Đầu tư

Dòng tiền Trung Quốc ồ ạt chảy vào Việt Nam: Chọn cách chơi khôn ngoan

Song Ngư Thứ ba, 08/08/2017 - 13:15

Trong dòng chảy kinh tế thế giới, Việt Nam không thể “không chơi” với Trung Quốc, nhưng chọn cách chơi nào để có hiệu quả và bền vững chính là bài toán khó đối với Việt Nam.

Trung Quốc đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Đầu năm nay, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến, thậm chí có những thời điểm, Trung Quốc đã vượt qua cả Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là điều khác biệt bởi trong nhiều năm qua, top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam ít có sự góp mặt của nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7/2017, Trung Quốc có 1.702 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 11,87 tỷ USD. Đối tác này hiện đứng thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Qua phân tích số liệu cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam chủ yếu qua hai hình thức là rót vốn thực hiện dự án hoặc mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc thường tập trung vào những lĩnh vực như dệt may, xơ sợi, nhiệt điện, sản xuất thép, hạ tầng giao thông, bất động sản...

"Bóng" trải dài từ dệt may, giao thông, nhiệt điện đến bất động sản 

Sau một thập niên bùng nổ, nhiệt điện than đã đến hồi thoái trào, ngay cả tại hai thị trường tiêu thụ điện than lớn nhất toàn cầu là Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi Trung Quốc quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy nhiệt điện than thì ở Việt Nam, rất nhiều dự án điện than với quy mô hàng chục tỷ USD lại được phê duyệt rầm rộ, đặc biệt những dự án này đa phần do Trung Quốc đầu tư.

Điểm mặt các dự án đầu tư từ thị trường này, có thể kể tới Dự án Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD ở Bình Thuận. Trong dự án này, các nhà đầu tư Trung Quốc (Liên danh giữa Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc) nắm giữ tới 95% vốn. Hay tại Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương (vốn đầu tư 1,85 tỷ USD), Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co. Ltd - CPECC) nắm giữ 50% vốn.

Đặc biệt, không ít các dự án nhiệt điện do Trung Quốc làm chủ đầu tư từng để lại nhiều tai tiếng có thể kể đến như Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 2, 3 tự ý thay đổi công nghệ ướt sang công nghệ khô, không xử lý xỉ than… và đặc biệt nhà máy này giống Formosa lại đặt hệ thống xả thải ngầm ra biển Trà Vinh gây ô nhiễm toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long.

Trong lĩnh vực dệt may, dự án nhà máy sản xuất polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD được doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và Nhà máy nhựa Khải Hồng Việt vốn đầu tư 150 triệu USD do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Bắc Giang chỉ là hai trong số hàng trăm dự án mà các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót vốn vào Việt Nam trong quý I/2017.

Trung Quốc cũng đang đầu tư vào hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả hạ tầng mà các dự án đem lại không đạt như kỳ vọng. Điền hình là nhà thầu Trung Quốc đã có không ít tai tiếng tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Đáng lưu ý, trên lĩnh vực bất động sản, so với các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc hay Nhật với khá nhiều các thương vụ thâu tóm đình đám trên thị trường thời gian qua, có vẻ như các nhà đầu tư Trung Quốc khá im hơi lặng tiếng. Mặc dù vậy, một số sự kiện gần đây cho thấy các nhà đầu tư này đang có động thái gia tăng hoạt động ở Việt Nam thông qua con đường M&A.

Kể từ cột mốc tháng 4/2017 đến nay, các tỉnh thành thuộc vùng TP. HCM gồm Sài Gòn, Đồng Nai và Long An ghi nhận sự xuất hiện khá dày của những thương vụ chuyển nhượng hoặc đánh tiếng mua dự án liên quan đến nhà đầu tư Trung Quốc.

Giữa tháng 4, quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited - VOF (thuộc VinaCapital) công bố đã thoái toàn bộ vốn nắm giữ tại dự án Đại Phước Lotus tại Đồng Nai. Khoản tiền thu về của hai quỹ này lần lượt là 48,8 triệu USD (tương đương khoảng 1.100 tỷ đồng) và 16,5 triệu USD (370 tỷ đồng). Đơn vị nhận chuyển nhượng dự án là một công ty thuộc Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD).

Đây là tập đoàn chuyên phát triển những thành phố công nghiệp tại Trung Quốc. Trước khi thâu tóm dự án Đại Phước, năm 2016, CFLD Vietnam đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Tín Nghĩa để xây dựng thành phố công nghiệp mới (NIC) và Khu công nghiệp Ông Kèo tại Đồng Nai.

