Dự án khởi nghiệp KINPIJO và chữ 'WOW' quý giá

Hường Hoàng - 17:14, 15/01/2023

TheLEADERTừ một kỹ sư có kinh nghiệm 13 năm trong ngành máy xây dựng, anh Nguyễn Văn Phong đã dũng cảm dấn thân vào lĩnh vực khởi nghiệp lần đầu tiên vào năm 2018 với công ty khởi nghiệp Bluecare - một ứng dụng đặt lịch chăm sóc y tế tại nhà. Năm 2022, anh lại bắt tay vào thực hiện dự án khởi nghiệp thứ hai thuộc lĩnh vực logistic – KINPIJO.

Dự án khởi nghiệp KINPIJO và chữ 'WOW' quý giá
Anh Nguyễn Văn Phong, CEO của Bluecare kiêm chủ nhiệm dự án KINPIJO, phát biểu tại Lab2Market (Ảnh: BK Holdings)

Câu chuyện khởi đầu từ một chiếc màn hình máy tính

Trong một lần được em gái nhờ gửi một chiếc màn hình máy tính vào Thành phố Hồ Chí Minh, anh Phong đã phải tìm đến 3 dịch vụ vận chuyển lớn ở Hà Nội. Tuy vậy, do màn hình máy tính là hàng hóa dễ vỡ, Giaohangtietkiem và Giao hàng nhanh đã từ chối nhận đơn hàng. Trong khi đó, Viettel Post đồng ý nhận gửi hàng nhưng lại yêu cầu anh phải tự đóng gói hàng hóa. Vì vậy, anh Phong đã phải đi khắp phố Duy Tân (Hà Nội) để tìm xốp và đóng gói màn hình máy tính.

Sau trải nghiệm đó, anh Phong nhận ra rằng việc các đơn vị vận chuyển phải từ chối khách hàng và giới thiệu họ sang đối thủ cạnh tranh chỉ vì họ muốn gửi mặt hàng dễ vỡ là một bài toán “rất đau”. Mặt khác, từ góc độ của một người gửi hàng, anh cũng cảm thấy đây không phải là một trải nghiệm thoải mái.

Khi khảo sát ở làng gốm Bát Tràng, anh càng nhận thấy rõ ràng hơn những nỗi đau của thị trường khi mọi lò gốm ở đây vẫn còn dùng rơm để chất lên để chống xóc, dùng giỏ tre để đóng hộp, đóng gói những sản phẩm gốm sứ cực kỳ dễ vỡ và mất rất nhiều công.

Từ đó, anh đã phát hiện ra 2 khó khăn mà ngành hậu cần thương mại điện tử đang phải đối mặt, đó là tổn thất hàng hóa dễ vỡ và chi phí logistics cao do kích thước lớn của thùng cát-tông. Đây chính là nền tảng dẫn anh Phong tới ý tưởng sử dụng công nghệ in 3D trong đóng gói hàng hóa.

Một trong những động lực lớn nhất để anh Phong tiếp tục với dự án KINPIJO đó chính là sự đồng hành của con gái lớn - Bé Kin (chữ cái đầu trong tên dự án “KINPIJO”). Trong thời gian cách ly do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh và bé Kin đã cùng nhau thực hiện rất nhiều thí nghiệm tại nhà để tìm ra được một chất liệu đóng gói có thể chống va đập, chống nước, chống cháy và bám sát vào bề mặt hàng hóa nhằm tối đa hóa diện tích kho hàng.

Trong quá trình nghiên cứu, anh Phong đã gặp không ít tai nạn, thậm chí suýt mất đi đôi mắt của mình. Nhưng nhờ có sự ủng hộ, đồng hành của gia đình, anh đã không bỏ cuộc và đã tìm ra được một “công thức” hiệu quả của riêng mình. Hiện, anh đã nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ cho giải pháp này và tiến hành thương mại hóa sản phẩm.

