Doanh số bán lẻ tại Anh giảm mạnh nhất kể từ năm 2010

Đức Thiên - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERDoanh số bán lẻ quý I/2017 của nước Anh chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong bảy năm qua, do giá cả tăng cao kể từ cuộc bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu vào năm ngoái đã gây áp lực lên người tiêu dùng.

Doanh số bán lẻ tại Anh giảm mạnh nhất kể từ năm 2010
Ảnh: Reuters

Cơ quan thống kê quốc gia Anh cho biết, khối lượng bán lẻ trong 3 tháng đầu năm 2017 đã giảm 1,4%, sau khi tăng 0,8% trong 3 tháng cuối năm 2016.

Đây là mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ quý I/2010, củng cố quan điểm của nhiều nhà kinh tế rằng, chi tiêu hộ gia đình - động lực chính của nền kinh tế - đang giảm mạnh.

Điều này có thể chứng tỏ mối quan tâm của thủ tướng Theresa May, người đầu tuần này bất ngờ kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử quốc gia sớm, trong nỗ lực tăng cường nhiệm vụ của mình trong 2 năm tới để đàm phán con đường rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh.

"Các hộ gia đình đang phải đối mặt với mức tăng chi phí sinh hoạt nhanh chóng trong vòng hơn 3 năm nay và họ đang cố gắng kiểm soát chi tiêu của mình", Richard Lim, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Retail Economics, cho biết.

"Chúng tôi rất quan tâm đến triển vọng của ngành bán lẻ bởi sự kết hợp không mấy trơn tru do chi phí vận hành tăng cao và việc tìm nguồn cung khó khăn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng suy yếu và sự bất ổn chính trị và kinh tế".

Mặc dù thông thường dữ liệu doanh số bán lẻ không phải là căn cứ phản ánh hoàn toàn chính xác cho tiêu dùng hộ gia đình, nhưng các nhà phân tích cho biết số liệu được công bố vào thứ Sáu vừa qua là dấu hiệu tiêu cực đối với nền kinh tế, đồng thời cũng khẳng định các cuộc khảo sát khác cho thấy lạm phát đang làm ảnh hưởng đến tài chính hộ gia đình.

Tổ chức ONS cho biết, doanh thu bán lẻ giảm có thể sẽ làm giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm của tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên - đây là sự đóng góp tiêu cực đầu tiên của ngành này kể từ quý cuối cùng năm 2010.

Chỉ riêng khối lượng bán lẻ trong tháng 3 đã tồi tệ hơn tất cả các dự báo trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế Reuters. Doanh số bán lẻ đã giảm 1,8% vào tháng 3, sau khi tăng 1,7% trong tháng 2.

Tổ chức ONS cũng cho biết, số liệu doanh thu bán lẻ gần đây của người có thu nhập thấp dường như liên quan chặt chẽ đến mức gia tăng lạm phát. Giá bán lẻ đã tăng 3,3% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất trong vòng 5 năm.

Các biện pháp đo lường giá tiêu dùng khác cũng cho thấy mức tăng mạnh mẽ, dẫn đầu là giá cả năng lượng và trở nên trầm trọng hơn do sự sụp đổ của đồng Bảng sau cuộc bỏ phiếu hồi tháng 6 năm ngoái.

Triển vọng cho chi tiêu của người tiêu dùng là chìa khóa cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đánh giá triển vọng của nền kinh tế Anh khi nước này quyết định rời khỏi EU.

Trong khi đó, báo cáo từ các hãng bán lẻ lại cho thấy những kết quả trái ngược. Hãng thời trang của Tập đoàn British Foods, Primark, công bố kết quả giao dịch khả quan sau thời gian nghỉ lễ Phục Sinh.

ONS cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy lượng mua sắm trong lễ Phục Sinh có thể thay đổi số liệu doanh thu bán lẻ trong tháng 3, mặc dù một số nhà phân tích cho biết, họ nghĩ rằng, khoảng thời gian nghỉ lễ có thể là một cơ chế giúp doanh số hồi phục trong tháng 4.

Victoria Clarke, nhà kinh tế học của Investec, nhận định, đối với những con số hiện nay, sẽ rất khó để tạo ra một bước ngoặt tích cực.

Năm ngoái, doanh số bán lẻ tăng trưởng chậm lại xuống còn 1,7% trong tháng 3 từ 3,7% trong tháng 2, so với dự báo tăng trưởng 3,4%.