Tháng 5 vừa qua, P.H Group (Đài Loan) cũng đã tiến hành mua Khu công nghiệp Bàu Bàng từ Becamex tại Bến Cát (Bình Dương). Không dừng lại ở vùng TP. HCM, đến tháng 6, nhà đầu tư Đài Loan này tiếp tục hoàn tất thương vụ mua dự án khách sạn Future Otis Nha tại Trang.

Cũng trong tháng 5/2017, Hong Kong Land đã thâu tóm 64% cổ phần dự án nhà ở nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm của CII. Trước CII, Hongkong Land đã hợp tác với SonKim Land để phát triển dự án cao cấp The Nassim tại Thảo Điền (quận 2), cũng như đang sở hữu 2 tòa nhà văn phòng tại Hà Nội. Mặc dù vậy, Hongkong Land từng để lại “tiếng xấu” khi thoái lui khỏi dự án khu đất vàng 164 Đồng Khởi, quận 1 do không đủ năng lực triển khai giữa lúc thị trường đi xuống hồi những năm 2008-2009.

Sau đó một tháng, Alpha King Real Estate Development JSC, doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam nhưng có giám đốc là người gốc Hoa, tạm trú tại khách sạn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được một đơn vị tư vấn môi giới bất động sản tại TP. HCM hé lộ mua dự án phức hợp Saigon One Tower. Đây là cao ốc đã đình trệ nhiều năm tại khu trung tâm TP. HCM, chủ đầu tư là Saigon M&C.

Các sự kiện nói trên cho thấy làn sóng đầu tư của người Trung Quốc vào thị trường Việt Nam dường như bắt đầu nóng hơn, quy mô hơn và trải rộng trên khắp các phân khúc, từ nhà ở, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp đến bất động sản du lịch.

Các giao dịch của những nhà đầu tư Trung Quốc hoặc gốc Hoa có đặc điểm chung là thường kín tiếng về giá trị thương vụ, thậm chí nhiều trường hợp chỉ được công bố thông tin hạn chế do các bên ràng buộc bằng cam kết bảo mật.

TS. Phạm Sĩ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc cho biết, hiện nay, tại Đà Nẵng, hoạt động đầu tư bất động sản, dịch vụ của công ty Trung Quốc đang lợi dụng kẽ hở của luật Việt Nam để trốn thuế. Các công ty Trung Quốc thành lập công ty con tại Đà Nẵng để thực hiện dự án bất động sản, du lịch. Các chủ đầu tư này chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác thông qua việc thay đổi chủ sở hữu công ty mẹ ở nước ngoài mà không làm thay đổi pháp nhân công ty con tại Đà Nẵng, do đó không phải đóng thuế.

Chọn cách chơi khôn ngoan

Theo TS. Phạm Sĩ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, việc thúc đẩy đầu tư FDI ra bên ngoài không chỉ xuất phát từ đặc điểm hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc mà còn bắt nguồn từ việc chính phủ hoạch định chính sách mới, trong đó đáng chú ý hơn là chương trình đầy tham vọng “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.

Việc thực hiện chiến lược này, vừa hướng đến việc giúp Trung Quốc ứng phó với thách thức bị các nước công nghiệp phát triển chi phối về công nghệ vừa giành được lợi nhuận lớn hơn tại các phân khúc giá trị gia tăng cao hơn và đặc biệt là chống ô nhiễm môi trường.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khi công bố báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác công nghệ cũ” của Trung Quốc. Ông Eric Sidgwick nhận định Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành nền kinh tế tiên tiến, tận dụng tối đa công nghệ cao, công nghệ mới trong chiến lược dài hơi.

Khi Trung Quốc thực hiện các chiến lược thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao trong nước, nguy cơ đẩy "rác" công nghệ cũ lạc hậu sang các nước như Việt Nam rất lớn, TS. Lương Văn Khôi đã nhận định như vậy trong đoạn báo cáo "Rủi ro từ Kinh tế Trung Quốc" của mình.

