Doanh nghiệp Việt áp đảo thương mại điện tử Đông Nam Á

Minh Nhật - 20:18, 17/03/2021

TheLEADERCó tới năm doanh nghiệp nội địa Việt Nam góp mặt trong tốp 10 sàn thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2020 dựa trên lượng truy cập, theo báo cáo từ cổng thông tin thương mại điện tử iPrice.

Các doanh nghiệp Việt xuất hiện trong bảng xếp hạng tốp 10 lần lượt là Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, Bách Hoá Xanh và FPT Shop. Những cái tên còn lại của khu vực là hai ông lớn Shopee, Lazada và ba công ty khởi nghiệp kỳ lân là Tokopedia, Bukalapak và Blibli từ Indonesia.

Thế Giới Di Động chiếm giữ thứ hạng 5 trong các website thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2020 với lượt truy cập là 28,6 triệu, chỉ cách Bukalapak 7 triệu lượt truy cập. Tính riêng thị trường trong nước, Thế Giới Di Động là doanh nghiệp nội địa nằm ở vị trí thứ hai trong suốt cả năm 2020.

Tại vị trí thứ 6, sàn thương mại điện tử đa ngành Tiki vượt qua Blibli để trở thành điểm sáng của doanh nghiệp Việt với 22,5 triệu lượt truy cập, theo sau là Sendo với 14,3 triệu lượt truy cập, xếp hạng thứ 8.

Doanh nghiệp Việt áp đảo thương mại điện tử Đông Nam Á

Ở báo cáo Quý II/2019, tất cả doanh nghiệp Việt Nam đều nằm ở tốp dưới của các website thương mại điện tử Đông Nam Á. Tuy nhiên, cán cân này đã thay đổi rõ rệt hơn trong báo cáo năm 2020.

Đồng thời, bản đồ thương mại điện tử Đông Nam Á còn cho thấy Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia. Theo đó, tổng lượt truy cập website năm 2020 của Việt Nam gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần so với Philippines và gấp đôi con số của Thái Lan.

Điều này càng khẳng định mạnh mẽ tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp nội địa trong khu vực và kích cỡ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Theo dự đoán của Google, thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 sẽ có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực là 34%.

Khách hàng vẫn là trọng tâm trong năm 2021

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, có thể thấy rằng các doanh nghiệp thương mại điện tử đã nhanh chóng đổi mới để đón đầu xu hướng. Hầu hết các sàn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều tập trung tạo ra những giá trị bổ sung hướng đến khách hàng để thu hút và giữ chân họ trên nền tảng, ứng dụng.

iPrice Group và AppsFlyer phân tích trên hơn 12,4 triệu lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên các thiết bị Android cho thấy rằng tỷ lệ gỡ ứng dụng tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, lên đến 49% giai đoạn quý II/2020. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng trung thành hơn với lựa chọn của mình, có xu hướng xoá các ứng dụng không phù hợp sau khi thử dùng.

Vì thế, bên cạnh việc tập trung vào các chiến dịch thu hút khách hàng, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam cũng cần cân nhắc đến việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng mới hơn nữa.

Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company đề cập rằng nhân tài là yếu tố các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực cải thiện để đảm bảo đà duy trì tăng trưởng. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước tiến tới dự báo đạt quy mô thị trường 29 tỷ USD vào năm 2025, cộng thêm lĩnh vực còn mới và chưa có nhiều trường lớp đào tạo bài bản, chuyên sâu.

Tập trung vào nguồn nhân lực, tìm kiếm và trọng dụng nhân tài có thể là một trong những yếu tố tạo “sức bật” cho các doanh nghiệp thương mại điện tử trong thời gian tới.