiếp cận dần với online. Những trang web này sau đó sẽ được đẩy về website của Hanoma, tạo ra hệ sinh thái có sự gắn kết chặt chẽ, tránh phụ thuộc vào các thuật toán của Google.

Tuy vậy, việc thuyết phục đối tác gặp không ít khó khăn do đặc trưng của ngành nghề. Mặt hàng xe, máy công nghiệp đòi hỏi số vốn tương đối lớn nên những người kinh doanh thường là những người có độ tuổi khoảng 45 trở nên, đồng nghĩa với việc tiếp cận công nghệ còn hạn chế và ít mong muốn thuê người ngoài làm website.

Cùng với đó, mức chi phí thiết kế và chăm sóc website dành cho các nhà cung cấp cũng cần được cân đối để khuyến khích những người kinh doanh thay đổi thói quen bán hàng.

Anh Đức cho biết trong thời gian tới sẽ quảng bá rộng rãi hơn tới người tiêu dùng để không chỉ những nhà kinh doanh mà cả những người lao động chuyên ngành cũng biết tới.

Dự định đến cuối năm nay, đội ngũ sẽ hoàn thành ứng dụng di động tích hợp các ngôn ngữ khác. Trong năm tới, Hanoma sẽ đẩy mạnh thị trường trong nước và đến khoảng 2021 trở đi sẽ làm mạnh mảng quốc tế.