Điệp khúc giải cứu nông sản: Cần một cuộc giải cứu tư duy quản lý!

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours - 08:42, 03/06/2021

TheLEADERTrước khi giải cứu nông sản như lâu nay, cần giải cứu tư duy quản lý và xác định trách nhiệm cá nhân của từng cấp chủ quản.

Có người bảo “Nông dân Việt Nam khổ nhất thế giới. Quanh năm cứ phải cậy nhờ cộng đồng giải cứu. Cứ được mùa là mất giá, không chỉ trái cây mà cả rau củ”. Tôi chưa nghiên cứu hết nông nghiệp thế giới, nhưng chẳng có nước nào mà nông dân cứ phải cậy nhờ cộng đồng giải cứu liên tục như vậy.

Giải cứu nông sản thường xuyên là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng không thấy cơ quan chủ quản lên tiếng. Thấy cây trái bỏ đống, rẻ như bèo, lăn lóc vệ đường; thậm chí không thu hoạch vì tiền bán không đủ trả tiền công mà xót xa. 

Thương nông dân, nhiều hội nhóm hình thành tự phát, kêu gọi giải cứu nông sản, giúp nông dân vượt khó, vớt vát phần nào.

Thật lòng, người nông dân không bao giờ muốn được giải cứu, họ muốn nông sản có đầu ra ổn định. 

Không thể để người nông dân vốn đã quá vất vả, hai sương một nắng, lo toan từ việc chọn giống, gieo trồng, chăm sóc đến lo sâu bệnh, thời tiết. Gặp mùa vàng thu hoạch, càng lo bị ép giá, lo không biết bán cho ai, phải kêu gọi giải cứu.

Tại sao cơ quan chủ quản chưa chủ động kế hoạch giúp nông dân từ lúc chuẩn bị gieo trồng? Dựa vào nhu cầu thị trường, khuyến cáo nông dân nên tăng hay giảm diện tích. Đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm, không để bị động, thấy dư thừa mới cuống cuồng mời gọi giải cứu. 

Định hướng sản xuất và giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm phải là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan chủ quản.

Cách đây 15 năm, trong lần famtrip du lịch nông nghiệp Thái Lan, tôi cực kỳ ấn tượng với mô hình “đốt trái cây điếc thành than hoạt tính để khử mùi và đuổi côn trùng”. Lò đơn giản, làm thủ công, mỗi mẻ chừng 50kg. Tìm hiểu thêm, càng ngỡ ngàng vì Tổng cục Du lịch Thái Lan hướng dẫn từ kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Gần đây, trả lời báo chí về điệp khúc giải cứu nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: “Cần có ngay những hành động cụ thể và chủ động ngay từ đầu vụ”. Bộ trưởng trực tiếp về Bắc Giang và Hải Dương mùa thu hoạch vải thiều, chỉ đạo gỡ khó cho nhà vườn giữa mùa dịch.

Bộ chủ quản cùng các hiệp hội liên đới cần thống nhất hành động hỗ trợ nông dân dài hơi. Không thể để tình trạng nông sản dồn ứ, xếp hàng chờ đợi quá lâu và hư hỏng vì những thủ tục nhiêu khê hết năm này sang năm khác tại các cửa khẩu quốc tế phía Bắc. Bên cạnh việc xuất tươi phải tính tới việc sấy khô, đóng hộp.

Nếu có kênh phân phối khoa học, gần trăm triệu người dân nội địa cũng đủ sức bao tiêu sản phẩm đang dồn ứ hiện nay của bất cứ nông sản nào. 

Thực tế, ở Việt Nam, nhiều sản phẩm dư thừa chỗ này nhưng lại khan hiếm chỗ khác, dù trong cùng đất nước. Thực trạng này khó mà chấp nhận, vẫn loay hoay chưa có lối ra hiệu quả từ nhiều năm nay.

Dựa vào các đoàn thể cũng là kênh phân phối cần thiết nhưng chưa đủ. Đoàn thể chỉ vận động theo kiểu phong trào. Cần có những chính sách cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản và ổn định thị trường một cách căn cơ như các nước đang làm. Việc này giúp người nông dân bớt lo đầu ra, chỉ tập trung cho việc sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Chừng nào còn giải cứu nông sản là đời sống nông dân còn bấp bênh, khốn khó, nói chi việc yên tâm làm giàu. Cuộc chiến nào cũng phải có tư lệnh giỏi, quyết đoán với đủ thẩm quyền, phương tiện... để chiến đấu và chiến thắng.

“Phi nông bất ổn, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”, việc nào cũng quan trọng và cấp bách.