Doanh nghiệp Nga chuyển đổi số cho hơn 3.000 công ty Việt Nam

Việt Hưng - 11:18, 01/08/2023

TheLEADERTriết lý của doanh nghiệp Nga có tuổi đời trên 30 năm đó là tập trung vào "lưu trữ, quản trị dữ liệu tập trung" và "quản lý quy trình công việc" - hai yếu tố quan trọng nhất với quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh thời đại số.

Thành lập năm 1991, 1C được biết đến là doanh nghiệp công nghệ nắm trong tay hơn 90% thị phần phần mềm kế toán tại Nga. Theo bước tiến của ngành công nghệ, 1C mở rộng sang các sản phẩm ERP, văn phòng số cho doanh nghiệp.

Năm 2016, 1C chính thức thành lập chi nhánh tại Việt Nam, và bắt đầu Việt hóa các giải pháp công nghệ phù hợp với thị trường. Đến nay, doanh nghiệp có trụ sở tại Nga đã chuyển đổi số thành công cho hơn 3.000 công ty Việt Nam.

Trọng tâm của 1C Việt Nam là tập trung vào các giải pháp "văn phòng số" trong doanh nghiệp, giúp khắc phục các nhược điểm lỗi thời, lạc hậu mà văn phòng truyền thống mang lại, đồng thời mở ra các giải pháp quản trị hiện đại, chuyên nghiệp và tự động hóa.

"Văn phòng số" được hiểu là mô hình quản lý, số hóa tài liệu lên thư viện điện tử, với tính năng tìm kiếm, truy cập nhanh vào các dữ liệu, giúp người dùng tiếp diễn công việc trơn tru, không bị ngắt quãng do mất quá nhiều thời gian tìm kiếm tài liệu thủ công.

Bên cạnh đó, giải pháp này giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình công việc, quản lý giao việc, quản lý dự án, mở ra một không gian làm việc "ảo" khuyến khích sự hợp tác giữa mọi bộ phận và cá nhân trong công ty.

Đối với những tập đoàn lớn, áp dụng giải pháp "văn phòng số" có thể đáp ứng được các yêu cầu về quy trình làm việc phức hợp, liên kết giữa các phòng ban, giúp hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra khi quy trình nghiệp vụ được tự động hóa.

Doanh nghiệp Nga chuyển đổi số cho hơn 3.000 công ty Việt Nam
Ông Alexander Evchenko - CEO 1C Việt Nam

Sau khoảng 7 năm theo dõi thị trường Việt Nam, ông Alexander Evchenko - CEO 1C Việt Nam cho rằng rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số là các lãnh đạo đang quá phụ thuộc vào bộ phận công nghệ, trong khi chính họ phải là người chủ động dẫn dắt quá trình này.

"Chưa hết, doanh nghiệp chưa có sự tích hợp hiệu quả giữa các giải pháp số hóa và việc chuyển đổi số cần phải song hành với phương thức số hóa. Vì vậy, cần đảm bảo các hoạt động tối ưu hoá từ nội bộ trước nhằm áp dụng công nghệ để tự động hóa công việc", ông Alexander Evchenko nói.

Để tối ưu các hoạt động, doanh nghiệp trước hết cần đánh giá lại toàn bộ quá trình vận hành, từ đó tìm ra phương án hợp lý nhằm thích nghi với bối cảnh mới. Tiếp theo là xem xét và thay đổi bộ máy trong doanh nghiệp - hay còn gọi là "tái cơ cấu doanh nghiệp".

"Thế giới đang biến đổi và xuất hiện nhiều nhân tố trước đây chưa từng có. Trước tiên đó là nhu cầu làm việc từ xa của người lao động, sự cần thiết của việc tiếp cận công việc từ bất kì vị trí nào và để thực hiện việc đó phải áp dụng những công nghệ trước kia chưa từng tồn tại", CEO 1C Việt Nam nhấn mạnh.

Thực tế, việc chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng bắt buộc trên thế giới. Tại Việt Nam, hơn 40% doanh nghiệp bày tỏ mong muốn áp dụng một nền tảng công nghệ vận hành kinh doanh chuyên dụng, theo số liệu của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).

Bởi một nền tảng vận hành tốt sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho sức tăng trưởng và hoàn thiện bộ máy bên trong, nhất khi nội bộ doanh nghiệp đang thay đổi cực kì nhanh chóng.

"Quy trình áp dụng trong doanh nghiệp vào năm ngoái có thể được thay thế hoàn toàn trong năm nay, doanh nghiệp có nhu cầu cần phải thay đổi một cách nhanh chóng, nếu không muốn gây cản trở công việc", CEO Alexander Evchenko khẳng định.

Doanh nghiệp Nga chuyển đổi số cho hơn 3.000 công ty Việt Nam 1
Ông Alexander Bezborodov - chuyên gia có trên 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực số hóa doanh nghiệp của 1C

Khi được hỏi về sự khác biệt trong quá trình chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nga, ông Alexander Bezborodov - chuyên gia có trên 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực số hóa doanh nghiệp của 1C cho rằng, công nghệ quản trị tại 2 quốc gia gần như đang tiệm cận nhau.

Khác biệt lớn nhất theo vị chuyên gia nằm ở quyết tâm của Chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp. "Ở Nga, Chính phủ bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử từ lâu, còn ở Việt Nam điều này chỉ mới được yêu cầu gần đây", ông Alexander Bezborodov nêu ví dụ.

Theo vị đại diện 1C, "lưu trữ và quản trị dữ liệu tập trung" và "quản lý quy trình công việc" được xem là hai yếu tố quan trọng nhất trong quản trị doanh nghiệp với bối cảnh thời đại số lên ngôi.

Trong đó, các ngành như sản xuất, chế tạo máy và nông nghiệp được xem là hưởng lợi nhiều nhất từ các giải pháp chuyển đổi số hoạt động quản trị, do đây vốn là các ngành này bị phụ thuộc nhiều vào con người, cũng như các công việc thủ tục, giấy tờ...

Tại Việt Nam, đơn vị đang cung cấp cho doanh nghiệp 8 giải pháp, đó là 1C:Company Management - giải pháp mini ERP cho SMEs, 1C:Document Management - giải pháp văn phòng điện tử, và một số giải pháp khác như HRM, chuỗi bán lẻ...

Giải pháp văn phòng số của 1C Việt Nam hiện đã được nhiều doanh nghiệp lớn tin tưởng và sử dụng như: Thiên Long, Sơn Hà, Tonmat, VNPAY, Austdoor, Gas South…

Bên cạnh đó, 1C Việt Nam còn là đối tác tin cậy của những tập đoàn lớn về công nghệ như: FPT Digital, OOC, Vui App, Dahahi, Lancs Network, Chữ ký số Easy CA, FPT Smart Cloud, IPQ...