Đã có không ít cảnh báo như vậy về nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc và nguy cơ này là có thật, khi nhìn vào thực trạng công nghệ, thiết bị mà Trung Quốc đã mang sang Việt Nam trong thời gian qua, trong cả các dự án đầu tư cũng như trong các dự án mà phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Trong hàng loạt dự án ngàn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả của Việt Nam, như Gang thép Thái Nguyên 2, Đạm Ninh Bình, Gang thép Lào Cai... hầu hết có sự xuất hiện của thiết bị Trung Quốc, với chất lượng “ai cũng hiểu”.

Vấn đề nằm ở chỗ, trong “dòng chảy kinh tế” thế giới, Việt Nam không thể “không chơi” với Trung Quốc, bởi thực tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Vấn đề là có đủ tỉnh táo để lựa chọn một cách khôn ngoan.

Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư giao thông ở Việt Nam

Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư giao thông ở Việt Nam

Đầu tư -  7 năm

Tập đoàn Cát Châu Bá (CGGC) của Trung Quốc mong muốn được tham gia vào các dự án đường cao tốc, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm của Việt Nam.

Tập đoàn FLC vay 105 tỷ đồng từ ngân hàng Công Thương Trung Quốc

Tập đoàn FLC vay 105 tỷ đồng từ ngân hàng Công Thương Trung Quốc

Doanh nghiệp -  7 năm

Khoản vay từ ngân hàng Trung Quốc mới được giải ngân gần đây nằm trong tổng số nợ khoảng 4.500 tỷ đồng của FLC tính đến ngày 30/6.

“Tê giác xám” và sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc

“Tê giác xám” và sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc

Quốc tế -  7 năm

Các cơ quan Chính phủ ở Trung Quốc đang được kêu gọi cảnh giác trước sự kiện “tê giác xám” (gray rhino) - là những mối nguy hiểm khá rõ ràng nhưng lại thường bị ngó lơ.

Selex Motors đem giao thông xanh đến Đà Nẵng

Selex Motors đem giao thông xanh đến Đà Nẵng

Doanh nghiệp -  5 giờ

Selex Motors tin rằng, giải pháp "đổi pin như đổ xăng" sẽ thúc đẩy giao thông xanh tại Việt Nam, cũng như sự phổ cập của xe máy điện.

Thách thức đưa ba luật liên quan đến bất động sản vào thực tiễn

Thách thức đưa ba luật liên quan đến bất động sản vào thực tiễn

Tiêu điểm -  6 giờ

Đẩy mạnh phổ biến và tập huấn các quy định mới về pháp luật đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản là một yêu cầu cấp bách

Coteccons tham vọng ‘Go Global’

Coteccons tham vọng ‘Go Global’

Doanh nghiệp -  8 giờ

Chủ tịch Bolat Duisenov chia sẻ, đây là chiến lược của mang tên “follow the client" – theo chân khách hàng của Coteccons.

Idico liên tục mở rộng quỹ đất khu công nghiệp

Idico liên tục mở rộng quỹ đất khu công nghiệp

Doanh nghiệp -  9 giờ

Việc được phê duyệt thêm những dự án khu công nghiệp mới hoặc mở rộng được kỳ vọng giúp Idico có nền tảng thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Chuyển nhầm tiền không lo khi đã có chuyên gia 'check var' ChatPay

Chuyển nhầm tiền không lo khi đã có chuyên gia 'check var' ChatPay

Nhịp cầu kinh doanh -  10 giờ

ChatPay của TPBank cập nhật hàng loạt cải tiến mới, giao dịch nhanh – tiện lợi, rảnh tay hơn bao giờ hết và vẫn bảo mật tuyệt đối với tính năng “paste to pay”.

CEO Truedoc: Khởi nghiệp lĩnh vực y tế không thể có đường tắt

CEO Truedoc: Khởi nghiệp lĩnh vực y tế không thể có đường tắt

Doanh nghiệp -  10 giờ

Startup Truedoc sau khi sáp nhập cùng AiHealth đã nhận đầu tư từ quỹ TNB Aura và trở thành một "hiện tượng" của thị trường khởi nghiệp trong mùa đông gọi vốn.

CEO Đào Thế Vinh chia sẻ về thị trường thịt thế giới và 'khẩu vị' của Golden Gate

CEO Đào Thế Vinh chia sẻ về thị trường thịt thế giới và 'khẩu vị' của Golden Gate

Phát triển bền vững -  11 giờ

"Nhu cầu nhập khẩu thịt của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng trong năm 2025 khi thương mại thịt và các sản phẩm từ thịt trên thế giới được dự báo sẽ phục hồi sau 2 năm sụt giảm liên tiếp".