Những tiếng wow phấn khích

Ngay từ lần đầu tiên giới thiệu giải pháp đóng gói đơn hàng cho những sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada… anh Phong đã hết sức vui mừng khi nhận được những tiếng “Wow” đầy tán thưởng. Theo anh Phong, Khách hàng thường có phản ứng như vậy khi họ được chứng kiến, trải nghiệm một sản phẩm vượt quá sức tưởng tượng và kì vọng, từ đó, nâng cao khả năng “chốt đơn” của sản phẩm.

Vậy, điều gì đã khiến cho giải pháp của KINPIJO nhận được sự tán thưởng như vậy?

Thứ nhất, theo anh Phong, giải pháp đóng gói hàng hóa bằng công nghệ in 3D của KINPIJO giải quyết được hoàn toàn những nguyên nhân dẫn đến tổn thất hàng hóa trong quá trình vận chuyển, từ giảm tác động va đập, chống nước cho đến chống cháy... Theo đó, tất cả những hiệu quả trên đều đã được và kiểm chứng và đo lường.

Thứ hai, giải pháp của KINPIJO sẽ làm giảm 40% thể tích gói hàng so với thông thường, từ đó cắt giảm chi phí vận chuyển đến 14%. “Trong bối cảnh 36% giỏ hàng không trở thành đơn hàng chỉ vì chi phí vận chuyển quá cao, việc cắt giảm thành công 14% chi phí vận chuyển mang ý nghĩa rất lớn”, anh Phong nhấn mạnh.

Thứ ba, giải pháp này cũng sẽ làm giảm đến 40% chi phí lưu kho. Đây cũng là khoản tiết kiệm chi phí rất ấn tượng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, với kho hàng rộng 7500m2 ở Long Biên, chi phí thuê là 200.000VNĐ/m2/tháng, Tiki phải chi trả 1,5 tỷ/tháng. Trong khi đó, khi giảm được 40% chi phí lưu kho, Tiki có thể tiết kiệm được 600 triệu/tháng – một con số khổng lồ.

Cuối cùng, anh Phong cho biết, giải pháp của KINPIJO sẽ cho năng suất cao hơn 25% với chi phí đóng gói ngang bằng khi so sánh với giải pháp đóng gói hiện tại.

Đó là lí do vì sao tất cả khách hàng của KINPIJO đều phải nói “WOW” ngay từ lần giới thiệu đầu tiên.

Chia sẻ về trải nghiệm khi tham gia vào Lab2Market mùa 2, anh Phong nhấn mạnh: “Với vai trò là CEO của Bluecare, tôi đã trải qua rất nhiều chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) của các tổ chức quốc tế lớn, nhưng những trải nghiệm ở Lab2Market vẫn đem đến cho tôi nhiều trải nghiệm vượt trội”.

Theo anh Phong, Lab2Market là một chương trình thực sự thấu hiểu những thiếu hụt của các startups, của các founder và các nhà nghiên cứu, từ hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm, hỗ trợ về tiếp cận thị trường, hỗ trợ về tiếp cận các nguồn quỹ đầu tư, các nguồn lực của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp…. để đưa ra những hỗ trợ rất đúng chỗ, đúng người và đúng thời điểm.

Với sự đồng hành của Lab2Market, anh Phong và đội ngũ KINPIJO đã có nhiều thay đổi chiến lược về mô hình kinh doanh và cách thức tiếp cận thị trường. Cụ thể, với mục tiêu ban đầu là chuyển giao công nghệ cho các công ty vận tải – miếng bánh rất nhỏ trong ngành thương mại điện tử, anh Phong đã thay đổi mục tiêu, hướng đến trở thành doanh nghiệp đứng đầu thị trường đóng gói trong nước và tiến ra thị trường quốc tế trong vòng 3 năm tới.

Với nội lực tiềm tàng của dự án và sự hỗ trợ của các cố vấn, chuyên gia, KINPIJO chắc chắn sẽ nhiều hoạt động nổi bật trong thời gian tới.