Doanh nghiệp thép đua nhau lãi lớn

Trần Anh - 09:15, 20/04/2021

TheLEADERSự phục hồi của thị trường trong nước, đầu tư công và nhu cầu xuất khẩu cao từ Trung Quốc đang đẩy giá thép tăng nhanh, mang về lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Nhu cầu tiêu thụ thép tăng mạnh sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cùng với các chính gây hạn chế nguồn cung đặc biệt là tại Trung Quốc đã đẩy giá thép tăng vọt trong thời gian gần đây. Nhờ đó, hàng loạt các doanh nghiệp trong ngành đều báo kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/2021.

Tại Tập đoàn Hoa Sen, sản lượng tiêu thụ tháng 3/2021 đạt 214.036 tấn; doanh thu, lợi nhuận lần lượt đạt 4.522 tỷ đồng và 501 tỷ đồng; tăng 40% và 217% so với tháng liền kề trước đó.

Tương tự, tại CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên, trong quý 1/2021, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 120 tỷ đồng trong khi quý 1/2020 đạt 943 tỷ đồng doanh thu và chỉ có lãi gần 4 tỷ đồng.

Công ty Kim khí TP.HCM (VnSteel) doanh thu quý 1/2021 đạt 1.116,4 tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 65 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần.

Một số doanh nghiệp thép hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 song cũng cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh rất tích cực.

Thép Nam Kim vừa công bố các chỉ tiêu sản xuất tháng 3 và quý 1/2021 với đà tăng khá tốt, đặc biệt xuất khẩu. Luỹ kế 3 tháng đầu năm, công ty sản xuất 244.301 tấn, tiêu thụ 240.072 tấn. Lượng xuất khẩu cao kỷ lục với 151.992 tấn, các thị trường chủ lực hiện nay gồm các nước châu Âu và Mỹ.

Tập đoàn Hoà Phát – doanh nghiệp thép lớn nhất ngành, trong quý 1/2021 đã cung cấp ra thị trường hơn 184.000 tấn ống thép các loại, tăng 27% so với quý 1/2020, giữ thị phần số 1 Việt Nam về ống thép với 30,2%. Trong khi đó, tôn Hòa Phát đạt gần 74.000 tấn, gấp 3 lần cùng kỳ. Ống thép Hòa Phát xuất khẩu gần 7.000 tấn, tới các thị trường Mỹ, Úc, Canada, tăng 31% so với quý 1/2020.

Kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1 càng khiến các doanh nghiệp thép đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2021 tăng vọt so với năm 2020.

Cụ thể, thép Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu 2021 đạt 16.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 600 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 38% và 103% so với năm 2020; Thép Việt - Ý dự kiến năm nay thu về 4.588 tỷ đồng doanh thu và 28,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 113% và 125% so với năm ngoái; hay Tập đoàn Hòa Phát dự kiến đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 33,15% và 33,17%...

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, nhu cầu thép thế giới dự kiến tăng 4,1% trong năm nay sau khi ghi nhận mức giảm 2,4% năm trước, được thúc đẩy chính bởi sự hồi phục ở các thị trường phát triển.

Trong nước, nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng 8% nhờ đầu tư hạ tầng tích cực, sự hồi phục của thị trường bất động sản, sự hồi phục của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và thu hút vốn được ngoài. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, thép ống và tôn mạ nội địa năm nay dự kiến tăng lần lượt 9%, 8% và 8%. Xuất khẩu thép Việt Nam cũng được nhận định tích cực hơn trong năm nay.

Những diễn biến thực tế cũng cho thấy kết hoạch lợi nhuận của các doanh nghiệp thép càng khả thi khi giá bán thép liên tục tăng. Từ đầu tháng 4, giá thép đã phải điều chỉnh tăng liên tiếp 3 lần.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán BIDV (BSC), chu kỳ tăng giá thép sẽ còn tiếp diễn đến nửa cuối năm 2021 nhờ vào những gì diễn ra tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và EU. BSC cho rằng điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến triển vọng ngành thép toàn cầu nhờ giá bán tăng cao sẽ cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Trong đó, ngành thép Việt Nam hưởng lợi kép từ giá bán tăng, đặc biệt là loại HRC và nhu cầu từ thị trường xuất khẩu lớn khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng.

Tháng 4 hàng năm là mùa cao điểm truyền thống của tiêu thụ thép ở Trung Quốc, năm nay nhu cầu sẽ được hỗ trợ bởi các dự án đầu tư công của 2020 chuyển tiếp và giải ngân mới trong năm, cùng với hoạt động sản xuất hồi phục dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ tăng mạnh.

Tuy nhiên, nguồn cung nội địa giảm theo chính sách chung của chính phủ Trung Quốc kết hợp với chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 2016-2020, Trung Quốc đã cắt giảm 150 triệu tấn thép sản xuất theo công nghệ lạc hậu (tương đương 11% tổng công suất) trước thời hạn.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ giảm mức hoàn thuế xuất khẩu đối với khoảng 60 sản phẩm thép, nhằm giảm sản lượng. Nếu việc hoàn thuế này được thông qua cùng với việc cắt giảm sản lượng ở Đường Sơn đã đẩy giá thép của Trung Quốc lên cao, các sản phẩm thép của Trung Quốc gần như không còn lợi thế cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu vì sẽ tăng khoảng 80-100 USD/tấn. Các thị trường xuất khẩu thép ở châu Á như Ấn Độ, Việt Nam... sẽ được hưởng lợi.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì đánh giá, năm 2021, nhu cầu tiêu thụ thép sẽ được duy trì nhờ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành thép vẫn đối mặt với một số rủi ro như hoạt động xây dựng trong nước chưa thực sự khởi sắc; trong trung và dài hạn có rủi ro dư cung và áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp đầu ngành (như Hòa Phát); rủi ro bảo hộ thương mại tại các quốc gia xuất khẩu và rủi ro từ áp thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng; biến động giá nguyên liệu và tỷ giá.