Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế 2021, cảnh báo bong bóng chứng khoán, bất động sản

Nhật Hạ - 21:23, 31/03/2021

TheLEADERBộ Kế hoạch và đầu tư cảnh báo nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong đó có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản với các cơn sốt đất đất và thổi giá của đối tượng môi giới.

Cập nhập kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, GDP quý I tăng 4,48%, tuy cao hơn dự báo trong báo cáo tháng 1/2021 nhưng vẫn thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.

Do đó, để tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 6,5%, ba quý còn lại trong năm đều phải cao hơn so với Nghị quyết 01. Cụ thể, quý II/2021 GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19%, quý III cần tăng 6,78%, và quý IV tăng 7,16%.

“Nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều ngày 31/3.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội quý I được đánh giá vẫn có nhiều dấu hiệu khởi sắc như GDP tăng 4,48%, CPI bình quân chỉ tăng 0,29%, thu ngân sách tăng, “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) tiếp tục tăng, giải ngân vốn đầu tư công tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, thu hút vốn FDI tăng trưởng dương trở lại kể từ khi dịch bệnh bùng phát…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Không khí làm ăn kinh doanh khởi sắc hơn, nhất là khi chúng ta kiểm soát được dịch Covid-19”.

Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế 2021, cảnh báo rủi ro “sốt đất”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Chính phủ ngày 31/3. - Ảnh: Quang Hiếu

Bên cạnh các điểm sáng trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cũng có 7 điểm cần lưu ý.

Đầu tiên, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, căng thẳng giữa các quốc gia lớn ngày càng gia tăng.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế tích cực nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và các kịch bản đã đề ra.

Một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch lữ hành giảm sâu, lên đến 60,1%; hoạt động vận tải, hàng không bị tác động nghiêm trọng. Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh.

Thứ ba, nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

“Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh”, Bộ trưởng nhận định.

Thứ tư, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Thứ năm, chi phí logistics còn cao. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu tập trung cao vào một số thị trường.

Thứ sáu, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước chậm, đóng góp chưa tương xứng với quy mô tài sản, nguồn lực đang nắm giữ.

Cuối cùng, vướng mắc của nhiều doanh nghiệp tư nhân, FDI, đầu tư công chưa được quan tâm xử lý, tạo điều kiện để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Do đó, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, bên cạnh việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, ông Dũng cho rằng cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế.

Cụ thể, thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh việc mua và triển khai tiêm vaccine Covid-19.

Thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ bổ sung các ngành, lĩnh vực đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; xem xét điều chỉnh hợp lý việc tăng giá, phí một số mặt hàng do nhà nước quản lý theo lộ trình.

Bộ trưởng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông.

Bộ Tài chính tập trung theo dõi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán; phát triển các quỹ đầu tư dài hạn và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp; tận dụng cơ hội thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ông Dũng lưu ý, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần đặc biệt chú ý và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư từ tất cả các nguồn vốn, trong đó có các dự án đầu tư công. Tránh tình trạng phê duyệt tổng mức đầu tư vượt quá nhiều so với đầu tư thực tế, nhằm lợi dụng ngân sách nhà nước, gây lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, hiệu quả dự án.

Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng và khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên đất. “Trên thực tế, nhiều dự án có diện tích sử dụng đất lớn được lập ra với mục đích chiếm dụng đất, trông chờ chênh lệch địa tô, bán lại dự án, không phải mục đích đầu tư phát triển... cản trở đến hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế của các địa phương”, ông Dũng chỉ ra.