Điều kiện đủ để ô tô điện bùng nổ ở châu Á

Hoàng Đông - 15:46, 26/04/2023

TheLEADERTheo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các mẫu xe rẻ hơn, đa dạng hơn về chủng loại, kể cả xe ô tô điện hoặc xe điện 2 – 3 bánh, sẽ là động lực để ngành xe điện tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tại các quốc gia đang phát triển châu Á.

Điều kiện đủ để ô tô điện bùng nổ ở châu Á
Xe điện giá rẻ VF5 của VinFast

Người tiêu dùng toàn cầu đã mua 10 triệu chiếc xe điện vào năm 2022, chiếm khoảng 14% tổng doanh số xe hơi toàn cầu. Trong đó 95% doanh số đến từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của những thị trường lớn trong cuộc đua xe điện. Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, chiếm đến 60% doanh số bán xe điện toàn cầu. Tiếp sau đó là châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, ở các quốc gia đang phát triển châu Á như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia, thị trường xe điện đang tăng trưởng khá nóng, dù 3 nước này cộng lại mới chỉ chiếm 3% doanh số xe điện toàn cầu. Nổi bật nhất là Indonesia với doanh số xe điện đạt hơn 10 nghìn, tăng gấp 14 lần so với năm 2021. Tại Ấn Độ, doanh số xe điện đạt 50 nghìn chiếc, tăng gấp 4 lần so với năm 2021.

Các quốc gia đang phát triển vốn là thị trường tiềm năng cho những công nghệ tiêu dùng mới nổi và có mức giá không quá cao, ví dụ như máy tính và điện thoại thông minh. Xe điện, với nhiều công nghệ vượt bậc so với xe xăng, hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ tại các thị trường đang phát triển.

Bên cạnh đó, các nước đang phát triển cũng đang có những kế hoạch đầy tham vọng hướng đến chuyển đổi sang xe điện, có thể kể đến như chính sách trợ cấp cho xe điện của Indonesia, chiến lược sử dụng xe điện trong giao thông công cộng của Panama, giảm thuế cho xe điện và hướng đến phát thải ròng bằng 0 ngành giao thông vào năm 2050 của Việt Nam… từ đó tạo ra động lực lớn để các quốc gia này thay thế xe xăng thông thường bằng xe điện.

Như vậy, xe điện hoàn toàn có thể tiếp tục bùng nổ tại các thị trường đang phát triển, với “điều kiện đủ” là một mức giá phải chăng hơn và có đa dạng hơn các mẫu xe, bao gồm cả xe 2 bánh và 3 bánh. Báo cáo của IEA nhấn mạnh yếu tố giá chính là nút thắt cần được tháo để xe điện thực sự “cất cánh” tại các quốc gia này.

Thực tế, chiến lược xe điện giá rẻ đang được nhiều doanh nghiệp triển khai. Đặc biệt trong số đó phải kể đến mẫu xe hơi điện bán chạy nhất thế giới Wuling Hongguang Mini EV của liên doanh General Motors – Saic Wuling, có mức giá khởi điểm chỉ 6.400 USD tại Trung Quốc, đã và đang có kế hoạch sản xuất, phân phối tại các nước ASEAN như Indonesia và Việt Nam.

Tại Nhật Bản, quốc gia của những chiếc xe hơi cỡ nhỏ kei car, các doanh nghiệp xe hơi hàng đầu cũng đang tập trung sản xuất ra những chiếc kei car điện, ví dụ như mẫu xe Sakura với mức giá 14 nghìn USD của Nissan, eK cross EV của Misubishi với mức giá khoảng 15 nghìn USD…

Nhà sản xuất xe hơi đầu tiên tại Việt Nam VinFast mới đây cũng đã gây sốt giới ô tô toàn cầu khi cho ra đời mẫu xe cỡ nhỏ VF5 có mức giá khới điểm 458 triệu đồng (khoảng 19,5 nghìn USD). Trước đó, mẫu xe VF e34 của VinFast có mức giá 700 triệu đồng, tương đương với khoảng 30 nghìn USD, cũng là mức giá cạnh tranh hơn so với nhiều mẫu xe điện trên thế giới.

IEA dự báo sẽ có khoảng 14 triệu chiếc xe điện bán ra trên thế giới vào năm 2023, chiếm 18% doanh số xe hơi toàn cầu. Doanh số xe điện cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu pin. Dự kiến, doanh số pin sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2030 so với hiện tại.