Dự báo không lạc quan của ngành ngân hàng nửa cuối năm 2020

Trần Anh - 14:36, 10/09/2020

TheLEADERThu nhập lãi và ngoài lãi đều giảm, trong khi phải đẩy mạnh trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, các ngân hàng khó có thể công bố lãi lớn như nửa đầu năm 2020.

Tính đến cuối tháng 7/2020, tổng tín dụng tăng nhẹ 3,7% so với đầu năm, bằng một nửa mức tăng trưởng 7,5% cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng thậm chí ở mức thấp hơn, chỉ tăng 3,65% sau 6 tháng, còn xa mới đạt mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong bối cảnh suy giảm kinh tế và các ngân hàng cẩn trọng hơn trong việc cho vay. Nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh cũng ở mức thấp, mặc dù nhiều gói hỗ trợ tín dụng với gói lãi suất được ưu đãi được đưa ra.

Việc các ngân hàng không hạ tiêu chuẩn cho vay do e ngại rủi ro, dè dặt hơn trong việc cung ứng vốn ra cho thị trường nhằm giữ chất lượng tài sản chống chọi qua thời gian khó khăn. Sự suy giảm tín dụng này một phần đến từ toàn hệ thống cẩn trọng hơn trong việc cho vay, tập trung vào cho vay các doanh nghiệp lớn.

Trong nửa đầu năm 2020, các ngân hàng giảm tỷ trọng cho vay vào cá nhân và SME, tập trung cho vay vào các doanh nghiệp lớn. Việc tập trung vào cho vay mảng ít rủi ro hơn sẽ giúp các ngân hàng tránh được các cú sốc về nợ xấu.

Dự báo không lạc quan của ngành ngân hàng nửa cuối năm 2020
Dự báo không lạc quan của ngành ngân hàng nửa cuối năm 2020

Để thúc đẩy tín dụng, NHNN đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ ngành ngân hàng và nền kinh tế trong quý 2. Trong tháng 6/2020, NHNN cấp thêm tín dụng cho các ngân hàng vừa và nhỏ. Việc này hỗ trợ nhiều ngân hàng hiện đã sử dụng gần hết room tín dụng cũng như giúp cung ứng vốn ra nền kinh tế. 

Song song với đó, NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%, cũng như giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 1 năm, tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được giữ nguyên ở mức 40% trong năm 2020 đến cuối năm 2021.

Mặc dù vậy, các công ty phân tích cho rằng, hoạt động của ngành ngân hàng khó có tín hiệu khả quan trong nửa cuối năm 2020. Bộ phận phân tích của SSI (SSI Research) ước tính, nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm 2020.

Dựa trên ước tính của Ngân hàng Nhà nước vào quý 1/2020, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay, chiếm 23% tổng tín dụng, chịu ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch.

Khi đại dịch kéo dài, số lượng khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ tiếp tục tăng lên. Các ngân hàng sẽ phải đưa các khoản vay này vào danh sách tái cơ cấu, hoặc phân loại lại thành nợ xấu.

Do đó, thu nhập lãi mất đi liên quan đến nợ tái cơ cấu và nợ xấu có thể ở mức đáng kể hơn.

Hơn nữa, một phần thu nhập lãi được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm có thể sẽ được thoái thu do khoản nợ này bị hạ xếp loại. Những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi sẽ kéo dài trong suốt nửa cuối năm 2020, lâu hơn giai đoạn trong nửa đầu năm. Điều này dẫn tới NIM của ngân hàng giảm mạnh.

Bên cạnh đó, các ngân hàng nhiều khả năng sẽ phải tăng trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu, mặc dù thời hạn của Thông tư 01 có thể được kéo dài để trì hoãn thời gian ghi nhận nợ xấu.

SSI Reseach dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 7,5% - 8,5%, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm 2020 ước tính giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước, do thu nhập hoạt động giảm 4% so với cùng kỳ năm trước và chi phí dự phòng tăng 47,8%.

Công ty chứng khoán BIDV (BSC) thì dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ ở mức 9%. Về phía cầu, dịch bệnh quay lại lần 2 tại Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân từ đó tiếp tục giảm nhu cầu tiêu dùng và vay mở rộng sản xuất kinh doanh. Về phía cung, các ngân hàng sẽ tiếp tục chiến lược tập trung cho vay vào các mảng không tiềm ẩn nhiều rủi ro trong nửa đầu 2020, từ đó giảm cung vốn tín dụng ra cho thị trường

Không chỉ hoạt động tín dụng suy giảm, BSC cho rằng các khoản thu ngoài lãi của ngân hàng cũng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2020. Hoạt động thu phí bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến các ngân hàng phải hạ phí hỗ trợ người dân cùng việc không đẩy mạnh được bán chéo sản phẩm bảo hiểm trong thời gian cách ly. Tốc độ tăng trưởng phí dịch vụ năm 2020, do đó, sẽ chỉ ở mức tăng từ 8-10%, thấp hơn so với mức 10,3% nửa đầu năm 2020.

Ngoài ra, kế hoạch lên sàn của nhiều ngân hàng có thể sẽ phải dời lại. Theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến hết năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, đến hết 2020, tất cả các ngân hàng thương mại sẽ phải đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng kí giao dịch trên sàn Upcom.

Nhiều ngân hàng có kế hoạch niêm yết trong năm 2020 và 2021 để tuân thủ quy định. Trong quý 2/2020, VietCapital Bank đã chào sàn Upcom. MSB, OCB cũng dự kiến sẽ niêm yết sàn HOSE vào cuối năm 2020. Nhiều cổ phiếu dự kiến sẽ chuyển sang niêm yết sàn từ HNX sang HOSE vào cuối năm 2020 như ACB, LPB, VIB.

Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng vẫn bỏ ngỏ kế hoạch lên sàn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc lên sàn vào thời điểm hiện tại không quá thuận lợi, các ngân hàng có thể sẽ lùi lịch trình niêm yết sang 2021.